Xâm phạm bí mật đời tư, chuyện không thể đùa

25/07/2018 10:33

(kiemsat.vn)
Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đề cập nhiều về quyền bí mật đời tư. Sở dĩ vấn đề này được bàn luận sôi nổi bởi xuất hiện một loạt tình huống trên thực tế dẫn tới tranh chấp, kiện tụng... và nhiều vụ việc đã được đưa ra Toà án để giải quyết.

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (gọi chung là bí mật đời tư) là một trong những quyền cơ bản quan trọng nhất của con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.

Việc bảo vệ nó tưởng chừng như đơn giản, nhưng trên thực tế, sự vi phạm trong thời gian qua có thể nói là đang tràn lan, trở thành mối lo cho xã hội. Việc ngăn chặn sự xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân thực sự khó khăn trong kỷ nguyên kỹ thuật số, khi mà thông tin trên các trang mạng như facebook, zalo, viber... được lan truyền rất nhanh chỉ sau một cái “nhấp” chuột máy tính.

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Thực trạng trên mạng xã hội ở Việt Nam trong những năm trở lại đây đã tồn tại nhiều thông tin làm lộ bí mật đời tư của một cá nhân, làm lộ bí mật của một gia đình… ngoài ý muốn của cá nhân và gia đình. Nhiều người đã không hiểu, hiểu sai hoặc cố tình không hiểu quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện quan điểm cá nhân… vì vậy đã vô tình hay hữu ý làm lộ quyền riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác, đã gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Dư luận xã hội lan truyền nhanh chóng; gây nhiễu và lệch hướng cho một số bộ phận người thiếu thận trọng hoặc không trải nghiệm cuộc sống và hạn chế về nhận thức đã bị các luồng dư luận lôi kéo và nhấn chìm, mất phương hướng điều khiển hành vi trong các quan hệ xã hội.

Những người có thông tin cá nhân hoặc người thân của họ bị tiết lộ đôi khi gặp quá nhiều rắc rối, phiền phức trong cuộc sống... dẫn tới nhiều hệ lụy không thể lường trước được.

Đắng lòng những vụ tự tử vì bị đăng clip lên mạng xã hội

Như báo Đời sống và pháp luật đưa tin, ngày 11/3/2018, nữ sinh H.T.L (học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) được cho là tự tử dưới ao trong nhà, để lại bức thư với nội dung “con xin lỗi bố mẹ” khiến dư luận xôn xao.

Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của H.T.L được cho là vì clip ghi lại cảnh L. và một bạn trai trong lớp hôn nhau bị lan truyền trên mạng xã hội. Đặc biệt, trong số đó có những fanpage, trang thông tin có hơn 1 triệu lượt người theo dõi như songlamplus.vn… đăng tải clip của L. không che mặt. Đến chiều tối ngày 11/3, các trang mạng này đã gỡ bỏ clip này. Theo giáo viên chủ nhiệm của L., nữ sinh này là một học sinh ngoan ngoãn, học tốt nhất lớp. Cái chết của L. khiến gia đình và bạn bè hết sức bất ngờ, đau đớn.

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Nhiều báo điện tử đã đưa tin, bà L.T.T.S (61 tuổi) và chồng là ông TH.C (26 tuổi) ngụ tại Cao Bằng vừa làm đơn tố cáo cán bộ tư pháp phường S, TP Cao Bằng vì đã để lộ thông tin cá nhân về đời tư khiến vợ chồng bà phải hứng chịu những lời lẽ không hay từ dư luận. Bà cho rằng cán bộ tư pháp đã tự ý cung cấp thông tin bảo mật của cá nhân trong khi chưa được sự đồng ý của mình nên mỗi ngày có hàng trăm người vào Facebook cá nhân bình luận khiến bà không dám mở ra đọc.

Nhiều người thân trong gia đình bà cũng bị ảnh hưởng bởi sự "tấn công" từ cộng đồng mạng xã hội.

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

Điều 21 Hiến pháp năm 2013, quy định:

"1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.  

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luậtthư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Điều 38 BLDS năm 2015, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, được quy định như sau:

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định...

Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015:

"1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Xem thêm >>>

Phải bảo vệ bí mật cá nhân của người được giám sát, giáo dục

Bị cáo được yêu cầu giữ bí mật một số thông tin trong bản án điện tử

(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang