Bình Thuận: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, bị đơn bị giả mạo chữ kí đứng trước nguy cơ mất hàng chục tỷ đồng?

13/01/2022 15:16

(kiemsat.vn)
Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt và bị đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Cát Tường Minh.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên y án, giữ nguyên bản án sơ thẩm buộc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Cát Tường Minh (Công ty Cát Tường Minh) hoàn trả và bồi thường số tiền 17.158.007.663 đồng (Trong đó gốc là 11.000.000.000 đồng và tiền lãi tính đến ngày 27/5/2020 là 6.158.007.663 đồng) và tiền lãi phát sinh trên số dư nợ gốc từ ngày 27/5/2020 cho đến khi trả hết nợ theo mức lãi suất được các bên thỏa thuận trong họp đồng tín dụng đã ký kết.

Không đồng tình với bản án trên của TAND tỉnh Bình Thuận, ông Vũ Hồng Phong, là người đại diện pháp luật của Công ty Cát Tường Minh đã gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng vì cho rằng  ông  bị giả mạo chữ ký, mặc dù vắng mặt trong cuộc họp cổ đông nhưng vẫn có tên trong biên bản cuộc họp.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Đức Long (Sinh năm 1963, ngụ tại số C2/17KN3 Phạm Hùng, ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP . HCM) là cổ đông của Công ty cổ phần Nguyễn Thiên Phúc (Công ty Nguyễn Thiên Phúc – Công ty Cát Tường Minh cũ) thì ở thời điểm Công ty Nguyễn Thiên Phúc ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tại 2 biên bản họp Hội đồng quản trị số 1512/BBH-HĐQT-2013 về việc cam kết bảo lãnh khoản vay cho công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng Thiên Ân và biên bản họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty Nguyễn Thiên Phúc đề ngày 11/3/2015 liên quan đến vấn đề vay vốn của ngân hàng TMCP Bản Việt đã bị ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Nguyễn Thiên Phúc có hành vi làm giả hồ sơ, chữ ký với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khiến ông có nguy cơ mất trắng hàng tỉ đồng.

Theo ông Long, Công ty Nguyễn Thiên Phúc được thành lập vào năm 2012, gồm 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, ông Nguyễn Đức Long chiếm 20% vốn điều lệ; ông Lê Anh Tuấn chiếm 70%, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Hồ Văn Nhì chiếm 10% còn lại. Tháng 12/2015, ông Tuấn và ông Nhì chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho người khác, Công ty Nguyễn Thiên Phúc đổi tên thành Công ty Cát Tường Minh.

Tháng 5/2017, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (Ngân hàng Bản Việt) đã khởi kiện Công ty Nguyễn Thiên Phúc (nay là Công ty Cát Tường Minh) và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Thiên Ân (Công ty Thiên Ân) ra TAND TP. Phan Thiết do vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Sau khi ngân hàng khởi kiện, ông Nguyễn Đức Long mới biết, ngày 6/3/2014, ông Lê Anh Tuấn đã đại diện Công ty Nguyễn Thiên Phúc ký Hợp đồng thế chấp số 0024/068/2014/HĐTC bảo lãnh cho Công ty Thiên Ân (doanh nghiệp ông Tuấn góp vốn 80%) vay của Ngân hàng Bản Việt 17 tỉ đồng. Ngày 3/4/2015, ông Tuấn tiếp tục đại diện Công ty Nguyễn Thiên Phúc ký Hợp đồng tín dụng số 055/006815/04.HĐTDTLTDH vay tiếp của Ngân hàng Bản Việt 11 tỉ đồng. Đáng nói, ông Tuấn thực hiện những việc này không thông qua họp bàn và lấy ý kiến cổ đông.

 “Trong suốt quá trình hoạt động, ông Tuấn không tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, không thực hiện các quy định pháp luật liên quan tới việc quản lý doanh nghiệp nên dù là cổ đông sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị nhưng tôi không được tiếp cận sổ sách kế toán, báo cáo tài chính của công ty. Do đó, tôi không hề hay biết việc Tuấn đại diện công ty ký các hợp đồng với Ngân hàng Bản Việt”, ông Long cho biết.

Nghiêm trọng hơn, theo ông Long, để được thông qua các khoản vay trên, ông Tuấn đã giả mạo chữ ký của ông tại các biên bản họp của Công ty Thiên Phúc gồm: Biên bản họp Hội đồng quản trị số 1512/BBH-HDQT-2013 ngày 20/12/2013 về việc cam kết bảo lãnh khoản vay 17 tỉ đồng cho Công ty Thiên Ân và Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông số 01/2015/ĐHĐCĐ-BBH ngày 11/3/2015 về việc thế chấp tài sản công ty vay 11 tỉ đồng từ Ngân hàng Bản Việt.

Ông Long bị giả mạo chữ ký ở hai Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị Công ty Nguyễn Thiên Phúc

Ông Long khẳng định, ông không tham dự hay ký bất cứ văn bản nào tại hai cuộc họp trên, thời gian ghi trên Biên bản họp Hội đồng quản trị số 1512 ông đang ở Cộng hòa Liên bang Đức, việc này thể hiện rõ trên Hộ chiếu xuất nhập cảnh. Vì vậy, ông đã yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định chữ ký.

Ngày 12/5/2021, Phân viện Khoa học hình sự tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã có Kết luận giám định số 2197/C09B, xác định chữ ký tại các biên bản hợp số 1512 và 01/2015 không phải của ông Long.

Kết luận giám định chữ ký của Phân viện Khoa học hình sự tại TP. Hồ Chí Minh

Ngoài ra, ông Long còn phát hiện thêm các dấu hiệu của việc làm giả hồ sơ. Cụ thể tại Biên bản họp số 1512 của Công ty Nguyễn Thiên Phúc ghi nhận buổi họp diễn ra tại trụ sở công ty tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận, bắt đầu lúc 7h30’ và kết thúc lúc 10h30’ ngày 20/12/2013, ông Tuấn tham gia với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, cũng trong ngày 20/12/2013, Công ty Thiên Ân cũng tổ chức họp Hội đồng thành viên tại trụ sở công ty, quận Gò Vấp,TP. HCM bắt đầu lúc 8h30’ và kết thúc 10h30’, ông Tuấn cũng có trong Biên bản cuộc họp với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên (?).

 “Không thể có chuyện ông Tuấn cùng tham gia họp và ký vào hai Biên bản họp khác nhau cùng khung thời gian ở hai địa điểm cách xa nhau hơn 200km được. Không có bất cứ phương tiện nào có thể giúp ông Tuấn di chuyển trên quãng đường này để đạt được mục đích đó”, ông Long khẳng định.

Ông Long còn cho biết, ngày 6/4/2015, sau khi Ngân hàng Bản Việt chuyển 11 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Nguyễn Thiên Phúc, ngay lập tức ông Tuấn đã có Ủy nhiệm chi số FJB1509602197293 chuyển toàn bộ số tiền trên cho ông Đỗ Văn Đại, Giám đốc Công ty Thiên Ân để thanh toán tiền nợ vay theo Giấy vay tiền ngày 30/9/2012. Tuy nhiên, theo ông Long, trong các báo cáo tài chính, Công ty Nguyễn Thiên Phúc không ghi nhận bất kì khoản nợ vay nào với ông Đỗ Văn Đại.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 01/6/2020, TAND TP. Phan Thiết tuyên xử buộc Công ty Nguyễn Thiên Phúc (nay là Công ty Cát Tường Minh) phải trả cho Ngân hàng Bản Việt số tiền hơn 17,1 tỉ đồng bao gồm cả gốc và lãi; buộc Công ty Thiên Ân hoàn trả Ngân hàng Bản Việt số tiền hơn 22,8 tỉ đồng bao gồm gốc và lãi. Nếu không thực hiện, ngân hàng có quyền xử lý các tài sản thế chấp của Công ty Nguyễn Thiên Phú. Không đồng tình với bản án sơ thẩm, ông Nguyễn Đức Long và Công ty Cát Tường Minh đã kháng cáo.

“Công ty Cát Tường Minh không được sử dụng bất kỳ một đồng vốn vay nào từ Ngân hàng Bản Việt nhưng nay lại phải đứng ra trả nợ tiền nợ gốc và lãi vay hơn 40 tỉ đồng. Việc này còn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của tôi, tôi có nguy cơ mất trắng tài sản tại công ty Nguyên Thiên Phúc vì hành vi vi phạm pháp luật của người khác”, ông Long bức xúc.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang