Ban hành quy định về tổ chức và phương thức hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở

17/08/2023 16:51

(kiemsat.vn)
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó có quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/ 8/2023.

Theo đó, ở xã, phường, thị trấn, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và thành viên được bầu tại cuộc họp của cộng đồng dân cư; số lượng thành viên được xác định trên cơ sở tương ứng số lượng thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã nhưng không ít hơn 05 thành viên; gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên.

Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 38 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo từng quý, 06 tháng, hằng năm và nhiệm kỳ. Trên cơ sở Kế hoạch, Ban Thanh tra nhân dân gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch UBND cấp xã và đối tượng kiểm tra, giám sát khác (nếu có) chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát.

Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn hoạt động theo phương thức: Tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị trực tiếp hoặc qua hòm thư góp ý của tổ chức, cá nhân có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của Ban; làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan để thu thập thông tin, tài liệu, phân tích, đối chiếu, tổng hợp thông tin và đánh giá, làm rõ nội dung phản ánh, kiến nghị; thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, xác minh đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có phản ánh, kiến nghị bằng văn bản; trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; Ban Thanh tra nhân dân báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng quý, 06 tháng năm, nhiệm kỳ, đột xuất khi có yêu cầu hoặc phát sinh.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại một công trình ở cơ sở

Đối với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và thành viên được bầu tại cuộc họp của cộng đồng dân cư nơi có công trình, dự án; số lượng, tiêu chuẩn thành viên của Ban Giám sát được thực hiện theo quy định tại Điều 41 và Điều 42 của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; số lượng Phó Trưởng Ban do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã quyết định căn cứ vào số lượng thành viên Ban Giám sát nhưng không quá 02 người.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng kế hoạch hoạt động để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 43 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và phải phù hợp với của từng chương trình, dự án.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động theo phương thức: Tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp hoặc qua hòm thư góp ý của công dân, tổ chức, cá nhân có liên quan đến chương trình, dự án thuộc phạm vi kiểm tra, giám sát của Ban; chủ động thu thập, thông tin, tài liệu để tiến hành phân tích, đối chiếu và tổng hợp, đánh giá tính xác thực, sự phù hợp khi thực hiện chương trình, dự án, nội dung phản ánh, kiến nghị của Nhân dân về chương trình, dự án trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, giám sát trực tiếp tại nơi thực hiện chương trình, dự án; có thể mời người có chuyên môn liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát cùng tham gia kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức và chủng loại vật tư theo quy định; thông báo kết quả kiểm tra, giám sát đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có phản ánh, kiến nghị bằng văn bản; trường hợp phát hiện các vấn đề vi phạm hoặc có các kiến nghị khác về các chương trình, dự án trong quá trình giám sát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và định kỳ báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hoặc khi có yêu cầu về kết quả giám sát các chương trình, dự án trên địa bàn.

Đại biểu dự Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cơ quan VKSND tối cao lấy phiếu tín nhiệm bầu Ban Thanh tra nhân dân Cơ quan VKSND tối cao.

Đối với Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị: Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị và thành viên được bầu tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 51 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 60 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên; trường hợp số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân từ 09 người trở lên thì số lượng Phó Trưởng ban không quá 02 người.

Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, xây dựng chương trình công tác để thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 61 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo từng quý, 06 tháng và hằng năm.

Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị hoạt động theo phương thức: Tiếp nhận thông tin do cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phản ánh trực tiếp, qua hòm thư góp ý; qua nghiên cứu văn bản tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát do lãnh đạo cơ quan, đơn vị cung cấp; làm việc với đơn vị, cá nhân liên quan đến kiến nghị, phản ánh để đánh giá tính xác thực của nội dung phản ánh, kiến nghị; kết quả kiểm tra, giám sát, xác minh được lập thành văn bản và gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có phản ánh, kiến nghị; trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định; Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm định kỳ báo cáo Ban Chấp hành Công đoàn ở cơ quan, đơn vị kết quả thực hiện nhiệm vụ quý, 06 tháng, năm, nhiệm kỳ hoặc khi có yêu cầu; báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức người lao động của cơ quan, đơn vị.

Đối với Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước: Thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước được bầu tại hội nghị người lao động theo quy định tại Điều 69 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên; trường hợp số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân từ 09 người trở lên thì số lượng Phó Trưởng ban không quá 02 người.

Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước xây dựng chương trình, kế hoạch công tác để thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 78 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo từng quý, 06 tháng và hằng năm. Căn cứ nghị quyết hội nghị người lao động và quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, báo cáo Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp nhà nước và thông báo đến ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (nếu có) chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát.

Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo phương thức: Tiếp nhận thông tin do người lao động phản ánh trực tiếp, qua hòm thư góp ý; qua nghiên cứu văn bản tài liệu liên quan đến nội dung giám sát do ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp cung cấp; tổng hợp, phân tích, đối chiếu với nội dung nghị quyết, quyết định của hội nghị người lao động, quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, quy chế nội bộ, các quy định khác của doanh nghiệp và quy định pháp luật để đánh giá, đề xuất, kiến nghị với ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét giải quyết hoặc tổ chức đối thoại kịp thời theo quy định của pháp luật; kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước để giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát được phản ánh trực tiếp đến người đứng đầu ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp nhà nước, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền hoặc thông qua Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp. Kết quả kiểm tra, giám sát, xác minh của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước được lập thành văn bản và gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có phản ánh, kiến nghị; trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm định kỳ báo cáo Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp hàng quý, 06 tháng và năm hoặc khi có yêu cầu; báo cáo hằng năm tại hội nghị người lao động.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang