Cần bảo đảm sự thống nhất trong quy định về việc ra quyết định của Tòa án giai đoạn xét xử sơ thẩm

08/08/2021 09:56

(kiemsat.vn)
Bảo đảm sự thống nhất trong quy định của BLTTHS là một trong những đòi hỏi về kỹ thuật lập pháp giúp cho việc áp dụng pháp luật có hiệu quả. Tuy nhiên, một số quy định của BLTTHS năm 2015 về việc ra quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm còn chưa phù hợp về thủ tục xem xét để ra quyết định, chưa thống nhất về hình thức giữa một số quyết định mà HĐXX có quyền ban hành tại phiên tòa với quyết định tương ứng mà Thẩm phán chủ tọa phiên tòa được ban hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định tại Mục II Chương XXI Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015. Trong giai đoạn này, Tòa án thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc mở phiên tòa để xét xử vụ án. Giai đoạn chuẩn bị xét xử bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý vụ án sau khi nhận hồ sơ vụ án cùng bản cáo trạng (hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn) do Viện kiểm sát cùng cấp chuyển sang. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án là nhiệm vụ của tất cả thành viên Hội đồng xét xử (HĐXX) đã được Chánh án Tòa án phân công xét xử vụ án, trong đó, người có vai trò quan trọng nhất trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giúp Thẩm phán nắm bắt đầy đủ, cụ thể các tình tiết của vụ án để điều hành và tiến hành xét xử vụ án tại phiên tòa, xác định các căn cứ để ra các quyết định tố tụng quan trọng thuộc thẩm quyền của mình được quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS năm 2015 như: Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án; quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sau khi phiên tòa được mở theo quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, thực hiện nguyên tắc “xét xử tập thể”, mọi quyết định tại phiên tòa có liên quan đến việc giải quyết vụ án đều là quyết định của HĐXX thực hiện theo nguyên tắc thảo luận tập thể, quyết định theo đa số. Theo quy định tại Điều 299 BLTTHS năm 2015, tại phiên tòa xét xử, ngoài việc ra bản án, HĐXX còn có quyền ra các quyết định tố tụng khác. Trong đó có những quyết định có tên gọi giống với các quyết định mà Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa được ra trong giai đoạn chuẩn bị xét xử như: Quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định của BLTTHS hiện hành về việc ra quyết định của Tòa án tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, chúng tôi thấy chưa phù hợp về thủ tục xem xét để ra quyết định, cũng như chưa thống nhất về hình thức giữa một số quyết định mà HĐXX có thể ban hành tại phiên tòa xét xử với quyết định tương ứng mà Thẩm phán chủ tọa phiên tòa được ban hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, cụ thể:

Về thủ tục ra quyết định của Hội đồng xét xử tại phiên tòa xét xử với những vấn đề phải giải quyết và quyết định khi nghị án

Khi chuẩn bị xét xử, trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS năm 2015, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây: Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; quyết định tạm đình chỉ vụ án; quyết định đình chỉ vụ án; quyết định đưa vụ án ra xét xử. Hoạt động nghiên cứu hồ sơ là hoạt động cá nhân của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và quyết định của Thẩm phán ban hành sau khi nghiên cứu hồ sơ là quyết định độc lập thuộc quyền hạn của Thẩm phán. Vì vậy, việc ra quyết định nào trong số quyết định có thể ra khi chuẩn bị xét xử do Thẩm phán độc lập xác định dựa vào kết quả nghiên cứu hồ sơ của mình đã xác định được các căn cứ ra các quyết định cụ thể  nói trên mà BLTTHS quy định.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, việc ra quyết định của HĐXX là sản phẩm của hoạt động xét xử, được thực hiện theo các nguyên tắc xét xử nên sẽ phải tiến hành theo thủ tục phù hợp. Như đã nêu ở trên, khi phiên tòa được mở thì Tòa án (HĐXX) xét xử theo các nguyên tắc tố tụng. Một trong các nguyên tắc đó là nguyên tắc “Tòa án xét xử tập thể” quy định tại Điều 24 BLTTHS năm 2015 với nội dung: “Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn do Bộ luật này quy định”. Vì vậy, theo khoản 2 và khoản 3 Điều 299 BLTTHS năm 2015 quy định về việc ra bản án, quyết định của Tòa án thì quyết định về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án còn quyết định các vấn đề khác được HĐXX thảo luận và thông qua tại phòng xử án. 

Quy định như trên cơ bản phản ánh đúng với yêu cầu của nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể. Tuy nhiên, quy định này vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định về thủ tục xem xét, nội dung vấn đề phải xem xét, nơi tiến hành việc xem xét để xác định căn cứ mà HĐXX có thể viện dẫn ra một số quyết định quan trọng của vụ án tại phiên tòa sơ thẩm, cụ thể như sau:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 326 BLTTHS năm 2015 về những vấn đề phải giải quyết khi nghị án thì trong các vấn đề mà HĐXX phải giải quyết trong phòng nghị án không có vấn đề xác định xem có căn cứ để đình chỉ vụ án hay không.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 299 BLTTHS năm 2015 quy định về việc ra bản án, quyết định của Tòa án thì trong số các quyết định mà HĐXX có thể ra tại phiên tòa lại có quyết định đình chỉ vụ án. Như vậy, nếu đã quy định HĐXX có quyền ra quyết định đình chỉ vụ án mà lại không quy định “có căn cứ để đình chỉ vụ án hay không” là vấn đề mà HĐXX cần giải quyết và quyết định khi nghị án thì không có căn cứ để ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 299 BLTTHS năm 2015.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 7 Điều 326 BLTTHS, khi nghị án nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm thì HĐXX quyết định việc khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 18 và Điều 153 của Bộ luật này. Như vậy, vấn đề có căn cứ để HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc đề nghị Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự hay không (việc điều tra có bỏ lọt tội phạm  hay không) cũng là một vấn đề cần giải quyết và quyết định trong phòng nghị án chứ không thể đơn thuần là vấn đề được thảo luận và thông qua tại phòng xử án như quy định tại khoản 2 Điều 299 BLTTHS hiện hành được.

Về hình thức các quyết định của Hội đồng xét xử tại phiên tòa

Trước hết, theo quy định của BLTTHS hiện hành về căn cứ ra quyết định, nội dung các quyết định mà Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể ra trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì về hình thức để thể hiện được căn cứ, nội dung đó, các quyết định này là một loại văn bản tố tụng. Vì vậy, các quyết định đó đều phải được thể hiện dưới dạng văn bản. Đặc biệt, khi đối chiếu với quy định của BLTTHS năm 2015 về văn bản tố tụng (khoản 1 Điều 132), có thể khẳng định các quyết định mà Thẩm phán chủ tọa phiên tòa được ra trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đều phải thể hiện bằng văn bản, với lý do (căn cứ, trường hợp) ra quyết định cụ thể và được trình bày theo nội dung thống nhất quy định tại khoản 2 Điều này. Cụ thể, nội dung quy định tại khoản 3 của các điều 280, 281, 282 đều xác định mọi quyết định mà Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể ban hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS năm 2015 về hình thức đều phải bằng văn bản và có viện dẫn các căn cứ cụ thể và theo đúng nội dung quy định tại Điều 132 BLTTHS năm 2015 về văn bản tố tụng.

Đồng thời, theo Nghị quyết số 05/2017/ NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của BLTTHS (Nghị quyết số 05) thì các quyết định của Tòa án (quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa khi chuẩn bị xét xử, quyết định của HĐXX tại phiên tòa xét xử) đều phải thực hiện theo mẫu văn bản thống nhất. Ví dụ: Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Mẫu số 33 dùng cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa; Mẫu số 34 dùng cho HĐXX tại phiên tòa); quyết định đình chỉ vụ án (Mẫu số 36 dùng cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa khi nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị xét xử; Mẫu số 37 dùng cho HĐXX tại phiên tòa khi xét xử vụ án tại phiên tòa). Trường hợp HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án (thực hiện thẩm quyền khởi tố vụ án của Tòa án quy định tại Điều 153 BLTTHS) thì quyết định này được thực hiện theo Mẫu số 60 do Nghị quyết này ban hành.

Hình thức quyết định tố tụng mà HĐXX có thể ban hành tại phiên tòa xét xử được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 299 BLTTHS hiện hành như sau:

“… 2. Quyết định về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập văn bản.

Quyết định các vấn đề khác được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án không phải lập văn bản nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa”

Nếu theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 299 BLTTHS hiện hành nêu trên thì chỉ có các quyết định sau đây, để ra quyết định HĐXX phải lập thành văn bản: Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa, bắt tạm giam bị cáo tại phiên tòa, quyết định trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa.

Với nội dung quy định có tính liệt kê các quyết định mà HĐXX có thể ra tại phiên tòa bằng thủ tục thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và phải lập thành văn bản thì không thấy tên của hai quyết định quan trọng là: Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm. Quy định như vậy, có thể hiểu là khi có căn cứ ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định khởi tố vụ án hình sự (nếu có) thì các quyết định này được xác định là quyết định về các vấn đề khác nên chỉ thảo luận và thông qua tại phòng xử án và không phải lập thành văn bản mà chỉ phải ghi vào biên bản phiên tòa.   

Vấn đề HĐXX có quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hay không đã được xác định rõ theo quy định tại Điều 153 và quy định cụ thể tại khoản 7 Điều 326 BLTTHS năm 2015. Điều 326 BLTTHS quy định về nghị án nên việc xác định có việc bỏ lọt tội phạm cần phải khởi tố, điều tra hay không  để  thực hiện quyền khởi tố vụ án của HĐXX đương nhiên cũng phải là vấn đề cần giải quyết và quyết định trong phòng nghị án và phải lập thành văn bản.

Vấn đề “vụ án có thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không” là một trong số vấn đề phải được giải quyết và quyết định khi nghị án quy định tại điểm a khoản 3 và điểm c khoản 6 Điều 326 BLTTHS năm 2015. Điều này có nghĩa là nếu HĐXX xác định có căn cứ ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì việc ra quyết định này phải được thực hiện tại phòng nghị án và lập thành văn bản như các quyết định khác quy định tại giai đoạn này. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, mặc dù đây là vấn đề được giải quyết và quyết định trong phòng nghị án nhưng nếu HĐXX xác định có căn cứ ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì quyết định này lại được coi là quyết định “giải quyết vấn đề khác” quy định tại khoản 3 Điều 299 BLTTHS năm 2015, vì tên của quyết định đó không được liệt kê trong khoản 2 Điều này. Theo logic thông thường  thì  khi giải quyết vấn đề gì tại phiên tòa xét xử thì việc thảo luận và xác định hướng giải quyết vấn đề được thực hiện ở đâu, việc ra quyết định cũng phải thực hiện tại đó. Cho nên, khi các căn cứ ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung được thảo luận, thông qua tại phòng  nghị  án thì  quyết định trả hồ sơ phải được ra ngay tại phòng nghị án và không thể có hình thức giống các quyết định khác được thảo luận và thông qua tại phòng xử án là không lập thành văn bản mà chỉ ghi vào biên bản phiên tòa được. Do vậy, quy định như BLTTHS hiện hành là chưa thực sự chính xác, không bảo đảm tính thống nhất về thủ tục xem xét ban hành quyết định được quy định tại chính Bộ luật này cũng như hình thức văn bản của các quyết định nói trên được quy định tại Nghị quyết số 05 ban hành một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự đã nói ở trên.

Bên cạnh đó, quy định như vậy đối với việc ra hai quyết định nói trên cả về thủ tục và hình thức cũng chưa phù hợp và không thống nhất với hình thức văn bản tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 132 BLTTHS năm 2015. Nếu việc ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung được thảo luận và thông qua ngay tại phòng xử án, không phải lập thành văn bản cũng không thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 280 Bộ luật này về nội dung quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đã nói ở trên, cũng như không thống nhất với hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2017 ngày 22/12/2017 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì “việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải ra quyết định bằng văn bản và do người có thẩm quyền ký theo quy định tại các điều 41, 44 và 45 của BLTTHS”.  

Từ sự phân tích trên có cơ sở để xác định rằng, trong thực tế quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung đương nhiên phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và phải lập thành văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 132 và đoạn 1 khoản 3 Điều 280 BLTTHS năm 2015 thì mới có căn cứ để Viện kiểm sát tiến hành việc xem xét, quyết định có tiến hành điều tra bổ sung hay không và điều tra bổ sung về vấn đề gì.

Một số kiến nghị

Từ những phân tích trên, để bảo đảm sự thống nhất trong quy định của BLTTHS về thủ tục xem xét ra các quyết định tố tụng và hình thức các quyết định tương ứng của Tòa án ban hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa xét xử, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại một số điều luật cụ thể quy định tại Mục III Chương XXI BLTTHS năm 2015 liên quan đến việc ra quyết định của Tòa án (HĐXX) tại phiên tòa sơ thẩm nhằm bảo đảm sự thống nhất trên hai phương diện: Thủ tục tố tụng và hình thức, nội dung một số quyết định mà HĐXX có thể ra tại phiên tòa xét xử với các quyết định tương ứng mà Tòa án (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa) ra trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, bổ sung quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định khởi tố vụ án hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án vào danh mục các quyết định được thảo luận thông qua tại phòng nghị án và phải lập thành văn bản quy định khoản 2 Điều 299 BLTTHS năm 2015 cho thống nhất với quy định về hình thức các quyết định tương ứng mà Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể ra trong giai đoạn chuẩn bị xét xử cũng như phù hợp với hình thức văn bản tố tụng đã được quy định tại Điều 132 BLTTHS năm 2015, cụ thể:

Điều 299. Việc ra bản án, quyết định của Tòa án

… 2. Quyết định về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo, khởi tố vụ án hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập văn bản.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 326 BLTTHS năm 2015 quy định về nghị án như sau:   

- Bổ sung vào khoản 3 Điều 326 BLTTHS năm 2015 quy định các vấn đề phải giải quyết khi nghị án thêm các vấn đề: “Vụ án có thuộc trường hợp đình chỉ hay không” và “việc điều tra có bỏ lọt tội phạm hay không” làm căn cứ ra các quyết định đình chỉ vụ án, quyết định khởi tố vụ án hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự theo thẩm quyền mà BLTTHS đã quy định cho HĐXX tại khoản 4 Điều 153 của Bộ luật này.

- Bổ sung vào khoản 6 Điều 326 BLTTHS năm 2015 quy định các vấn đề HĐXX phải quyết định khi kết thúc nghị án thêm một vấn đề cần quyết định nữa là “đình chỉ vụ án” bằng cách thêm vào sau cụm từ “tạm đình chỉ vụ án” quy định tại điểm d khoản 6 điều này một đoạn có nội dung “hoặc đình chỉ vụ án” cho thống  nhất với quy định tại khoản 3 Điều 326 của BLTTHS năm 2015 (được sửa đổi theo kiến nghị ở trên).

- Bổ sung vào sau cụm từ “trường hợp phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm thì Hội đồng xét xử quyết định việc khởi tố vụ án” của khoản 7 Điều 326 BLTTHS năm 2015 một đoạn với nội dung “hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án” để bảo đảm sự thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 299 của BLTTHS năm 2015 (được sửa đổi theo kiến nghị thứ nhất ở trên) cũng như phù hợp với quy định tại Điều 153 BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền khởi tố vụ án của Tòa án với tính chất là thẩm quyền được lựa chọn thực hiện theo hai cách thức khác nhau là tự mình ra quyết định khởi tố vụ án hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố.

Như vậy, Điều 326 BLTTHS năm 2015 sau khi sửa đổi, bổ sung sẽ có nội dung như sau:

Điều 326. Nghị án

3. Các vấn đề của vụ án phải được giải quyết khi nghị án gồm:

a) Vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không, việc điều tra có bỏ lọt tội phạm hay không; 

6. Kết thúc việc nghị án, Hội đồng xét xử phải quyết định một trong các vấn đề:

 …

d) Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án. 

Hội đồng xét xử phải thông báo cho những người có mặt tại phiên tòa và người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa về các quyết định tại điểm c và điểm d khoản này.

7. Trường hợp phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm thì Hội đồng xét xử quyết định việc khởi tố vụ án hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 18 và Điều 153 của Bộ luật này./.

 Khoản 4 Điều 153, khoản 7 Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang