An toàn thực phẩm dịp Tết: Bao giờ cho hết nỗi lo?
(kiemsat.vn) Gần Tết nguyên đán, khi nhu cầu về thực phẩm của người dân tăng mạnh, thực phẩm bẩn càng thừa dịp trà trộn, len lỏi trên thị trường. Câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm mùa Tết dường như là vấn đề cũ nhưng nỗi lo của người tiêu dùng lại chưa bao giờ cũ.
Pháo “len lỏi” vào trường học
Báo động đỏ: “Con nghiện” ôm vô lăng
100 ngàn đồng và cái chết oan nghiệt của người anh trai
Những ngả đường hàng bẩn
Vừa qua, tại nhiều địa phương, hàng loạt vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng bị phanh phui. Cơ quan chức năng liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, hàng hết hạn, hàng giả, sử dụng các hoá chất, phụ gia độc hại... bất chấp sự an toàn của người tiêu dùng.
Theo thông tin của VTC, ngày 20/12/18, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn một vụ vận chuyển heo bệnh vào thành phố tiêu thụ. Theo đó, qua công tác kiểm tra và giám sát, Đội Quản lý ATTP số 9 thuộc Ban Quản lý ATTP phát hiện chiếc xe tải mang biển kiểm soát 51D-24858 vận chuyển thịt heo đã được giết mổ, phân mảnh (khoảng 40 con heo) có những dấu hiệu bất thường. Tất cả viền móng chân của heo đều có mụn nước đã vỡ gây viêm loét. Ngoài ra, trên thịt heo xuất hiện các hạch sưng to, sung huyết, xuất huyết... Ban Quản lý ATTP đã lập biên bản toàn bộ lô thịt heo nói trên, tiến hành tiêu hủy theo quy định.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh thu giữ thịt lợn tiêm hóa chất tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Xuân ở xã Quảng Nghĩa, Móng Cái, Quảng Ninh (Ảnh: CAQN) |
Thực tế, những vụ vi phạm như thế vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, tại nhiều địa phương. Thông tin của CAND cho biết, vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội đã mật phục, bắt quả tang một chiếc ô tô chở thực phẩm bẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ. Trên xe có 50 thùng xốp, bao gói ghi chữ Trung Quốc, chứa 2,5 tấn nầm động vật. Số nầm động vật này đã bốc mùi hôi thối; một số tảng nầm đã xuất hiện đốm mốc màu xanh.
Mới đây, VTV cũng ghi nhận việc hô biến thịt lợn chết, lợn bệnh thành "thịt trâu gác bếp", "thịt khô sấy" và gắn mác "Đặc sản Sơn La" ở một cơ sở tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tất cả những sản phẩm ôi thiu, phế bỏ được tẩm ướp, làm giả thành thịt trâu với hình thức rất hấp dẫn.
Thực phẩm bẩn bị lực lượng chức năng thu giữ (Ảnh: CAND) |
Theo một nhân viên Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, điều đáng lo ngại là các vụ kinh doanh thực phẩm bẩn chủ yếu bị phát hiện khi đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi. Nếu được tiêu thụ trót lọt, những sản phẩm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có nguyên nhân lớn từ việc sử dụng thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ðây là con số khủng khiếp cảnh báo hệ lụy khôn lường do thực phẩm bẩn gây ra.
Không chỉ dừng lại ở thực phẩm, các mặt hàng bánh kẹo không đảm bảo vệ sinh cũng đang “nóng” lên dịp cận Tết này. Tại các con phố chuyên bán bánh kẹo của Hà Nội như chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm, Hàng Giầy… hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.
Cần “bàn tay sắt” chống thực phẩm bẩn
Được biết, để ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn, nhất là trong dịp Tết nguyên đán 2019, hiện đã có 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm được thành lập, sẽ tăng cường kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019 (từ 01/01/2019 đến hết 25/3/2019).
Tại các địa phương, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đề nghị thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tỉnh/thành phố đến cấp xã phường; tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội , các làng nghề chế biến thực phẩm.
Các loại bánh, mứt kẹo, hoa quả sấy khô không rõ nguồn gốc bày bán lộ thiên trong chậu, rổ nhựa tại chợ Đồng Xuân (Ảnh: Giáo dục thời đại) |
Có thể coi hành vi chế biến thực phẩm là tội ác, đầu độc con người. Trong “cuộc chiến” chống lại tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, rất cần một “bàn tay sắt” tuyên chiến với thực phẩm bẩn và giải pháp căn cơ là chung tay hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn cung cấp đến bàn ăn của người dân.
Khi nói đến bảo đảm ATTP, lâu nay, chúng ta mới quan tâm nhiều tới khâu tiền kiểm. Vì vậy, vấn đề bảo đảm ATTP chưa thật sự đi vào chiều sâu. Ðể khắc phục tình trạng này, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NÐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. Ðiểm đáng lưu ý của Nghị định mới là quy định chuyển mạnh mẽ theo hướng kiểm soát chất lượng ATTP từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ðây là một bước chuyển rất lớn về tư duy và phương pháp tiếp cận đối với ATTP, kể cả với người sản xuất, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước.
Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước phải nêu cao trách nhiệm, bởi hậu kiểm thể hiện tính tự giác của người sản xuất. Vì vậy, vai trò quản lý nhà nước trong hậu kiểm rất quan trọng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm quy định về hậu kiểm sẽ giúp người tiêu dùng kiểm soát chặt chất lượng thực phẩm trên thị trường.
Ngoài ra, hiện nay đang tồn tại một bất cập là việc kiểm nghiệm và kết quả mẫu kiểm nghiệm thực phẩm phải chờ quá lâu, đến khi có kết quả thì chủ vi phạm đã tẩu tán hết số hàng. Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hiện không cho phép xử lý vi phạm ATTP dựa trên kết quả test nhanh mẫu thực phẩm. Vì thế, cơ chế giám sát để “định tội” sản xuất thực phẩm mất an toàn còn phải chạy theo diễn biến thực tế, kém hiệu quả.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hàng tuần đơn vị này sẽ công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
Hàng tuần, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai tên các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm (Ảnh: Báo Thanh tra) |
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng, thái độ của người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn mua hàng ở những nơi uy tín. Kiên quyết nói không với những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không dễ dãi với những thực phẩm kém chất lượng, nhất là những thực phẩm "khoái khẩu" như nội tạng động vật được bảo quản đông lạnh...
Nghị định mới quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không có hình thức cảnh cáo. Tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm (trước chỉ 3,5 lần); quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Đối với một trong các hành vi sau của cá nhân, Nghị định quy định phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng:
- Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;
- Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa hoặc nhiễm một trong các kim loại nặng, chất độc hại vượt giới hạn cho phép;
- Sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự...
Vụ tai nạn thảm khốc ở Hải Dương: Phê chuẩn tạm giam tài xế
VKSND Tp. Vĩnh Yên phê chuẩn khởi tố đối tượng uy hiếp người tình cưỡng đoạt tài sản
-
1VKSND quận Liên Chiểu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án ma túy
-
2VKSND TP. Hải Dương kiểm sát việc tiêu hủy pháo nổ trong vụ án hình sự
-
3VKSND huyện Vân Canh ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn
-
4VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
5VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
6Những trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
-
7VKSND TP. Quy Nhơn phối hợp với TAND cùng cấp xét xử lưu động vụ án mua bán trái phép chất ma túy
Bài viết chưa có bình luận nào.