Câu chuyện chiếc ghế của dân

02/07/2020 09:30

(kiemsat.vn)
Là người Viện trưởng đầu tiên, trong suốt 16 năm trên cương vị Viện trưởng VKSND tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những công lao to lớn trong việc đặt nền móng, xây dựng hệ thống Viện kiểm sát nhân dân trưởng thành về mọi mặt. Quá trình tổ chức và lãnh đạo hệ thống Viện kiểm sát các cấp, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã để lại nhiều bài học lớn, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên những giá trị quý báu.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, nguyên Viện trưởng VKSND tối cao với các cán bộ của Tạp chí Kiểm sát nhân dịp trả lời phỏng vấn kỷ niệm 30 năm thành lập Viện kiểm sát nhân dân (tháng 5/1990)

Một chiều mùa đông của những năm bảy mươi thế kỷ trước, trời rét buốt như có tuyết. Sau chuyến công tác, từ địa phương về trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại số 44 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, vừa bước vào phòng làm việc của mình, Viện trưởng Hoàng Quốc Việt sững người, tần ngần. Lát sau, bác gọi, hỏi đồng chí Phó Văn phòng đang đi lên từ cầu thang:

- Bàn ghế ở đâu mà sang trọng thế, đồng chí?

- Vừa hỏi, bác vừa chỉ vào bộ bàn ghế mới toanh, bóng loáng trong phòng.

Đồng chí Phó Văn phòng gãi đầu, gãi tai, trình bày:

- Thưa bác! Bộ bàn ghế tiếp khách tại phòng làm việc của bác bằng mây đan, đã cũ, mắt ghế đan đã giãn xệch xoạc, bác phải tiếp khách thường xuyên, nhất là khách quốc tế, nên Văn phòng đã bàn bạc, đi đến thống nhất là thay bộ salon da này cho đàng hoàng ạ!

Nhìn bộ ghế salon da màu nâu xẫm to đùng, vuông chành chạnh với những hàng đinh vàng viền quanh thành ghế, tay tựa, chiếc bàn tròn gỗ quý dát trên một tấm kính bóng loáng, bác Hoàng Quốc Việt bảo:

- Bàn ghế sang trọng này, tốn kém lắm phải không, hết bao nhiêu tiền?

- Dạ thưa bác, kinh phí năm nay còn dư giả, Văn phòng đã bàn bạc nhất trí sắm bộ bàn ghế mới thay thế, để bác…! - Đồng chí Phó Văn phòng lúng túng.

- Bộ bàn ghế này phải có giá bằng mấy cái nhà dân, bằng cái nhà kho của hợp tác xã chứ chả phải ít tiền. Thế bộ bàn ghế mây mình đang dùng các đồng chí để đâu rồi? 

- Dạ, anh em Văn phòng đã chuyển xuống Phòng tiếp dân dưới cổng cơ quan rồi ạ!

Bác Hoàng Quốc Việt hỏi tiếp:

- Đồng chí thấy bộ bàn ghế ấy còn dùng được không?

Đồng chí Phó Văn phòng trả lời:

- Còn dùng được, nhưng nó có phần nhếch nhác ạ!

- Ấy chết! Sao lại nhếch nhác! Chẳng lẽ từ trước tới nay phòng làm việc của Viện trưởng luôn nhếch nhác sao? Mình vẫn dùng nó gần chục năm nay! Còn tốt lắm, hàng thủ công của ta mây đan đẹp lắm?

- Dạ còn tốt, còn… Nhưng nó cũ rồi!

- Còn tốt thì cứ dùng, phải tiết kiệm chứ!

- Dạ thưa bác…!

- Cũ rồi, nhếch nhác lại đẩy xuống cho dân dùng à?   

- Dạ thưa bác! Tập thể Văn phòng đã…!

Bác Hoàng Quốc Việt nói tiếp:

- Ừ thì đẹp đấy, sang đấy, nhưng cái đẹp, cái sang dành cho lãnh đạo, cái cũ, cái xấu dành cho dân, thế là không ổn rồi, đồng chí ơi! Tập thể hay người đứng đầu Văn phòng đã nghĩ thế, làm thế là chưa đúng nhé! Những chiếc ghế này là của dân.

Khi đó, trời rét sun tai mà đồng chí Phó Văn phòng toát mồ hôi hột, bối rối chưa biết xử lý thế nào thì bác Hoàng Quốc Việt nói ngay:

- Đồng chí cho anh em chuyển bộ salon này xuống Phòng tiếp dân để đón tiếp nhân dân đến đến trình bày, phản ánh có chiếc ghế ngồi đàng hoàng. Ngành chúng ta là Kiểm sát nhân dân, việc tiếp xúc với nhân dân là quan trọng nhất. Đồng chí cho chuyển bộ bàn ghế cũ lại đây. Làm ngay đi!

Thế là, ngay lập tức toàn bộ Văn phòng túm lại, gò lưng khiêng bộ bàn ghế da to đùng, bóng loáng, viền những hàng đinh vàng chóe xuống Phòng tiếp dân và chuyển lại bộ bàn ghế mây đã cũ lên phòng làm việc của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Quốc Việt để ông làm việc và tiếp khách cho đến khi ông nghỉ hưu. Sau này, đồng chí Trần Hữu Dực, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kế tiếp vẫn dùng bộ bàn ghế mây đó.

Những “Chiếc ghế của dân”, từ đó vẫn “yên vị” tại Phòng tiếp dân, đến năm 1998, khi xây lại trụ sở VKSNDTC, do đã quá cũ, nên được Văn phòng bán thanh lý. Tôi cố mua cho được toàn bộ bộ bàn ghế này với ý định để giữ lại làm lưu niệm từ việc làm ý nghĩa sâu sắc của bác Hoàng Quốc Việt. Nhưng vì cơ quan lúc đó đã lập danh sách “phân phối” hàng thanh lý, nên tôi chỉ mua được 2 chiếc ghế. Đến khi tôi chuyển công tác, do hai chiếc ghế quá cồng kềnh, phòng làm việc mới không chứa được, nên tôi đã viết giấy hiến tặng hai “Chiếc ghế của dân” cho cơ quan và nói rõ xuất xứ câu chuyện cùng với lời đề xuất sưu tầm và đưa bộ bàn ghế vào nhà lưu niệm bác Hoàng Quốc Việt...

Nay, bác Hoàng Quốc Việt - người Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên của Ngành đã đi xa mấy chục năm, nhưng câu chuyện “Chiếc ghế của dân” vẫn đong đầy ý nghĩa.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang