Đề xuất tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách
(kiemsat.vn) Một số thành viên Thường vụ Quốc hội đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 40% hoặc 50% trong tổng số đại biểu, thay vì thấp nhất 35% như hiện hành.
Tại phiên họp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội chiều 14/9, Ban soạn thảo dự án Luật cho hay, có ý kiến đề xuất như trên nhằm giúp cơ cấu đại biểu Quốc hội hợp lý hơn, giảm số lượng đại biểu là người kiêm nhiệm các chức danh trong khối hành pháp, tư pháp.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải nói, muốn nâng cao chất lượng làm luật thì cần tăng đại biểu chuyên trách. Theo ông Hải, ở các nước phương Tây, cơ quan chuyên môn giúp Quốc hội làm luật rất chuyên nghiệp, đó thường là luật sư, những người am hiểu về luật. Trong khi số lượng đại biểu chuyên trách của Việt Nam hiện không nhiều so với tổng số đại biểu.
"Như ở Uỷ ban Tài chính Ngân sách, chúng tôi nói vui theo bóng đá là đang đá đội hình 1 - 4 - 3, thiếu cầu thủ vì chỉ có 1 chủ nhiệm 4 phó chủ nhiệm, 3 uỷ viên thường trực", ông Hải nói và đề xuất tăng cường chuyên gia giỏi cho các Uỷ ban, như Uỷ ban Tài chính ngân sách là chuyên gia tài chính, chứng khoán, ngân sách...
![]() |
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Để thu hút được người tài vào các uỷ ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh phải thay đổi chế độ đãi ngộ, vì "vừa qua quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, thường trực uỷ ban Tài chính Ngân sách, họ không thích, đưa vào quy hoạch rồi cũng xin rút ra".
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng phản ánh một số trường hợp "không còn chỗ nào về được nữa, người ta mới về Quốc hội". "Có người khi chúng tôi làm việc với tổ chức để quy hoạch họ về làm đại biểu chuyên trách, họ xin đừng cho em vào", bà nói.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trưởng Ban soạn thảo giải thích, khoản 2 điều 23 Luật hiện hành quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách "thấp nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội"; như vậy, quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu chuyên trách nhiều hơn.
Do đó, ông Phúc cho rằng, để thực hiện yêu cầu tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách thì không cần thiết phải sửa đổi quy định của Luật, tùy trong đề án bầu cử Quốc hội từng nhiệm kỳ sẽ xác định hợp lý tỷ lệ đại biểu chuyên trách phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của bộ máy.
"Nếu sửa đổi Luật theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên mức cao hơn, trong khi chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào thì sẽ rất khó khả thi", ông Phúc nói.
Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
-
1Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Lễ báo công dâng Bác
-
2Công bố, trao quyết định về bộ máy và cán bộ của VKSND tối cao
-
3Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua
-
4Tiếp tục triển khai, hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính
-
5Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức của Tòa án và Viện Kiểm sát
-
6Kỳ họp thứ 9 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử lập Hiến, lập pháp Quốc hội khoá XV
-
7Xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, phục vụ Nhân dân, vì Nhân dân
-
8VKSND khu vực tiếp nhận 13 nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền từ ngày 01/7/2025
-
9Sức mạnh của đoàn kết
Bài viết chưa có bình luận nào.