Đồng chí Hoàng Quốc Việt: Mãi mãi là tấm gương sáng để ngành KSND học tập và noi theo

24/05/2020 09:54

(kiemsat.vn)
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được Đảng, Nhà nước giao đảm nhiệm nhiều trọng trách. Một trong những trọng trách đó là tổ chức lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân với cương vị là Viện trưởng VKSND tối cao trong thời gian 16 năm liên tục (từ năm 1960 đến năm 1976), góp phần quan trọng vào việc xác lập vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong thể chế Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Trong thời gian làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có công lao rất lớn trong việc xây dựng và trực tiếp lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân về mọi mặt. Với cương vị là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn chú trọng việc nêu cao tính Đảng trong công tác kiểm sát; chú trọng công tác xây dựng Đảng trong ngành Kiểm sát nhân dân và luôn gắn hoạt động kiểm sát vào việc phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị của Đảng. Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo quần chúng, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn quan tâm đến công tác quần chúng, nêu cao tính dân chủ trong hoạt động kiểm sát, quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động; luôn luôn chăm lo đến việc rèn luyện đạo đức phẩm chất, giáo dục và chăm lo cho đội ngũ cán bộ của Ngành.

Những năm trực tiếp lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những đóng góp rất quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc chỉ đạo công tác kiểm sát, góp phần hoàn thiện tổ chức cơ quan Viện kiểm sát và thúc đẩy hoạt động kiểm sát phục vụ tốt những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, góp phần củng cố trật tự kỷ cương pháp luật, xứng đáng là một trong những chiến sĩ tiêu biểu nhất trên mặt trận bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta, để lại cho ngành Kiểm sát nhân dân những bài học lớn. 

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo một số vấn đề các Nghị quyết 22, 23, 24 và Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về công tác kiểm sát (tháng 4/1976).

Chú trọng công tác xây dựng Đảng trong ngành Kiểm sát nhân dân;  luôn gắn hoạt động kiểm sát với phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng

Sinh thời đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn luôn khẳng định: Công tác kiểm sát phải là công tác chính trị, phải phục vụ kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, bảo đảm quyền dân chủ hợp pháp của công dân. Trong buổi liên hoan chỉnh huấn thắng lợi tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao (năm 1961), đồng chí nói: “Công tác của Ngành ta hiện nay tiến hành có nhiều thuận lợi được nhân dân ủng hộ; nếu ta biết dựa vào tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng để nắm chắc vấn đề, rồi đề ra phương hướng giải quyết đúng đắn thì chắc chắn công tác của chúng ta sẽ thu được nhiều kết quả tốt. Như thế tức là chúng ta thực hiện đúng chức năng của ngành và nâng cao được tinh thần làm chủ”

Các Chỉ thị công tác của đồng chí Hoàng Quốc Việt cho toàn ngành Kiểm sát nhân dân trong những năm 60 đã xác định những phương hướng hoạt động rất cơ bản cho ngành Kiểm sát nhân dân trên cơ sở quán triệt và phục vụ kịp thời các Nghị quyết của Trung ương Đảng. Sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt đối với công tác kiểm sát đã thể hiện tính kỷ luật của một đảng viên luôn gương mẫu, thể hiện một lập trường của người đảng viên cộng sản luôn kiên định, vững vàng; nhờ đó đồng chí đã xây dựng được quan điểm về chỉ đạo nghiệp vụ rất mẫu mực cho những thế hệ làm công tác kiểm sát hiện nay vận dụng. Nhiều lần, đồng chí Hoàng Quốc Việt nhắc nhở cán bộ ngành Kiểm sát: “Muốn cho công tác giáo dục chính trị và tư tưởng được thực hiện tốt, việc trước hết là chúng ta phải tăng cường sinh hoạt chính trị và tư tưởng của Chi bộ Đảng ở cơ quan”.

Nêu cao tính dân chủ trong hoạt động kiểm sát; quan tâm đến công tác quần chúng, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân 

Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt: “Muốn làm tốt nhiệm vụ kiểm sát, không những chúng ra cần nắm pháp luật, mà còn phải sát tình hình thực tế để vận dụng luật pháp cho đúng. Tiêu chí đơn thuần áp dụng pháp luật một cách máy móc thì dễ thoát ly phong trào, thoát ly sản xuất. Cho nên yêu cầu đặt ra là phải nắm tình hình tư tưởng, xã hội, chính trị của nhân dân, phải đi đúng đường lối quần chúng”.

Có lần đồng chí đã nói: “Cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ và nhân dân, để ai nấy hiểu rõ, tự giác tuân theo, đồng thời biết dựa vào pháp luật để đấu tranh chống lại mọi biểu hiện vi phạm pháp luật và phạm tội. Đi đôi với công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, cần tổ chức kiểm tra chặt chẽ và nghiêm túc hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Phải kết hợp công tác tự kiểm tra trong các cơ quan Nhà nước với sự kiểm tra của các tổ chức quần chúng và sự kiểm tra của Đảng để buộc từng tổ chức và từng cá nhân tuân thủ các pháp luật, chế độ, thể lệ mà Nhà nước đã qui định”.

Quan tâm đến lợi ích của người dân được pháp luật bảo vệ là một tâm niệm rất tha thiết và sâu sắc của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Đồng chí rất căm ghét những thói hư tật xấu, những “con sâu mọt” lẫn vào trong đội ngũ cán bộ. Một thời gian dài chỉ đạo hoạt động kiểm sát, hễ ở đâu có cán bộ, đảng viên dù là chức vụ gì mà phạm tội hoặc vi phạm pháp luật, đồng chí Hoàng Quốc Việt bao giờ cũng kịp thời chỉ đạo một cách kiên quyết và xử lý nghiêm minh.

Chăm lo đến rèn luyện phẩm chất đạo đức, công tác đào tạo và chăm lo cho đội ngũ cán bộ của Ngành

Trong công tác hàng ngày, với cương vị là Thủ trưởng Ngành, đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một đội ngũ cán bộ kiểm sát vừa hồng, vừa chuyên, có đạo đức và phẩm chất cách mạng trong sáng như pha lê. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo các cấp kiểm sát tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị và tư tưởng bao gồm giáo dục đường lối chính sách của Đảng, nâng cao tính giai cấp, tính tiền phong và tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ toàn Ngành. Tăng cường việc bồi dưỡng ý thức tổ chức và kỷ luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ toàn Ngành, làm cho mỗi người chúng ta phải có tinh thần kỷ luật và ý thức trách nhiệm cao, có đầy đủ những đức tính cần thiết của người cán bộ Kiểm sát là: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt quan tâm đến đào tạo cán bộ thuộc thế hệ trẻ trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí luôn nhắc nhở anh em cán bộ trẻ và các cán bộ đương chức phải thường xuyên nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt để làm tốt công tác kiểm sát, từ việc luôn mài sắc, trau dồi lập trường và nhãn quan chính trị đồng thời nâng cao trình độ kiến thức khoa học về các mặt, không được chủ quan, tự mãn. Đồng chí thường nói “Thế giới người ta đến mặt trăng rồi, trình độ cán bộ của ta không thể trì trệ mãi như thế này được”. Khi làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã trực tiếp đến giảng bài nhiều lần cho học sinh ở Trường đào tạo cán bộ kiểm sát của ngành Kiểm sát nhân dân, cả những lớp dài hạn cũng như ngắn hạn. Nhiều thế hệ cán bộ Kiểm sát đã được đồng chí quan tâm dìu dắt, chỉ bảo rất tận tình và để lại những ấn tượng không thể nào quên.

Về mặt nghiệp vụ, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn lưu ý cần tăng cường hơn nữa kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới để kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót trong việc chấp hành chính sách và pháp luật cũng như trong vấn đề về tư tưởng đạo đức và tác phong của cán bộ. Khi giải quyết công việc, đồng chí Hoàng Quốc Việt yêu cầu cán bộ Kiểm sát phải biết vận dụng chính sách, sách lược cho chính xác. Trong những vấn đề thuộc về nội bộ nhân dân, đồng chí lưu ý nhắc nhở phải lấy phương pháp thuyết phục, giáo dục làm chính, mạnh dạn áp dụng nhiều biện pháp xử lý có tình, như đối với nhân dân lao động nhất thời phạm pháp nhẹ nên mạnh dạn đưa về cho các tổ chức quần chúng giúp đỡ, phê phán để cải tạo, giáo dục họ, tránh áp dụng đơn thuần phương pháp trừng trị, bỏ tù để giải quyết.

Trong những năm đầu mới thành lập Ngành, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã yêu cầu kế hoạch công tác cần có trọng tâm trọng điểm, đẩy mạnh việc rút kinh nghiệm, chú trọng đến công tác nghiên cứu, kịp thời đề xuất những vấn đề mới, tích cực góp phần vào việc xây dựng pháp luật, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tham mưu đối với cấp uỷ. Trong công tác đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, cần có nhận thức đầy đủ hơn nữa về chức năng nhiệm vụ của Ngành, biết vận dụng một cách có kết quả nhất các khâu nghiệp vụ kiểm sát để thực hiện tốt phương châm: Chính xác, triệt để và kịp thời...

Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt: “Cán bộ kiểm sát cần phải ra sức bồi dưỡng hơn nữa quan điểm quần chúng trong công tác của mình, đi sát cơ sở, dựa vào quần chúng để làm án và xử lý các vi phạm pháp luật, xây dựng công tác kiểm sát trên cơ sở của đông đảo quần chúng, kết hợp chặt chẽ việc đấu tranh bảo vệ pháp chế với toàn bộ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân. Bồi dưỡng quan điểm quần chúng không những là cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác mà còn là cơ sở để nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, cải tạo tác phong, tự bồi dưỡng cho mình những đức tính không thể thiếu được của người cán bộ kiểm sát là: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp của Đảng và của dân tộc, để lại cho giai cấp công nhân, cho đồng bào, đồng chí chúng ta những tình cảm vô cùng quý mến. Trong 16 năm liền, từ năm 1960 đến năm 1976, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Đảng, Nhà nước giao cho nhiệm vụ tổ chức lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt là tấm gương sáng mẫu mực cho toàn ngành Kiểm sát nhân dân học tập, phấn đấu noi theo./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang