Bói dạo tung hoành chốn đền chùa đầu năm: bao giờ hết nạn?

05/03/2018 08:14

(kiemsat.vn)
Những ngày đầu năm Mậu Tuất, như đã thành lệ, những người hành nghề bói dạo lại vào mùa... làm ăn. Địa bàn xuất hiện của các "thầy bói dạo" chủ yếu vẫn là khu vực đền, chùa - nơi tập trung đông người qua lại.

Vẫn tiếp diễn tình trạng xem bói dạo tại đền, chùa

Dù TPHCM đã có chỉ đạo cấm các hoạt động bói toán, mê tín dị đoan, ăn xin, nhưng tại nhiều đình, chùa các thầy bói vẫn ngang nhiên hành nghề.

Như thông tin từ SGGP, ở chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), hàng chục thầy bói ngồi la liệt từ ngoài đường vào tận trong sân chùa gạ gẫm du khách. Cách xem bói chủ yếu là xem chỉ tay và chữ ký. Tại chùa Ngọc Hoàng (quận 1) thì “các thầy” có vẻ kín đáo hơn. Họ giả danh là khách viếng chùa, cầm trên tay thẻ nhang, quần áo chỉnh tề, trà trộn vào dòng người để chào mời xem bói. 

Tương tự, “đội quân” bói dạo tại chùa Xá Lợi (quận 3) cũng dùng chiêu giả khách viếng chùa để tiếp cận khách và qua mặt cơ quan chức năng.

Khu vực Lăng Ông (quận Bình Thạnh) cũng không ngoại lệ. Một số thầy bói dạo giả là người bán nhang đèn, cá và chim phóng sinh, để “mồi chài” du khách. Tuy việc chào mời có vẻ kín kẽ, nhưng khi có khách đồng ý thì họ ngang nhiên bày bài tây, quẻ xăm trên bàn nhựa đặt ngoài cổng sau để “chém gió”. 

Bà bói đang hành nghề tại đền Lăng Ông, quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh (Ảnh: SGGP)

Ở Miền Bắc, năm nay, hoạt động bói toán tại các đền, chùa cũng vẫn diễn ra khá phổ biến. Dọc theo lối dẫn vào các điểm di tích, lễ hội, không khó để bắt gặp các “thầy" hành nghề bói. Tại chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), những ngày này, thầy bói xuất hiện “la liệt” hai bên đường với nhiều chiêu trò PR để hút khách như: “Bói sai, đền tiền gấp đôi; bói có bảo hành...”

Ở chùa Bia Bà (La Khê, Hà Đông, Hà Nội) “lực lượng” thầy bói cũng rất đông. Đến Bia Bà dễ dàng bắt gặp những đám đông tụm năm tụm ba bên một người được xem là “thầy” tướng số, tử vi.

Dụng cụ hành nghề của các thầy là vài quyển sách tử vi cũ nát.

Thầy phong thủy, xem tay ở chùa Bia Bà, La Khê, Hà Đông (Ảnh: Giadinh.net)

Một người bán hàng ở cổng chùa cho biết: “Mấy người này chủ yếu là từ nơi khác đến hành nghề trong mấy ngày Tết thôi. Họ xem tướng số, xem vận mệnh mà toàn phán bừa.”. Nói về thầy M, một người đang mời mọc khách xem chỉ tay, người bán hàng nói: “Ai ông ta cũng phán năm nay vận may, mọi sự suôn sẻ thì khách nào chẳng vui vẻ móc tiền. Chỉ có bài ấy, thế mà kiếm được khối tiền trong dịp Tết này đấy”.

Dựa vào thần thánh, thầy bói nhờn luật

Ông T, một người có thâm niên xem bói ở đền Bia Bà (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trong mấy ngày Tết đến Rằm tháng Giêng, mỗi ngày ông kiếm được chừng 2 triệu. Hành trang rất đơn giản: một cuốn sách “luộc” Tử vi trọn đời. “Có hôm gặp khách sộp, họ còn bo thêm”, ông T khoe.

Cũng theo lời ông này thì không chỉ các bà các chị mới tin vào những lời bói toán. Đầu năm, rất nhiều cán bộ công chức Nhà nước hay chủ doanh nghiệp cũng bỏ tiền xem tướng mệnh và tin “sái cổ”.

Lợi dụng tâm lý tò mò, muốn đoán vận hạn, tiền tài, sự nghiệp... trong năm của du khách đi lễ, “đội quân” bói dạo đã hoạt động hết công suất trong những ngày đầu năm.

Do đó, tình trạng bói dạo “dàn trận”, bủa vây di tích nhiều năm nay đã không còn là chuyện lạ.

Thầy bói đang xem chỉ tay cho du khách đi lễ chùa (Ảnh: nguồn Internet)

Trước mỗi mùa lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, thắt chặt quản lý nhằm đảm bảo ANTT, ngăn chặn nạn bói toán và mê tín dị đoan trà trộn vào các lễ hội, làm biến tướng ý nghĩa tốt đẹp trong tín ngưỡng của người dân. 

Dù khu vực hành nghề của các thầy nằm trong tầm quản lý của ban tổ chức lễ hội, nhưng tình trạng này vẫn không thể xử lý dứt điểm, triệt để. Tâm lý e ngại trước những nơi linh thiêng như đền, chùa, miếu mạo đã khiến chính quyền địa phương chưa mạnh tay dẹp bỏ? Điều này giải thích vì sao chế tài có nhưng đám thầy bói, thầy đồng vẫn ung dung hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật... phớt lờ quy định cấm của luật pháp. 

Cần trả lại sự thanh tịnh cho di tích

Không đơn thuần như ở công viên, khu vui chơi, việc bói dạo ở đền chùa, những nơi di tích tôn nghiêm gây một hiệu ứng văn hóa rất phản cảm. Vấn nạn này quấy nhiễu không gian thanh tịnh và làm xấu đi những vẻ đẹp văn hóa tâm linh.

Theo một sư thầy chùa Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội), đầu năm mọi người đi lễ chùa để tâm được thanh thản, nhẹ nhõm, từ đó công việc, sức khỏe được cải thiện hơn. Cần tránh xa các thầy bói dạo hành nghề ở chùa, hoạt động mê tín dị đoan này làm mất đi ý nghĩa của việc đi chùa. Không những thế, nhiều người chỉ vì quá tin lời phán của thầy bói mà tốn kém tiền bạc, thậm chí gia đình lục đục, bất hòa.

Thầy bói ngồi hành nghề khắp lối vào chùa (Ảnh: nguồn internet)

Bằng công việc nói dựa nhảm nhí các “thầy” sống khỏe, có người thu vài triệu mỗi ngày lễ.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần mạnh tay hơn nữa, dẹp bỏ nhanh chóng nạn bói toán để trả lại sự bình yên cho di tích. Những nơi thờ tự linh thiêng, hay địa điểm du xuân cần trở về đúng với giá trị của nó.

Để nạn bói dạo không còn đất hoành hành không chỉ phụ thuộc vào sự kiên quyết của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong việc xử lý đối tượng vi phạm, mà bản thân người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tố giác các đối tượng này bị gạ gẫm mời chào, kiếm lợi bất chính. Nếu hành vi bịp bợm này bị cả xã hội lên án, tẩy chay thì nó sẽ không còn đất để tồn tại nữa.

Mục 3, Điều 18 Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định rõ: Các hành vi tổ chức lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan; đốt vàng mã tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng; tuyên truyền mê tín dị đoan để bán vàng mã là vi phạm nếp sống văn hóa, sẽ bị xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang