Ai là người bị kiện và Tòa án nào giải quyết vụ án hành chính?

24/04/2017 09:40

(kiemsat.vn)
– Thực tiễn giải quyết vụ án hành chính nảy sinh những vướng mắc trong việc xác định người bị kiện và thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Mời bạn đọc cùng trao đổi, bày tỏ quan điểm về vụ việc sau đây.

Ai là người bị kiện và Tòa án nào giải quyết vụ án hành chính?
Ai là người bị kiện và Tòa án nào giải quyết vụ án hành chính?

Nội dung vụ việc:

Tháng 01/2016, ông Nguyễn Văn A gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh huyện B đề nghị được tách thửa đất trong đó có 50 m2 đất ở và 50 m2 đất vườn. Nhưng do ông A đề nghị tách thửa vào phần đất vườn nên Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh huyện B đã hướng dẫn ông A làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở trước khi đề nghị tách thửa. Không đồng ý với hướng dẫn của Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh huyện B nên  ngày 5/7/2016 ông A đã khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh V yêu cầu Tòa án tuyên bố hành vi không tách thửa của Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh huyện B là trái pháp luật. Sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án huyện B đã thụ lý vụ án, xác định người bị kiện là Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh huyện B, người đại diện theo pháp luật là ông Giám đốc Chi nhánh. Vụ án được giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A, nhưng qua nghiên cứu thấy còn có quan điểm khác nhau về việc xác định người bị kiện và thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Yêu cầu khởi kiện của ông A thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án huyện B, Tòa án xác định Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh huyện B là người bị kiện là đúng, vì: Yêu cầu khởi kiện của ông A là hành vi hành chính của Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh huyện B, không phải quyết định hành chính nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh huyện  B không có tư cách pháp nhân, là đơn vị trực thuộc, thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh V. Do đó, khi nhận đơn khởi kiện của ông A, Tòa án cần hướng dẫn ông A khởi kiện đối với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh V, xác định giám đốc Văn phòng đăng ký đất tỉnh V là người đại diện theo pháp luật. Căn cứ khoản 3 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 xác định việc giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh V.

Sau khi nghiên cứu hai quan điểm nêu trên, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Vì tại khoản 9 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định “Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân… bị khởi kiện”. Việc xác định người bị kiện và thẩm quyền quyền giải quyết vụ án không phụ thuộc vào đối tượng khởi kiện trong vụ án đó là hành vi hành chính hay quyết định hành chính mà phải căn cứ vào thẩm quyền thực hiện hành vi hành chính hoặc thẩm quyền ban hành quyết định hành chính.

Theo quy định tại Điều 84 Bộ luật Dân sự, Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân, chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân…

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật đất đai: Văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường … có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật. Tại điểm b Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: “Văn phòng đăng ký đất đai có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng đăng ký đất đai theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.

Tại Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 04/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường – Bộ Nội vụ – Bộ Tài chính, Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quy định: Các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là đơn vị hạch toán phụ thuộc, nằm trong cơ cấu tổ chức của Văn phòng đăng ký đất đai.

Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên xác định, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh huyện B không có tư cách pháp nhân mà là đơn vị trực thuộc của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh V. Việc giải quyết hồ sơ đề nghị tách thửa của ông A thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh V, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh huyện B chỉ là người thực hiện. Do vậy, người bị kiện phải là Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh V nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh V theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật tố tụng hành chính năm 2015. Ông A khởi kiện đối với Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh huyện B là không đúng, Tòa án cần căn cứ Điều 122 Luật Tố tụng hành chính để yêu cầu ông A sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện và hướng dẫn ông A gửi đơn đến Tòa án cấp tỉnh để thụ lý, giải quyết theo đúng quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trên đây là quan điểm cá nhân của người viết. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các quý độc giả.

                          Nguyễn Thị Đào Hoa

VKSND tỉnh Vĩnh Phúc

Quy định về người đại diện trong tố tụng hành chính có “thiệt thòi” cho đương sự?

(Kiemsat.vn) - Quy định về người đại diện trong tố tụng hành chính theo khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 là rất tích cực, tuy nhiên, trong thực tiễn quy định này đã gây khó khăn cho việc giải quyết của Tòa án. Tác giả đã phân tích rõ vướng mắc này trong bài viết sau đây.

Tòa án áp dụng thời hạn thông báo nào trong tố tụng hành chính?

(Kiemsat.vn) – Việc quy định thời hạn Tòa án có trách nhiệm thông báo cho các đương sự kể từ ngày thu thập tài liệu chứng cứ được quy định tại Điều 84 và Điều 98 Luật Tố tụng hành chính là không mâu thuẫn để họ thực hiện quyền nghĩa vụ của mình.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang