Cứu người nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự

17/11/2016 05:04

(kiemsat.vn)
Sau khi nghiên cứu toàn bộ nội dung vụ việc trong bài viết: “Cứu người nhưng gây hậu quả nghiêm trọng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thủy đăng trên Kiemsat.vn ngày 04/11/2016, tôi có ý kiến trao đổi như sau:

Tình huống nêu trong bài viết cho thấy, anh H tuy có mục đích là cứu chị H nhưng lại gây ra hậu quả nghiêm trọng, khiến chị M bị thương tích nặng nên anh H vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” hoặc tội “Vô ý làm chết người” nếu gây hậu quả chết người.

Hành vi của anh H không được coi là thuộc trường hợp “tình thế cấp thiết” được quy định trong BLHS. Điều 23 BLHS năm 2015 có quy định về tình thế cấp thiết như sau:

“1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Mục đích của chế định tình thế cấp thiết là nhằm bảo vệ lợi ích lớn bằng cách hy sinh một lợi ích nhỏ hơn. Trong trường hợp này, anh H đã gây ra thiệt hại vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết và thực tế là xe buýt cũng kịp dừng lại đúng vị trí đón khách, anh H đã gây ra hậu quả to lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Phân tích cụ thể về lỗi của anh H trong tình huống trên: Anh H đẩy chị M với mục đích nhằm giúp chị M tránh được nguy hiểm có thể xảy ra ngay lập tức. Tuy nhiên, ngoài dự tính là hành động cứu người của anh H đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chị M. Trong trường hợp này, anh H đã có lỗi vô ý do quá tự tin, thể hiện như sau:

Anh H đã đánh giá không đúng tình hình thực tế; khi thực hiện hành vi xô ngã chị M khỏi vị trí đứng, tuy trường hợp này buộc phải thấy trước hậu quả nguy hại có thể xảy ra, hành vi đẩy ngã chị M có thể gây thương tích nặng cho chị M nhưng anh H vẫn làm. Anh H không mong muốn hành vi của mình sẽ gây ra hậu quả nguy hại thể hiện ở việc anh H khi thực hiện hành vi xô ngã chị M, anh cho rằng hậu quả không xảy ra hoặc ngăn ngừa được dựa trên sự cân nhắc, phán đoán trước khi thực hiện hành vi. Anh H đã quá tự tin khi đánh giá và lựa chọn xử sự khiến hậu quả nguy hại đã xảy ra khiến chị H bị thương tích nặng và nguy hiểm hơn nữa là tử vong, đây là hậu quả nằm ngoài dự tính của anh H.

Anh H gây ra thiệt hại rõ ràng là vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết. Tuy nhiên, sự vượt quá giới hạn của tình thế cấp thiết xuất phát từ động cơ, mục đích tích cực, vì vậy cũng được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Như vậy, trong trường hợp này, anh H vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” hoặc tội “Vô ý làm chết người” nếu gây hậu quả chết người và được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm d khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 là “Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết”.

Trên đây là ý kiến của tôi về bài viết “Cứu người nhưng gây hậu quả nghiêm trọng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?”. Mong nhận được ý kiến góp ý trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp./.

Nguyễn Nhật Lệ
VKSND tỉnh Vĩnh Phúc

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang