Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 11 Luật mới
(kiemsat.vn) Chiều 16/12, tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 11 Luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan có liên quan đến các Luật được công bố và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho biết, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua 11 Luật. Căn cứ Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chủ tịch nước đã ký 11 Lệnh về việc công bố Luật gồm: Bộ Luật Lao động; Luật Thư viện; Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Luật dự bị động viên; Luật Chứng khoán.
Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an giới thiệu về Luật số 47 |
Giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Luật số 47), Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Luật số 47 để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia. Trung tướng Lương Tam Quang cho biết, Luật sửa đổi 17 điều, bổ sung 03 điều của Luật số 47 trong đó điểm nhấn đáng chú ý như quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi đáp ứng đủ các điều kiện: Có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam (như tiếp tục thực hiện việc miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Phú Quốc, Kiên Giang theo Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg). Luật số 47 cũng quy định cấp thẻ lưu trú dài hạn có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư dưới 3 tỷ sẽ được phép lưu trú không quá một năm, nhưng nếu đầu tư từ 100 tỷ trở lên được cấp thẻ tạm trú lên tới 10 năm.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giới thiệu về Bộ luật Lao động |
Bộ luật Lao động với 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, sẽ có khoảng 14 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 7 Thông tư của Bộ LĐ-TB-XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật. Bộ luật này có 3 nội dung sửa đổi, bổ sung lớn như: Bộ luật đã mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả NLĐ có quan hệ lao động và NLĐ không có quan hệ lao động; Bộ luật Lao động sửa đổi phù hợp hơn với các nguyên tắc của kinh tế thị trường; Bộ luật Lao động đã bảo đảm phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước gồm các nội dung chính: Giải thích rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán tại khoản 3a Điều 3 (quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật); quy định việc truy cập dữ liệu điện tử để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; bổ sung quy định KTNN xử phạt vi phạm hành chính; quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán; bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng chồng chéo; quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán...
Với 8 chương, 52 điều, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có những điểm mới:
Đối với công dân có 8 điểm mới : Quy định rõ quyền, nghĩa vụ của công dân, gồm 4 quyền, 3 nghĩa vụ; không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thuận tiện; đối với hộ chiếu phổ thông, không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần hai trở đi được lựa chọn nơi thực hiện (tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thuận tiện); công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu; hộ chiếu cấp riêng cho từng người (quy định hiện hành, người chưa đủ 9 tuổi cấp chung với bố, mẹ, thời hạn 5 năm); người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử; luật hóa việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy, nếu người dân có yêu cầu nhằm tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài còn thời hạn.
Về giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 3 điểm mới: Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại: Gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử; hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm, có loại gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử, hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi thời hạn không quá 5 năm, không gắn chíp điện tử; thay cho việc cấp giấy thông hành cho công dân Việt Nam ra nước ngoài ngắn hạn phải về nước vì nhiều lý do khác nhau như hiện nay bằng việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn để thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước đối với công dân trong mọi trường hợp; hộ chiếu có thời hạn không quá 12 tháng.
Đại diện các bộ, ban ngành đã giải đáp một số câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí |
Tại buổi họp báo, các cơ quan chủ trì các Luật tương ứng cũng đã giới thiệu những nội dung cơ bản và những điểm mới của các Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Lực lượng dự bị động viên số 53/2019/QH14, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14, Luật Thư viện số 46/2019/QH14, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện các bộ, ban ngành đã giải đáp một số câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến các quy định và việc thực thi các Luật vừa được công bố./.
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
3Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.