Danh mục bí mật Nhà nước cần cụ thể ngay trong luật?
Nhiều ý kiến đề nghị cần ban hành danh mục bí mật nhà nước kèm theo luật thì mới rõ cái nào mật để người dân biết và làm những gì pháp luật không cấm.
Facebook phải tôn trọng luật pháp, chủ quyền của Việt Nam
Vấn đề - sự kiện nổi bật tuần qua (02/7 - 06/7)
Ban Bí thư quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông
Sáng 11/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Dự luật quy định 15 lĩnh vực thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phạm vi còn quá rộng và có những điểm chưa thật sự phù hợp trên thực tế.
Trong phạm vi, dự thảo luật quy định lĩnh vực chính trị gồm: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác xây dựng Đảng; công tác dân tộc, tôn giáo; Thông tin liên quan đến thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị “khoanh” lại bởi trong phạm vi này có những điểm cần giữ bí mật nhưng cũng có những nội dung cần phải tuyên truyền công khai.
Hay như “Thông tin về hoạt động của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, theo bà Tòng Thị Phóng lâu nay nhiều thông tin vẫn được báo chí đăng tải rộng rãi. Nên chăng luật chỉ quy định theo cấu trúc những vấn đề cơ mật cần bảo vệ, vì “thực tế khác xa rồi”.
Toàn cảnh phiên họp 25 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 11/7 |
Cũng trong phạm vi bí mật Nhà nước, dự luật quy định lĩnh vực lập pháp, tư pháp có: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động lập pháp, tư pháp; Thông tin về việc khởi tố, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, rất nhiều vấn đề trên thực tế đều được công khai để người dân theo dõi, nhất là quá trình tố tụng.
Nhấn mạnh Hiến pháp quy định việc hạn chế quyền công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin chỉ có thể bằng luật chứ không phải văn bản dưới luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng so với pháp lệnh hiện hành thì luật này phải tốt hơn, minh bạch hơn, công khai hơn chứ không phải quy định sơ sơ rồi chuyển cho bộ ngành quy định.
“Cần minh bạch phạm vi, phân loại, danh mục bí mật Nhà nước. Có danh mục kèm theo, như vậy mới tiến bộ, từ pháp lệnh chuyển qua luật hoá chứ không phải chuyển qua nghị định hoá hay thông tư” – bà Lê Thị Nga nêu quan điểm và lưu ý rằng nếu nhìn vào dự thảo luật thì chưa thấy cụ thể cái gì mật và cái gì không mật vì phụ thuộc văn bản dưới luật.
Bà Nga cũng nêu thực tế là các báo cáo về tư pháp hàng năm gửi tới cơ quan của Quốc hội đều đóng dấu mật, từ công tác phòng chống tội phạm, công tác xét xử đến thi hành án... dẫn đến báo cáo thẩm tra cũng phải đóng mật, điều này gây khó khăn trong việc lựa chọn nội dung mời báo chí dự và đưa tin trong các phiên làm việc. Trong khi đó, định nghĩa về bí mật nhà nước chỉ là thông tin có nội dung quan trọng mà nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đồng quan điểm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần ban hành danh mục bí mật nhà nước kèm theo luật thì mới rõ cái nào mật và không mật để người dân biết và làm những gì pháp luật không cấm.
Cũng theo bà Nguyễn Thanh Hải, từ quy định ban hành danh mục, quá trình sử dụng, sao chép thông tin bảo mật cho đến giải mật hoàn toàn là việc của cơ quan nhà nước mà gần như không có sự tham gia ý kiến của người dân. Do đó, dự thảo luật cần bổ sung vào nguyên tắc để đảm bảo quyền giám sát của công dân.
Ông Hà Ngọc Chiến – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng băn khoăn: Đây là luật liên quan quyền tiếp cận thông tin của công dân. Hiến pháp quy định cái gì cấm phải quy định trong luật, nhưng dự luật lại chỉ quy định phạm vi và lĩnh vực bí mật, còn danh mục lại không quy định, như vậy là chưa ổn!
“Quan trọng nhất là danh mục lại không ghi vào luật, trong khi phạm vi và lĩnh vực lại rất rộng. Nên thu hẹp hơn, thực sự là bí mật nhà nước, khi đó lập và Quốc hội ban hành danh mục thì mới đúng. Danh mục này có tính ổn định tương đối lâu dài nên cần ban hành danh mục trong luật” – ông Hà Ngọc Chiến nêu quan điểm./.
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
3Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.