Cá thể hóa trách nhiệm của người vi phạm trong vụ án kinh tế

03/12/2021 08:08

(kiemsat.vn)
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định trong công cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, lực lượng công an nhân dân thực hiện theo phương châm “Quyết tâm, quyết liệt, chủ động, thường xuyên, liên tục”.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an trả lời báo chí. Ảnh: VGP 

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều tối 2/12, trả lời câu hỏi liên quan đến kết quả điều tra ban đầu về 2 vụ án được dư luận xã hội quan tâm, thứ nhất là quyết định khởi tố, bắt tạm giam nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; thứ hai là việc khởi tố bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vimedimex cùng 7 người khác do liên quan đến nhiều sai phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định: Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, lực lượng công an nhân dân thực hiện theo phương châm “Quyết tâm, quyết liệt, chủ động, thường xuyên, liên tục”, với quan điểm là thượng tôn pháp luật, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và không oan sai, không có vùng cấm, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, rõ đến đâu thì xử lý đến đấy.

Đối với những vụ án tham nhũng mà dư luận bức xúc, đặc biệt là những người đứng đầu thuộc diện chức vụ cao hoặc có ảnh hưởng trong cộng đồng mà vi phạm pháp luật thì ngoài việc chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên trong quá trình tố tụng, trước khi cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đều họp và xem xét rất cẩn trọng các vụ việc. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an có yêu cầu cơ quan điều tra phải cá thể hóa trách nhiệm của người vi phạm trong vụ án rất rõ, xem có vi phạm không.

“Nếu quyết định đó của người đứng đầu vì dân, vì cái chung, không có tiêu cực thì sẽ được xem xét một cách thấu đáo, nếu phát hiện có tiêu cực phải xử lý nghiêm minh và cân nhắc sử dụng các biện pháp tố tụng như bắt hay không bắt, bảo đảm tính nhân văn”- Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết thêm, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu Bộ Công an triển khai một số vụ làm trước; Bộ đã chọn trong năm vừa qua là các sai phạm trong lĩnh vực y tế, tiếp theo là sai phạm trong đấu thầu đất đai. Phương châm là xử lý vụ án để cảnh tỉnh cả một vùng hoặc lĩnh vực; lợi ích của người được hưởng là nhân dân. Về vụ việc của ông Trương Quốc Cường, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận, cơ quan tố tụng đang tiếp tục làm việc.

Còn vụ việc của bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vimedimex, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết đây là vụ đấu thầu đất đai. Sau khi UBND TP. Hà Nội có quyết định cho huyện Đông Anh đấu thầu diện tích đất 49.000 m2, thì công ty này tiến hành các biện pháp vây thầu, tức là cho tất cả các công ty con, cá nhân đi đấu thầu, dùng các biện pháp câu móc với các các cơ quan liên quan, giá đất lúc đó được xác định là 500 tỷ đồng nhưng hạ xuống còn 300 tỷ đồng để vào thắng thầu. Trong khi 3 công ty vây thầu đều là của bà Loan có nhiệm vụ làm giảm các công ty cùng tham gia và loại các công ty này ra. Qua 4 vòng đều cùng 1 giá và đều xin bỏ thầu. Vấn đề này, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ.

Thận trọng mở lại đường bay thương mại quốc tế khi có biến chủng mới

Liên quan đến vấn đề mở lại đường bay thương mại quốc tế, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc mở các mở đường bay là nhu cầu thực tế, khách quan trong đại dịch này. Không chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia khác cũng xem xét mở lại chuyến bay quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội, giao thương cũng như đi lại của kiều bào trong dịp Tết.

Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 8/11, trong đó đưa ra các quốc gia dự kiến, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia có nhiều kết nối với Việt Nam còn có 10 quốc gia khác và phân ra làm 3 giai đoạn khác nhau với lộ trình, tần suất và các biện pháp phòng chống dịch kèm theo đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách và đánh giá theo cầu của các thị trường đó.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ: Ngoại giao, Công an, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch… để hoàn thành kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Quyết định này trên cơ sở có điều kiện. Điều kiện mở chuyến bay thì chúng ta phải xem xét các yếu tố như khả năng phòng chống dịch; tỉ lệ tiêm vaccine cho người dân để miễn dịch cộng đồng; quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận của các quốc gia, đồng thuận về phương thức kiểm dịch của các quốc gia mà chúng ta kết nối. Hộ chiếu vaccine là công cụ để chúng ta mở chuyến bay cũng như các biện pháp hành chính khác”- Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết thêm, để mở được đường bay với quốc gia nào chúng ta phải có sự đồng thuận của quốc gia đó. Các hãng hàng không phải tuân thủ các quy định.  Bộ GTVT sẽ tiếp tục trao đổi, thỏa thuận với các quốc gia trên cơ sở lộ trình đưa ra và quyết định trên cơ sở đồng thuận các quốc gia. Gần đây có thêm biến chủng mới của virus Corona, đây là một biến động khiến tất cả các nước thận trọng hơn, xem xét, đánh giá kỹ. Tại kế hoạch Bộ GTVT đã trình, dự kiến từ tháng 12 hoặc từ đầu năm 2022 có thể có những chuyến bay nhưng do biến chủng mới, cần rà soát và tiếp tục làm việc với các quốc gia để có thể nối lại đường bay sớm nhất. Trên cơ sở làm việc, Bộ GTVT sẽ rà soát, báo cáo để Thủ tướng quyết định./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang