Đổi mới mạnh mẽ, sắp xếp tổ chức bộ máy Viện kiểm sát nhân dân "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả"
(kiemsat.vn) Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 - Chủ trương lớn, quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy. Để Nghị quyết đi vào thực tiễn công tác, Ban cán sự đảng VKSND tối cao thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường nghiên cứu, xây dựng các phương án để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan VKSND trong bộ máy cơ quan nhà nước.
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến trao quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn
Một số giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
VKSND tối cao tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn hiện nay. Đây là một văn kiện quan trọng, làm tiền đề, mở ra “cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chủ động rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy làm việc Viện kiểm sát nhân dân các cấp và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 - Chủ trương lớn, quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy
Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ngày 19/11/2024, tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TW), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo thống nhất xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện".
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhằm xây dựng hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã kịp thời tổ chức các hội nghị quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc; chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong ngành tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tinh gọn bộ máy, như: Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộmáy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; triệu tập các đồng chí lãnh đạo và toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc các đơn vị VKSND tối cao, VKSND cấp cao tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Thủ trưởng các đơn vị, cấp ủy các tổ chức đảng đã tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết.
Để Nghị quyết đi vào thực tiễn công tác, Ban cán sự đảng VKSND tối cao thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường nghiên cứu, xây dựng các phương án để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan VKSND trong bộ máy cơ quan nhà nước. Theo đó, đã ban hành nhiều văn bản hoặc phối hợp với Đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động như Nghị quyết số 65-NQ/BCSĐ ngày 04/5/2018 về việc rà soát điều chỉnh biên chế gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy làm việc của VKSND các cấp; Kế hoạch số 13-KH/BCSĐ ngày 31/01/2018 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộmáy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trong ngành Kiểm sát nhân dân; Chương trình hành động số 87-CTr/ĐU ngày 26/4/2018 của Đảng ủy VKSND tối cao về thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trong đó tập trung vào thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Kế hoạch số 08-KH/ĐU ngày 05/12/2017 của Đảng ủy VKSND tối cao về tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết; Kế hoạch số 111/KH-VKSTC ngày 19/9/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 2018 đến năm 2021 và ban hành các quyết định để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Ban cán sự đảng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức ngành Kiểm sát nhân dân; xây dựng Đề án tổ chức, biên chế ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2020.
Đặc biệt, ngay khi có Kết luận số 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 181-NQ/BCSĐ ngày 19/11/2024 về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong ngành Kiểm sát nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết liên tịch số 02-NQ/BCSĐ ngày 10/12/2024 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao và Đảng ủy VKSND tối cao về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Ban cán sự đảng và Đảng ủy VKSND tối cao; Nghị quyết số 195-NQ/BCSĐ ngày 21/12/2024 về phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong ngành Kiểm sát nhân dân. Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 386/QĐ-VKSTC ngày 20/11/2024 về việc thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong ngành Kiểm sát nhân dân theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kế hoạch số 22/KH-VKSTC ngày 22/12/2024 về việc rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong ngành Kiểm sát nhân dân; xây dựng Đề án kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng và thành lập Đảng bộ VKSND tối cao. Các nghị quyết, quyết định, kế hoạch, chương trình hành động, đề án được xây dựng và ban hành kịp thời đã góp phần triển khai thực hiện các chủ trương của Trung ương Đảng được khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn ngành xuyên suốt quá trình rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy.
Ngoài các nghị quyết của Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành đầy đủ, kịp thời các quy chế, quy định, thông tư, hướng dẫn về công tác cán bộ. Các văn bản được ban hành đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả cao. Các quy định đã chi tiết cụ thể hơn về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục, đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tổ chức cán bộ. Từ năm 2017 đến nay, VKSND tối cao đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung 52 thông tư, quy chế, quy định, hướng dẫn về công tác tổ chức cán bộ và hàng năm đều có sửa đổi, bổ sung, kịp thời cập nhật các quy định, hướng dẫn mới về cán bộ, công chức để thực hiện thống nhất trong toàn ngành. Ngoài ra, nhằm chuẩn mực hóa đạo đức, chuẩn mực ứng xử của của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là công chức giữ chức danh tư pháp, VKSND tối cao đã ban hành Quy định về ứng xử và văn hóa công vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân; Quy tắc chuẩn mực đạo đức người cán bộ Kiểm sát, nhằm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức của ngành Kiểm sát nhân dân thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Những kết quả ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
Qua 07 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được một số kết quả bước đầu, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận cao trong tập thể, phát huy được tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị để tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp hiện nay.
Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong ngành Kiểm sát nhân dân đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Theo đó, đã thực hiện rà soát, nghiên cứu sáp nhập các đơn vị thuộc VKSND tối cao có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc có quy mô không lớn; sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của các đơn vị cấp vụ và tương đương thuộc VKSND tối cao, các đơn vị thuộc VKSND cấp cao theo hướng không bố trí cấp phòng; các đơn vị thuộc VKSND tối cao trong cơ cấu tổ chức bộ máy còn cấp phòng và tương đương thì rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại theo hướng tinh gọn đầu mối, giảm số lượng cho phù hợp; kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, ổn định tổ chức bộ máy, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn được Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt nhằm nâng cao chất lượng công tác trong toàn ngành. Đồng thời, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng biên chế công chức, viên chức là yêu cầu trong tiến trình thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, khuyến khích thực hiện tinh giản những công chức không phát huy được năng lực trong công tác, không đủ sức khỏe, không đáp ứng trình độ chuyên môn theo quy định; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác tuyển dụng mới tạo nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công việc.
- Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy: Ngay từ khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo thực hiện chủ trương không thành lập mới các đơn vị, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy làm việc cấp phòng thuộc các đơn vị VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh theo hướng giảm đầu mối; sáp nhập các đơn vị thực hiện nhiệm vụ công tác có tính chất tương đồng, có số lượng công việc không nhiều để bố trí, sử dụng phát huy năng lực, hiệu quả công tác, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực hiện tinh giản biên chế. Ngày 28/11/2019, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 37/HD-VKSTC về việc sắp xếp tổ chức bộ máy cấp phòng của VKSND cấp tỉnh, năm 2020 đã quyết định sáp nhập cấp phòng của 63 VKSND cấp tỉnh, sau khi sáp nhập tổng số lượng phòng đã giảm là 171 phòng và hiện nay tổng số phòng của VKSND cấp tỉnh là 555 phòng. Tại VKSND tối cao, thực hiện sáp nhập giảm 01 phòng thuộc Vụ tổ chức cán bộ, giải thể 01 phòng y tế thuộc Văn phòng VKSND tối cao, tổng số phòng của VKSND tối cao sau giảm năm 2020 là 142 phòng.
Mặc dù Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định cơ cấu tổ chức của VKSND cấp huyện theo hướng tổ chức “văn phòng và các phòng” nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý, điều hành, đảm bảo tính chuyên sâu, phù hợp với việc thành lập các tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân cấp huyện nhưng chưa có VKSND cấp huyện nào thành lập văn phòng và các phòng, mà vẫn giữ nguyên mô hình các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc như hiện nay.
Để tiếp tục triển khai quyết liệt chủ trương rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong ngành Kiểm sát nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; thực hiện Kết luận số 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024, Công văn số 05-CV/BCĐ ngày 13/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo thống nhất toàn ngành tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy trong ngành Kiểm sát nhân dân. Theo đó, VKSND tối cao đã có Tờ trình số 41/TTr-VKSTC ngày 27/12/2024 trình Bộ Chính trị về việc rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong ngành Kiểm sát nhân dân, cụ thể:
Đối với VKSND tối cao: Hiện nay, VKSND tối cao có 25 đơn vị cấp vụ và 143 phòng, qua rà soát đề xuất kết thúc hoạt động, sáp nhập và sắp xếp lại một số đơn vị cấp vụ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc có quy mô không lớn và không bố trí cấp phòng ở các đơn vị nghiệp vụ, tinh gọn phòng ở các đơn vị còn lại, theo đó giảm 03 đơn vị cấp vụ và 72 phòng, còn lại 22 đơn vị cấp vụ và 71 phòng.
Đối với VKSND cấp cao: Hiện nay, 03 VKSND cấp cao có 15 đơn vị Viện nghiệp vụ và tương đương (Vụ loại II) và 39 phòng. Đề xuất sắp xếp các viện có chức năng, nhiệm vụ tương đồng và không bố trí đơn vị cấp phòng ở các viện nghiệp vụ. Theo đó, giảm 03 viện nghiệp vụ và 30 phòng, còn lại 12 viện nghiệp vụ và tương đương (Vụ loại II) và 09 phòng.
Tổng hợp kết quả rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong ngành Kiểm sát nhân dân: Cấp vụ (loại I, II) và tương đương: Hiện có 40 đơn vị (VKSND tối cao: 25 đơn vị, 03 VKSND cấp cao: 15 đơn vị). Sau sắp xếp, cơ cấu, tinh gọn giảm 06/40 đơn vị (giảm 15%), còn lại là 34 đơn vị (VKSND tối cao: 22 đơn vị và 03 VKSND cấp cao: 12 đơn vị). Cấp phòng: Hiện có 182 phòng (VKSND tối cao: 143 phòng, 03 VKSND cấp cao: 39 phòng). Sau sắp xếp, cơ cấu, tinh gọn giảm 102/182 phòng (giảm 56%), còn lại là 80 phòng (VKSND tối cao: 71 phòng, 03 VKSND cấp cao: 9 phòng).
- Về kết quả thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, VKSND các cấp thực hiện tốt việc kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả nhất là đơn vị cấp phòng thuộc VKSND cấp tỉnh và hàng năm điều chỉnh biên chế các đơn vị trong ngành hợp lý để thực hiện tốt mục tiêu giảm 10% biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, trong 03 năm 2019, 2020, 2021, VKSND tối cao đã ban hành 03 quyết định điều chỉnh biên chế, giảm tổng số 1.563 biên chế trong toàn ngành, đảm bảo tinh giản 10% biên chế theo chỉ tiêu của Bộ Chính trị. Hàng năm, ban hành hướng dẫn và thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế đối với 608 trường hợp từ năm 2018 đến nay đảm bảo đúng đối tượng và đúng quy định.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ và khối lượng công việc tăng thêm của VKSND, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đã báo cáo và được Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao tổng biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành Kiểm sát nhân dân là 15.860 biên chế (giữ nguyên số biên chế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ từ năm 2012). Trên cơ sở số lượng công việc; tính chất phức tạp, đặc thù của địa bàn, nhất là những đơn vị có thụ lý, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, địa bàn trọng điểm có nhiều vụ án phức tạp; VKSND tối cao phân bổ biên chế cho các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao và VKSND tỉnh. Theo đó, các đơn vị đều được bổ sung thêm biên chế so với năm 2021. Hướng dẫn các đơn vị, VKSND các cấp về yêu cầu tuyển dụng công chức đúng tiêu chuẩn, cơ cấu, vị trí việc làm và thực hiện việc tuyển dụng có lộ trình.
Nhiệm vụ, giải pháp và phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Trong thời gian tới, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thống nhất với chủ trương của Đảng, xác định nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục rà soát, đánh giá, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy VKSND các cấp bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; không thành lập, chia tách các đơn vị, nghiên cứu tổ chức bộ máy VKSND cấp huyện cho phù hợp với tình hình mới, nghiên cứu thu gọn đầu mối, tinh gọn một số đơn vị thực hiện nhiệm vụ công tác có tính chất tương đồng để phát huy năng lực, hiệu quả công tác, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp, đồng bộ, có bước đi, lộ trình phù hợp.
Hai là, xác định nhu cầu và điều chỉnh, phân bổ biên chế của Viện kiểm sát các cấp, gắn với đổi mới công tác quản lý biên chế, bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định mới của luật và yêu cầu cải cách tư pháp; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số giúp tối ưu hóa, giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Ba là, tiếp tục chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch về tinh giản biên chế, bảo đảm phù hợp với đề án đã được phê duyệt; gắn với việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm đối với công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu cơ cấu ngạch, bậc công chức, chức danh nghề nghiệp theo đúng quy định.
Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Về mô hình tổ chức Đảng:
Theo định hướng của Bộ Chính trị, thành lập Đảng bộ VKSND tối cao, gồm các tổ chức đảng của VKSND tối cao và tổ chức đảng của các VKSND cấp cao. Đảng bộ VKSND tối cao trực thuộc Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương. Thành lập Đảng bộ VKSND cấp tỉnh trực thuộc Đảng bộ cơ quan Đảng cấp tỉnh.
Về tổ chức bộ máy trong VKSND:
- Về sắp xếp, cơ cấu lại đơn vị cấp vụ (giảm 03 đơn vị cấp vụ và cơ cấu sắp xếp lại 02 đơn vị): (1) Sáp nhập 02 đơn vị: Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) và Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5). Tên đơn vị sau sáp nhập là Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng, chức vụ. (2) Kết thúc hoạt động của Vụ thi đua khen thưởng, chuyển nhiệm vụ thi đua khen thưởng về Văn phòng VKSND tối cao. (3) Sáp nhập 02 đơn vị: Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tên đơn vị sau sáp nhập là Trường Đại học Kiểm sát. Đồng thời, thực hiện việc xây dựng Đề án thành lập Phân hiệu Trường Đại học Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở nền tảng Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh. (4) Cơ cấu, sắp xếp lại Vụ pháp chế và quản lý khoa học và đơn vị Tạp chí Kiểm sát theo hướng: Đề xuất tái thành lập Viện khoa học Kiểm sát trên cơ sở chuyển một phần chức năng quản lý khoa học từ Vụ pháp chế và quản lý khoa học về Tạp chí Kiểm sát. Sau khi chuyển nhiệm vụ, Vụ pháp chế và quản lý khoa học được cơ cấu, sắp xếp lại thành Vụ pháp chế.
- Về sắp xếp, cơ cấu lại đơn vị cấp phòng (giảm 72 cấp phòng): (1) Không bố trí cấp phòng tại 12 đơn vị cấp vụ (tổng số giảm 50 phòng).
- Đối với tổ chức bộ máy của VKSND cấp cao (giảm 03 Viện nghiệp vụ và giảm 30 phòng).
Như vậy, sau 07 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, mang lại sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong toàn ngành, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thành công các nhiệm vụ công tác được Quốc hội giao. Những kết quả đạt được không chỉ khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết, mà còn thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn ngành Kiểm sát trong tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp đã đề ra, đặc biệt là việc hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả công tác. Trong giai đoạn tới, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” đúng theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
-
1Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Kiểm sát viên VKSND tối cao
-
2VKSND tối cao hướng dẫn công tác chuyển đổi số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025
-
3Khơi thông mọi nguồn lực của xã hội đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
-
4Phiên họp thứ 41: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV
-
5Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến vinh dự được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng
-
6Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến trao quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn
-
7VKSND tối cao tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
-
8Thư chúc mừng năm mới Ất Tỵ 2025 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
-
9Đổi mới mạnh mẽ, sắp xếp tổ chức bộ máy Viện kiểm sát nhân dân "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả"
Bài viết chưa có bình luận nào.