Đến năm 2030, từng bước chuyển các hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân lên môi trường số
(kiemsat.vn) Sáng ngày 17/5, tại Hà Nội, VKSND tối cao tổ chức Hội thảo xây dựng Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021 - 2030”. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội thảo.
Hội thảo khoa học lý luận về pháp luật phòng, chống tội phạm ma túy
Hội thảo quốc gia về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Chủ tịch nước chủ trì Hội thảo quốc gia về xây dựng Nhà nước pháp quyền
Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; lãnh đạo Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; Vụ Tổng hợp TAND tối cao; Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Hội Tin học Việt Nam; lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh... |
Tại Hội thảo, đại diện Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tối cao đã trình bày những nội dung quan trọng của dự thảo Quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin trong ngành KSND giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Với quan điểm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành KSND nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành và công tác chuyên môn nghiệp vụ góp phần khắc phục khó khăn do thiếu biên chế; từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế; Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số là khâu đột phá, trọng tâm của ngành KSND trong nhiệm kỳ 2021-2025 và những năm tiếp theo để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Đồng thời, tăng cường phối hợp, huy động tối đa các nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự phối hợp, giúp đỡ của Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình phát triển công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành KSND; tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin theo lộ trình phù hợp, đảm bảo tính kế thừa, liên thông, đồng bộ, theo mô hình kết hợp giữa tập trung và phân tán; có thứ tự ưu tiên phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư và năng lực triển khai thực hiện để đạt hiệu quả cao; tạo lập kho dữ liệu đồng bộ, khoa học, được hệ thống hóa, số hóa, quản lý tập trung, có khả năng chia sẻ, cung cấp kịp thời thông tin, dữ liệu theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động nghiệp vụ của ngành KSND.
Cùng với đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhận thức, kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động nghiệp vụ, sẵn sàng chuyển đổi phương thức làm việc sang môi trường số.
Đại diện các đơn vị tham dự Hội thảo đã phát biểu tham luận về một số nội dung: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và định hướng quy hoạch phát triển công nghệ thông tin trong ngành KSND; đánh giá thực trạng, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và việc thực hiện đánh giá, xếp hạng chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của ngành KSND trong thời gian tới; giải pháp số hóa dữ liệu và xây dựng trục tích hợp phục vụ hoạt động của ngành KSND;... |
Mục tiêu đến năm 2025, cơ bản xây dựng Viện kiểm sát điện tử với đặc trưng là hầu hết các hoạt động, lĩnh vực công tác của Ngành được ứng dụng công nghệ thông tin ở mức cao nhất, phục vụ có hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát; đạt thứ hạng về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành KSND nằm trong top 10 bộ, ngành (không thuộc khối Chính phủ). Và đến năm 2030, trên cơ sở nền tảng Viện kiểm sát điện tử, từng bước chuyển các hoạt động của ngành KSND lên môi trường số; thay đổi cách thức vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ công chức, viên chức của Ngành có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Phát biểu đề cập đến một số nội dung liên quan đến tư duy, phương pháp, định hướng ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành KSND trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định, thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng VKSND tối cao trong việc tăng cường ứng dụng CNTT và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành KSND. |
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về triển khai, đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong thời gian qua, Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã có nhiều chỉ đạo, ban hành văn bản về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành và xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành KSND; tăng cường trách nhiệm trong thực hiện các dự án công nghệ thông tin, bảo đảm đầu tư đồng bộ, hiệu quả, có tính liên thông và ứng dụng cao trong toàn bộ hệ thống VKSND là khâu đột phá, trọng tâm của năm 2022 và các năm tiếp theo để tập trung chỉ đạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Việc xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021 - 2030 với bước đi, lộ trình, giải pháp phù hợp nhằm xây dựng một hệ thống thông tin ngành KSND hiện đại trên cơ sở các quy trình nghiệp vụ và cơ cấu tổ chức hợp lý, đưa CNTT trở thành một yếu tố nền tảng trong hệ thống các quy trình nghiệp vụ Kiểm sát hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu tác nghiệp nghiệp vụ, xử lý thông tin, cung cấp các thông tin phục vụ quản lý và điều hành.
Đề cập đến các yêu cầu lớn trong quy hoạch tổng thể phát triển CNTT trong ngành KSND giai đoạn 2021-2030, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng đánh giá, việc tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa, góp phần định hướng phát triển CNTT của Ngành với từng giai đoạn cụ thể, bảo đảm tính khả thi. |
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu, Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tối cao nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án./.
Bài viết chưa có bình luận nào.