Chuyện lạ ở Hoài Đức: 14 năm, 8 lần xét xử nhưng vẫn chưa giải quyết xong một vụ án

07/07/2020 08:13

(kiemsat.vn)
Vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” ở Hoài Đức đã kéo dài 14 năm với 8 lần xét xử trong đó có 2 lần Giám đốc thẩm, chuẩn bị Giám đốc thẩm lần 3.

Tòa có nhận định sai về chủ thể vụ án?

Cụ Bé và cụ Nhung có hai con là bà Nguyễn Thị Thìn và ông Nguyễn Danh Lâm (liệt sĩ năm 1968, có vợ là bà Phí Thị Bảy). Sau khi cụ Nhung mất, cụ Bé lấy bà Dúi và sinh 3 con: Nguyễn Thị Dậu, Nguyễn Thị Tuất và ông Nguyễn Danh Mùi (liệt sĩ năm 1969).

Cụ Bé và cụ Dúi có mảnh đất 1 sào, 5 thước (khoảng 500 m2 hiện nay) đã được UB hành chính tỉnh Hà Đông cấp sổ đỏ số 1338 năm 1956. Năm 1971, Cụ Bé và cụ Dúi làm quán bán hàng trên thửa đất 155 và đón anh Nguyễn Bá Cường (con bà Nguyễn Thị Thìn) về nuôi. Ngày 18/8/1993, Cụ Bé và cụ Dúi lập di chúc (có hiệu lực pháp luật) chia cho anh Cường một phần đất thuộc thửa 155 nêu trên. Năm 2003, khi hai vợ chồng anh Cường làm thủ tục xin cấp sổ đỏ thì xảy ra tranh chấp với gia đình bà Phí Thị Bảy.

Sau khi hai bên không thể hòa giải mâu thuẫn, bà Bảy đã khởi kiện đòi quyền sử dụng đất ra TAND huyện Hoài Đức và được chấp nhận. Từ đây, vụ án dân sự đòi quyền sử dụng đất giữa bà Bảy và anh Cường bắt đầu và kéo dài suốt 14 năm nay.

Một trong những vấn đề đơn giản nhưng chưa rõ nguyên nhân vì sao các cấp xét xử chưa làm rõ chủ thể của vụ kiện này. Rõ ràng, thửa đất trên thuộc quyền sở hữu của Cụ Bé và cụ Dúi, các cụ đã có di chúc chia thửa đất cho các thành viên trong gia đình trong đó có phần chia cho anh Nguyễn Bá Cường. Việc các cấp tòa xác định bà Bảy là chủ đất, đòi quyền sử dụng đất của anh Cường là sai chủ thể vụ án.

41 m2 đất ở xóm Quê, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức  năm 2013 được TAND thành phố Hà Nội định giá 2 tỷ 75 triệu đồng?

Đất bà Bảy đang ở và sử dụng hiện nay vẫn là đất có quyền sở hữu hợp pháp của cụ Bé và cụ Dúi (Theo giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất cấp năm 1956 của UBND tỉnh Hà Đông) cho nên chủ thể của vụ kiện không phải là bà Phí Thị Bảy nên bà Bảy không có tư cách làm  đơn khởi kiện vì đất đó bà Bảy chỉ là người đăng ký quản lý sử dụng mà thôi. Đây là một vụ án tranh chấp thừa kế chứ không phải là vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” như 7 cấp Tòa đã xét xử suốt 14 năm qua. Vụ án kéo dài gây tổn thất nặng nề cho gia đình anh Cường, gây phẫn nộ trong nhân dân nhất là họ hàng, là con cháu của cụ Bé. Bản án sơ thẩm số 08 ngày 20/3/2013 và bản án Phúc thẩm số 252 ngày 27/9/2013 tuyên anh Cường được sử dụng 41 m2 đất nhưng phải trả cho bà Bảy số tiền 2 tỷ 75 triệu đồng (tương đương 1 m2 = 51 triệu đồng, mặc dù đây là đất ở quê, giá bình quân 70 triệu/ sào).  Căn cứ vào các bản án đó, tài sản trên đất của anh Cường còn bị Thi hành án cưỡng chế, gia đình không thể sinh hoạt bình thường.

Bản di chúc của cụ Bé, cụ Dúi phải được pháp luật công nhận

Hiện nay, gia đình anh Cường có Đơn Phản tố, được TAND huyện Hoài Đức chấp thuận và chuẩn bị tiến hành xét xử; tuy nhiên Vụ Giám đốc thẩm Kiểm tra 2 TAND tối cao lại yêu cầu TAND huyện Hoài Đức phải chuyển hồ sơ lên TAND tối cao xem xét (văn bản số 476/CV-GĐKT II ngày 15/7/2019). Kể từ đó đến nay đã 9 tháng nhưng vụ việc vẫn chưa có dấu hiệu được giải quyết khiến dư luận rất băn khoăn, không hiểu vụ án đang được xử lý theo trình tự tố tụng gì, là giám đốc thẩm hay vẫn là sơ thẩm theo như TAND huyện Hoài Đức đã thụ lý?

Bản di chúc của cụ Bé, cụ Dúi lập ngày 18/8/1993 là hợp pháp, cần được công nhận

Theo luật sư Nguyễn Đình Giá – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thì ngày 18/08/1993, cụ Bé và cụ Dúi đã lập di chúc bằng văn bản có xác nhận của Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức. Theo luật pháp, bản di chúc này hợp lệ và có hiệu lực pháp luật. Đề nghị TAND huyện Hoài Đức căn cứ bản di chúc của cụ Bé, cụ Dúi lập ngày 18/8/1993 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1338 năm 1956 của Ủy ban hành chính tỉnh Hà Đông phân chia theo di chúc mà các cụ để lại hợp lệ và hợp pháp.

Đồng thời, Luật sư cũng phản bác và yêu cầu TAND huyện Hoài Đức xem xét, không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Phí Thị Bảy, bởi vì bà Bảy không có quyền sở hữu (của cụ Dúi, cụ Bé) mà bà Bảy chỉ là người đăng ký quản lý sử dụng thôi. Vấn đề này đã được thể hiện tại quyết định số 1178 QĐ/UB ngày 4/4/2006 của UBND huyện Hoài Đức là hủy bỏ quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Phí Thị Bảy.

Kiểm sát Online sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc vụ việc này trong các bài kế tiếp.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang