Đón “Đồng đội”

13/06/2018 10:23

(kiemsat.vn)
Chúng tôi - những người còn sống: Là bạn, là đồng đội, là những cán bộ Kiểm sát, mong muốn làm được điều gì đó vì những đồng đội đã ngã xuống và an ủi phần nào cho những người còn sống.

Nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng tại ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi những chiến sỹ pháo cao xạ trung đoàn 210 quân chủng Phòng không, mới có dịp trở lại ngã ba Đồng Lộc, mảnh đất anh hùng đã đi vào huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Được sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi đi thăm một số nơi trước đây từng xảy ra những trận đánh ác liệt giữa lực lượng phòng không của ta và máy bay Mỹ. Kỷ niệm về 147 ngày đêm chiến đấu hy sinh anh dũng của các lực lượng nhằm bảo đảm tuyến giao thông duy nhất chi viện cho chiến trường miền Nam dần hiện lên trong tâm trí mỗi chúng tôi. Ngày ấy, mùa hè năm 1968, thời tiết khắc nghiệt của miền Trung cùng với gió Lào đã làm chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi chiến đấu với máy bay địch. Có những ngày cao điểm gần một trăm máy bay Mỹ đến ném bom nhằm huỷ diệt ngã ba Đồng Lộc. Để chiến thắng và đứng vững, trên 200 đồng đội của chúng tôi đã hy sinh anh dũng.

Hôm nay về Đồng Lộc, thăm lại chiến trường xưa, chúng tôi tìm gặp lại những đồng đội cũ của mình, những người lính đã ngã xuống và yên nghỉ tại đây khi tuổi đời còn rất trẻ. Thật cảm động trước nghĩa tình của quê hương Hà Tĩnh, bởi được biết tất cả những liệt sỹ hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc đều được quy tụ tại nghĩa trang liệt sỹ xã Thiên Lộc - Đồng Lộc.

Ở đây các phần mộ liệt sỹ đều được chăm sóc rất chu đáo. Người quản trang ở Thiên Lộc dẫn chúng tôi đi thăm từng ngôi mộ. Khi đọc đến tên từng đồng đội cũ trên bia mộ là hiện lên những con người, những trận chiến đấu sinh tử và sự ra đi anh dũng của những chiến sỹ pháo phòng không. Nghĩa tử là nghĩa tận, tấm lòng của những người dân Hà Tĩnh thật sâu đậm. Người quản trang ở đây cho hay đã 30 năm nay có những phần mộ liệt sỹ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc không có người thân thăm viếng; tất cả chỉ nhờ vào tấm lòng của người dân địa phương. Điều đó đã làm cho chúng tôi trăn trở, day dứt, cảm thấy như mình có lỗi và chúng tôi đi đến quyết tâm tổ chức đón “Đồng đội”. Nhưng phải mất hơn một năm, sau khi truy tìm địa chỉ các thân nhân liệt sỹ, chắp nối các thông tin cần thiết, công việc có lúc tưởng chừng như đáy bể mò kim nhưng rồi chúng tôi và thân nhân của 2 đồng đội đã liên lạc được với nhau.

Vào một ngày đẹp trời đoàn chúng tôi có mặt tại nghĩa trang Thiên Lộc - Đồng Lộc, Sau khi làm những thủ tục cần thiết để đón các anh trở về địa phương, được sự giúp đỡ của những người dân địa phương nên công việc diễn ra rất chóng vánh. Trước khi rời Thiên Lộc chúng tôi đưa các anh về nhà quản trang thắp hương từ biệt mảnh đất anh hùng - Ngã ba Đồng Lộc để trở về quê hương. Bất giác trong tôi hiện lên hình ảnh Lã Chí Phú (ở phố Phùng Hưng) chiến sỹ thông tin đã hy sinh khi đi nối dây liên lạc cùng Nguyễn Hướng (ở phố Lãn Ông), hình ảnh Trịnh Huy Bằng (ở phố Phủ Doãn) pháo thủ số 3 hy sinh ngay trên mâm pháo. Sự hy sinh của các anh đã trở thành niềm tự hào của gia đình và những người đồng đội chúng tôi.

Lễ tổ chức đón “Đồng đội” diễn ra trang trọng tại nghĩa trang Ngọc Hồi và Bảo tàng phòng không. Một điều bất ngờ và xúc động nữa đến với chúng tôi khi đưa liệt sỹ Trịnh Huy Bằng về quê hương cẩm Giàng - Hải Dương bởi nghi lễ trang trọng do địa phương tổ chức: Nghi lễ đón liệt sỹ, đón người con quê hương sau 30 năm mới có phần mộ tại nghĩa trang quê nhà.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng còn biết bao đồng đội của chúng tôi vẫn còn nằm lại Đồng Lộc. Đó là điều mà chúng tôi luôn canh cánh trong lòng. Nhưng hiện tại chúng tôi đang phải đối mặt với thực tế rất nhiều khó khăn khi những thông tin cần thiết cho chúng tôi quá ít ỏi, vì một lẽ, trong chiến tranh rất nhiều chiến sỹ khi hy sinh gia đình chỉ nhận được giấy báo tử vẻn vẹn mấy dòng chữ “hy sinh tại mặt trận phía Nam”, thậm chí nhiều gia đình không có tin tức gì do giấy báo tử chỉ báo về nơi sinh quán mà không báo về nơi trú quán... cầu mong chúng tôi có được những thông tin cần thiết, kịp thời để chúng tôi có dip đón được nhiều đổng đội hơn nữa. Nghĩa cử của chúng tôi - những người còn sống: Là bạn, là đồng đội, là những cán bộ Kiểm sát, mong muốn làm được điều gì đó vì những đồng đội đã ngã xuống và an ủi phần nào cho những người còn sống. Đó là tình cảm, đạo lý nhưng cũng là trách nhiệm của chúng tôi - Những người “Đồng đội”.

Trần Giao

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang