Cuộc chiến vì màu xanh núi rừng của những chiến sĩ khoác trên mình màu áo thiên thanh

29/10/2019 14:48

(kiemsat.vn)
Thời gian qua, cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết những vụ việc phá rừng; góp phần trả lại màu xanh cho rừng.

Huyện Thường Xuân là một huyện rộng nhất tỉnh Thanh Hóa với diện tích tự nhiên rộng 1.107,17 km2, trong đó diện tích đất rừng chiếm tới 80%. Cuộc sống của người dân ở đây gắn liền với rừng, vì vậy vấn đề khai thác, sử dụng, quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương là nhiệm vụ rất quan trọng của các cấp chính quyền, người dân địa phương, các cơ quan chức năng, trong đó có Viện kiểm sát, những người chiến sĩ mang trong mình màu áo thiên thanh.

Những năm trước kia, tình trạng phá rừng, hủy hoại rừng thường xuyên xảy ra tại các xã có diện tích rừng lớn như Xuân Lẹ, Xuân Chinh. Điển hình như vào tháng 8/2014, lợi dụng lúc trời mưa giông, nhiều người dân thôn Cụt Ạc, xã Xuân Chinh đã vào khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn đốn hạ hàng chục cây gỗ rồi thả theo dòng nước suối tập kết ra bìa rừng, khi chưa kịp tẩu tán thì bị người dân phát hiện báo cáo chính quyền địa phương. Hạt kiểm lâm huyện phối hợp với Công an, Viện kiểm sát khám nghiệm hiện trường, phát hiện 19 cây gỗ nhóm 7 bị đốn hạ, khối lượng khoảng 20m3.

Nhìn những cây lim, cây dổi có tuổi đời hàng trăm năm giờ chỉ còn gốc trơ trọi, những khối gỗ còn ngổn ngang lâm tặc chưa kịp đưa ra khỏi rừng khiến cho chúng tôi, những người cán bộ kiểm sát vô cùng xót xa, chúng tôi tự nhủ rằng mình cần phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc đấu tranh với những tội phạm phá rừng, hủy hoại rừng.

Gỗ rừng bị chặt phá ở xã Xuân Lẹ

Mỗi cán bộ Kiểm sát viên đều nhận thức rõ vai trò của mình trong quá trình kiểm sát và khám nghiệm hiện trường; thời gian trực liên tục 24/24 giờ, không kể ngày, đêm, mưa, nắng. Ngay khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm có dấu hiệu của tội phạm khai thác, hủy hoại rừng xảy ra trên địa bàn, những Kiểm sát viên Viện kiểm sát Thường Xuân không ngại gian khổ, gác lại công việc đang còn dở dang để cùng Công an, Hạt kiểm lâm huyện đến ngay hiện trường đảm bảo việc xác minh, phát hiện đối tượng nhanh chóng và kịp thời nhất.

Việc đi khám nghiệm hiện trường trong rừng có lẽ là nhiệm vụ khó khăn vất vả nhất đối với các Kiểm sát viên vì Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Thường Xuân chủ yếu là nữ, ở miền xuôi lên công tác; nay phải trèo núi, lội suối vào tận sâu trong rừng mới đến được hiện trường, con vắt rừng cắn, hay gai rừng cào vào người là thường xuyên, có những hiện trường phải dùng dây tời và đi bộ vài giờ đồng hồ mới đến nơi...; khó khăn là vậy, nhưng đối với Kiểm sát viên chỉ làm tăng thêm khí thế, lòng quyết tâm đấu tranh với tội phạm khai thác, hủy hoại rừng.

Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường vụ án khai thác rừng trái phép tại xã Xuân Lẹ

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng người dân khai thác, hủy hoại rừng là do người dân ở những khu vực có rừng không có đất sản xuất hoặc sản xuất không hiệu quả, không có việc làm, đời sống khó khăn, nhận thức về vai trò của rừng, sự hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng vào việc phá rừng trái phép. Đối với một địa phương có tới 80% diện tích là rừng, cuộc sống của người dân gắn bó với rừng vì vậy việc bảo vệ rừng phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người dân địa phương.

Xác định được vai trò đó, những Kiểm sát viên chúng tôi ngoài trách nhiệm là đấu tranh, phát hiện và xử lý tội phạm khai thác, hủy hoại rừng, thực thi pháp luật còn có trách nhiệm quan trọng là cùng các cơ quan Công an, Hạt kiểm lâm, Tòa án nhân dân huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân; nhất là trong bảo vệ, giữ gìn màu xanh của những cánh rừng.

Thời gian qua, Viện kiểm sát cũng phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại nơi xảy ra tội phạm nhằm tuyên truyền về vai trò, tác dụng của rừng, các quy định hiện hành của Nhà nước về Luật bảo vệ và phát triển rừng, trách nhiệm của từng chủ thể liên quan đến việc bảo vệ và phát triển rừng nói chung, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời tuyên truyền cụ thể về hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm và tội phạm liên quan đến việc bảo vệ rừng thông qua việc xét xử các vụ án cụ thể xảy ra trên địa bàn; qua đó giúp nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với việc bảo vệ rừng.

Cùng với đó, Viện kiểm sát cũng kiến nghị với Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân trong việc chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tinh thần trách nhiệm cao của những chiến sĩ khoác trên mình màu áo thiên thanh – đó là tập thể Lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân huyện Thường Xuân, đã phối hợp tốt cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nên trong những năm qua, tội phạm khai thác, hủy hoại rừng đã bị phát hiện và xử lý, pháp luật được thực thi, những cánh rừng dần được khôi phục, nhận thức pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao./                   

(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang