Chính phủ quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ

05/01/2022 20:41

(kiemsat.vn)
Trong năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ phù hợp với diễn biến tình hình.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo tóm tắt về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra sáng nay (5/1), thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo tóm tắt về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Báo cáo nêu rõ năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Các nhiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố bất lợi do đại dịch COVID-19. Kinh tế thế giới phục hồi thiếu vững chắc và không đồng đều; nợ công, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia.

Trong nước, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương với biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, xâm nhập sâu, gây hậu quả nghiêm trọng ở các trung tâm kinh tế, đô thị lớn.

Điều hành rõ trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo chủ chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự chia sẻ, ủng hộ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ phù hợp với diễn biến tình hình.

Bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã xác định chủ đề của năm 2021 là: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”8 trọng tâm, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 193 nhiệm vụ cụ thể phân công cho từng bộ, ngành và địa phương tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP.

Ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã nhanh chóng ổn định, giải quyết công việc không để gián đoạn; đã ban hành, triển khai Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó đã xác định các nhiệm vụ, đề án lớn, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, khả thi.

Chính phủ đề ra 6 quan điểm, định hướng lớn, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Quán triệt sâu sắc, tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, quyết tâm xây dựng Chính phủ “Đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ”.

Chính phủ đã kịp thời xây dựng, trình Quốc hội khóa XV các kế hoạch 5 năm 2021-2025 về phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công và đã ban hành Chương trình hành động Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua nguồn vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của nhân dân.

Chính phủ và từng thành viên giải quyết công việc theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ theo nguyên tắc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ giải quyết những việc thuộc thẩm quyền, không quyết định thay những việc đã phân cấp, ủy quyền hoặc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương; đồng thời xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và kiểm soát quyền lực, cá thể hóa trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Cùng với tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thực hiện Kết luận của Trung ương, Chính phủ đã nghiên cứu, ban hành, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP; việc chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ảnh: Nhật Bắc

Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới

Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 được các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu triển khai tích cực, hiệu quả cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Các biện pháp phòng, chống dịch được kế thừa và liên tục được điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn.

Khi dịch bệnh thâm nhập nhanh, nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, trong khi chưa có vaccine, thuốc đặc trị, các biện pháp hành chính nghiêm ngặt được áp dụng và nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho nhân dân, nhất là việc thành lập hơn 700 trạm xá lưu động.

Kịp thời điều động lực lượng lớn chưa từng có, trong thời gian rất ngắn với hơn 300.000 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Đồng thời, Chính phủ xây dựng chiến lược và thúc đẩy ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, tích cực nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay.

Kết quả là, từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%; đang đặt mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm.

Thực hiện Kết luận của Trung ương, Chính phủ đã nghiên cứu, ban hành, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP; việc chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là quyết sách quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế trong quý IV/2021 và năm 2022.

Chính phủ đã khẩn trương trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong phòng, chống dịch, tạo sự chủ động trong huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chăm lo sức khỏe cho người dân.

Việt Nam nằm trong top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực; dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng, định kỳ cập nhật bảo đảm sát với diễn biến tình hình thực tế để đề ra và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, phục vụ cả mục tiêu trước mắt và lâu dài. Ước cả năm đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84%; các cân đối lớn được bảo đảm. GDP tăng 2,58%, trong đó quý IV tăng mạnh, đạt 5,22% sau khi giảm 6,02% trong quý III.

Thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,563 triệu tỷ, vượt 16,4% dự toán; trong đó, thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 khu vực kinh tế vượt khoảng 14,5% so với dự toán và tăng khoảng 11,3% so với năm 2020; tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt khoảng 20,5% so với dự toán và tăng 20,7% so với năm 2020, bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi, nhất là cho công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách nhà nước ước dưới 4%, thấp hơn so với dự toán Quốc hội quyết định (4%GDP).

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336,25 tỷ USD, tăng 19%; xuất siêu ước đạt 4 tỷ USD.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2021 có mức tăng trưởng cao, tăng 9,2%, đặc biệt vốn tăng thêm tăng mạnh trên 40% thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia,là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cao kỷ lục, đạt trên 48,6 tỷ USD.

Khởi công một số công trình và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án hạ tầng quan trọng quốc gia, đặc biệt là một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông... Xác định ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, miền núi phía bắc, khu kinh tế động lực... Tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch tổng thể về chuyển đổi năng lượng xanh.

Tập trung xử lý, đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý 2 ngân hàng thương mại yếu kém, 5 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ để sớm đưa vào vận hành nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; xử lý vướng mắc trong sử dụng kinh phí bảo trì đường sắt. Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, khó khăn của một số dự án giao thông trọng điểm để nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác; trong đó có đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 3, 4; Chính phủ đã khẩn trương trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường đầu năm 2022 về các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình. Đây là chủ trương, quyết sách quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật

Chính phủ tập trung hơn cho công tác xây dựng thể chế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 cho phép thực hiện một số biện pháp khác với quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Chú trọng phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội

Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, Chính phủ đã kịp thời ban hành và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP, đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội được đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được tăng cường; đẩy mạnh kết nối liên thông nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến. Tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp THPT; khai giảng năm học mới, dạy và học trực tiếp, trực tuyến linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh; triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2021 xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế, tiếp tục dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập.

Thông tin, truyền thông được đẩy mạnh, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; kịp thời ngăn chặn thông tin xấu, độc, sai sự thật, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tạo chuyển biến rõ nét ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường

Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững, vừa góp phần phục hồi kinh tế, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số và phát triển bền vững. Triển khai sáng kiến phù hợp với các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP 26).

Triển khai các giải pháp chủ động phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm, bảo vệ, phục hồi môi trường, các hệ sinh thái; xử lý, tái chế rác thải bằng công nghệ phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường thay cho chôn lấp; hoàn thành các chỉ tiêu bảo vệ môi trường theo kế hoạch đề ra.

Chú trọng hoàn thiện thể chế, tích cực tổng kết Nghị quyết của Trung ương tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai và Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; tháo gỡ một số bất cập trong quy định về quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường. Đã trình Quốc hội thông qua kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025.

Quản lý, sử dụng tài nguyên nước bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của biển, các địa phương ven biển để trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước; phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Trong năm 2021, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định và sửa đổi, bổ sung 183 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 07 bộ.

Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được các cấp, các ngành tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả. Nhiều sáng kiến cải cách của các cơ quan và địa phương được nhân rộng. Chính phủ tiếp tục ban hành hơn 20 văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Đã rà soát hơn 400 văn bản liên quan đến quy định pháp luật về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, đề xuất sửa đổi, thay thế 106 điều khoản của 93 văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Hoàn thành đưa vào vận hành Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử phục vụ hiệu quả công tác quản lý xã hội nhất là phục vụ bầu cử và phòng, chống dịch COVID-19.

Hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và cơ chế tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, ngành, địa phương gắn với tinh giản biên chế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và dư luận quan tâm.

Đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình, nổi bật là ngoại giao vaccine; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển và tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển được đẩy mạnh, nhất là đóng góp tham mưu thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh và tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phục hồi kinh tế-xã hội.

Việt Nam đã đảm nhiệm và hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với nhiều sáng kiến được quốc tế đánh giá cao. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thực hiện thành công nhiều chương trình hoạt động đối ngoại. Công tác thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân được triển khai hiệu quả.

Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch COVID-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể thấp hơn năm 2021; lạm phát ở nhiều nước tăng cao.

Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.

Bên cạnh đó, nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Trên cơ sở đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các quan điểm chỉ đạo, điều hành, quán triệt theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đổi mới, chủ động, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, quyết liệt hành động, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang