Đại án VNCB: Viện kiểm sát kháng nghị không thu hồi số tiền 4.500 tỷ
(kiemsat.vn) Ngày 04/9, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh có quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm ngày 6/8/2018 của TAND TPHCM về hình phạt đối với 4 bị cáo và về phần thu hồi tài sản đối với khoản tiền 4.500 tỉ đồng liên quan tới bị cáo Phạm Công Danh.
Quảng Ninh: Nguyên Phó giám đốc Sở KH&ĐT bị khởi tố về tội đánh bạc
Bắt tạm giam Thẩm phán nhận hối lộ
Trong bản án sơ thẩm số 268/2018/HS-ST, Tòa án nhân dân TP.HCM nhận định số tiền 4.500 tỷ đồng là do bị cáo Phạm Công Danh thông qua các cá nhân, tổ chức chuyển về ngân hàng VNCB để nâng vốn điều lệ cho ngân hàng VNCB nên về thực chất số tiền 4.500 tỷ đồng này là của bị cáo Phạm Công Danh. Do ngân hàng chưa thực hiện việc nâng vốn điều lệ hay hạch toán điều chỉnh đối với số tiền này nên phải hạch toán trả lại cho các cá nhân góp vốn (thực chất là của bị cáo Phạm Công Danh), từ đó án sơ thẩm tuyên thu hồi số tiền 4.500 tỷ được xem như là của bị cáo Phạm Công Danh từ ngân hàng CB.
Không đồng ý quan điểm này, bản kháng nghị phúc thẩm của VKSND Cấp cao tại TP HCM cho rằng:
Thứ nhất, không có căn cứ hợp pháp để cho rằng số tiền 4.500 tỷ đồng dùng tăng vốn điều lệ là của bị cáo Phạm Công Danh, vì: Số tiền 4.500 tỷ đồng này là do Phạm Công Danh có được từ quan hệ tín dụng đi vay, các hồ sơ vay tiền là hồ sơ khống, các quan hệ tín dụng này đã được kết luận và xác định là trái pháp luật. Ngoài ra, số tiền này còn trên cơ sở tài sản đảm bảo là 06 lô đất bị nâng khống giá trị lên nhiều lần; dùng tiền gửi của VNCB để bảo lãnh cho tiền vay trái pháp luật và rút tiền từ VNCB bằng các hồ sơ tín dụng trái pháp luật. Như vậy nguồn gốc số tiền 4.500 tỷ dùng để tăng vốn điều lệ Phạm Công Danh có được là do hành vi trái pháp luật của Phạm Công Danh nên số tiền này có nguồn gốc bất hợp pháp. Do vậy, 4.500 tỷ đồng này không thế xác định là tài sản hợp pháp của Phạm Công Danh.
Thứ hai, số tiền 4.500 tỷ đã được Phạm Công Danh sử dụng hết, nay buộc Ngân hàng Xây dựng phải trả lại là không phù hợp, vì: Sau khi Ngân hàng nhà nước không chấp nhận tăng vốn điều lệ thì Phạm Công Danh giữ lại sử dụng hết. Khi Nhà nước tiếp quản VNCB, Ngân hàng này đang trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu, tổng nợ phải trả lớn hơn tổng tài sản, Nhà nước phải bù lỗ để giải quyết các hậu quả thiệt hại. Nay Ngân hàng TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam (100% vốn nhà nước) phải gánh chịu toàn bộ số tiền 4.500 tỷ đồng mà Phạm Công Danh đã sử dụng, nghĩa là Nhà nước sẽ tiếp tục bị thiệt hại số tiền 4.500 tỷ đồng là không phù hợp với quy định pháp luật.
Thứ ba, số tiền 4.500 tỷ đồng chưa được hạch toán tăng vốn điều lệ cho VNCB vì Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận việc dùng tiền vay để tăng vốn điều lệ nên không có cơ sở pháp lý buộc Ngân hàng Xây dựng trả lại số tiền này. Theo Đề án tái cơ cấu Ngân hàng VNCB do Ngân hàng Nhà nước trình và được Thú tướng phê duyệt, thì “không dùng vốn ủy thác, vốn huy động vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn, mua cổ phần phát hành thêm của Ngân hàng Xây dựng", trong khi toàn bộ nguồn tiền dùng để xin tăng vốn điều lệ là tiền vay.
Thứ tư, số tiền 4.500 tỷ không phải là đối tượng giải quyết của vụ án và không phải vật chứng của vụ án. Tại bản án sơ thẩm, số tiền 4.500 tỷ được coi là đối tượng của hành vi phạm tội, là vật chứng của vụ án phải thu hồi nhưng không chứng minh được số tiền đó thuộc hành vi phạm tội nào trong vụ án.
Vì các lẽ trên, VKSND Cấp cao tại TP HCM quyết định kháng nghị: Không khấu trừ hậu quả và thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng đối với Ngân hàng TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam (CB) như quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 268/2018/HS-ST ngày 06/8/2018 của Tòa án nhân dân TP.HCM.
Bị cáo Phạm Công Danh (Ảnh: Thanhnien.vn) |
Ngoài ra, trong quyết định kháng nghị, theo quan điểm của VKSND Cấp cao tại TP HCM, việc tuyên phạt đối với các bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành và Nguyễn An Vinh mức án 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm tính từ ngày tuyên án là trái quy định của pháp luật vì họ đang chấp hành bản án treo khác. Nhận định này căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định về những trường hợp không cho hưởng án treo: "Người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo".
VKSND Cấp cao tại TP HCM đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM không áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo đối với 04 bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành và Nguyễn An Vinh.
Xem thêm >>>
VKS kháng nghị thành công hai vụ bỏ lọt tội phạm
Viện kiểm sát kháng nghị tăng hình phạt tù đối với “công an viên” đánh chết người
-
1VKSND TP Hà Tĩnh phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
-
2VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
3Quảng Nam: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai
-
4VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
5VKSND quận Liên Chiểu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án ma túy
-
6VKSND huyện Vân Canh ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn
-
7VKSND TP. Hải Dương kiểm sát việc tiêu hủy pháo nổ trong vụ án hình sự
-
8Những trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
-
9VKSND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hội An về vấn đề liên quan đến người nước ngoài thuê xe tự lái vi phạm pháp luật Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.