Tự tử vì bị tung clip nhạy cảm: Báo động hệ lụy từ mặt trái của mạng xã hội

16/03/2018 14:25

(kiemsat.vn)
Vụ việc nữ sinh ở Nghệ An nhảy ao tự tử vì bị phát tán clip nhạy cảm tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về hiểm hoạ của mạng xã hội. Những nút like, share, bình luận ác ý có thể khiến người ta tìm đến cái chết.

Những cái chết đau lòng

Không thể phủ nhận internet và mạng xã hội mang lại nhiều giá trị tích cực cho xã hội. Tuy nhiên, nó cũng là con dao hai lưỡi. Nhiều người lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống phá nhà nước, để xúc phạm, hạ nhục cá nhân, thậm chí chỉ để “câu view”, gây sự chú ý. Thiếu trách nhiệm với những thông tin chia sẻ, những lời bình luận, nhiều người vô tình đang tiếp tay cho kẻ xấu và để lại những hậu quả khôn lường…

Dư luận vẫn còn bàng hoàng trước cái chết của em H.T.L lớp 11 ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào hôm 11.3 sau khi một trang mạng đăng clip nữ sinh này cùng một nam sinh khác “hôn nhau”. Clip này “làm mồi” cho “các anh hùng bàn phím” chém gió cười cợt, hàng nghìn  lượt like, share, bình luận ác ý… Trong phút chốc, nữ sinh trở thành tội đồ và nghĩ quẩn tìm đến cái chết. Sự việc là hồi chuông báo động về tình trạng lạm dụng thông tin đời tư của một cá nhân để đăng tải trên các trang mạng xã hội, với mục đích giật gân, “câu views”, tăng lợi nhuận. 

Mấy năm trở lại đây xảy ra ngày càng nhiều vụ tự tử vì áp lực từ mạng xã hội.

Hồi tháng 10/2017, dư luận xôn xao vì thông tin 2 nữ sinh ở Đồng Nai cưỡng hiếp một thanh niên đến tử vong. Thực chất, họ bị ghép ảnh và vu khống. Khi hình ảnh bị lan truyền và ném đá trên mạng xã hội, các nạn nhân cảm thấy sốc, không muốn gặp ai, không muốn ra khỏi nhà. Thậm chí một trong hai người còn có ý định tử tự.

Cuối tháng 9/2016, một nam sinh lớp 8 Trường THCS Âu Lâu (Yên Bái) đã thắt cổ tự tử ngay tại nhà. Nguyên nhân được xác định do em hoảng sợ và xấu hổ khi clip mình bị một nhóm thanh niên bắt quỳ gối, hành hung bằng tuýp sắt lan truyền trên mạng xã hội.

Vào tháng 6/2015, một nữ sinh 15 tuổi (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử khi bị bạn trai tung clip sex lên facebook.

Năm 2013, là câu chuyện thương tâm của nữ sinh lớp 12 (huyện Thạch Thất, Hà Nội), nạn nhân của một trò đùa trên mạng xã hội. Em bị các bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên Facebook. Không chịu được sự giễu cợt, miệt thị, nữ sinh này đã uất ức tìm đến cái chết…

Clip nữ sinh hôn bạn trai được đăng tải trên 1 trang fanpage có hơn 1 triệu like  (Ảnh: Đời sống pháp luật)

Những vụ việc như trên đa số nạn nhân ở trong độ tuổi từ 15 đến 17, độ tuổi rất nhạy cảm, chưa đủ bản lĩnh, kỹ năng sống. Những thông tin mang tính “hạ nhục” lan truyền rộng rãi sẽ tạo thành cú sốc tâm lý ghê gớm cho các em.

Mặt trái của mạng xã hội - với tính lan tỏa mạnh mẽ của mình đã dồn không ít người vào bước đường cùng khi phải “chống đỡ” với cơn bão dư luận... Mạng xã hội là ảo nhưng những tổn thương và những cái chết là thật. Với tất cả những nạn nhân phải gánh chịu hệ lụy từ mạng xã hội, ai sẽ đền bù thiệt hại cho họ?

Ai phải chịu trách nhiệm?

Mọi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội để bình luận, tương tác đều phải tuân thủ quy định pháp luật. Hành vi vi phạm, tùy mức độ đều bị xử lý.

Về vụ việc em H.T.L ở Nghệ An tự tử vừa qua, Sở TT&TT Nghệ An đã có văn bản đề nghị kiểm tra việc trang thông tin điện tử Songlamplus.vn đăng clip hai học sinh hôn nhau.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra, xác minh, xử lý sai phạm, yêu cầu bồi thường tổn thất cho gia đình. Bởi, việc thể hiện tình cảm (dù ở nơi công cộng) là quyền riêng tư cần được tôn trọng của mỗi người. Việc thu thập, lưu trữ sử dụng hình ảnh riêng tư không được sự đồng ý là vi phạm pháp luật. Người có hành vi cung cấp, trao đổi, phát tán, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, nếu chưa đến mức xử lý hình sự, sẽ bị phạt hành chính. Điều này được quy định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013, cụ thể hóa ở Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì cho rằng: “Vụ việc có thể có dấu hiệu hình sự với tội danh xúi giục người khác tự sát theo điều 131 hoặc Điều 155 Tội làm nhục người khác Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”, theo thông tin từ Dân trí.

Muốn phân tích rõ vụ việc, cơ quan chức năng cần xác định những lời lẽ của người đăng hình ảnh, clip, người bình luận tác động như thế nào đến ý chí của nạn nhân, nó có mối quan hệ nhân quả thúc đẩy nạn nhân thực hiện hành động tự tử hay không? Nhóm người này có lỗi cố ý, thực hiện hành vi với mục đích làm nhục, xúi giục tự sát, mong muốn hậu quả xảy ra hoặc có ý thức chấp nhận để mặc hậu quả có thể xảy ra hay không?

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Hiện tượng sỉ nhục, bắt nạt người khác trên mạng xã hội đã trở thành một vấn nạn. Hiện chế tài xử phạt đã có nhưng việc xử lý chưa quyết liệt dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nâng cao tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sử dụng thông tin trên mạng. Xử lý nghiêm những trường hợp đăng tải trái phép, loan truyền các thông tin không đúng sự thật, thông tin đời tư, nhạy cảm làm ảnh hưởng đến cá nhân và xã hội; tăng cường quản lý và có những quy định chặt chẽ trong việc đăng ký, sử dụng tài khoản mạng xã hội…

Do vậy, hãy dùng mạng xã hội một cách văn minh. Hành xử chuẩn mực, đúng đắn, phát huy đúng sức mạnh, tính lan tỏa của công nghệ thông tin. Đừng bao giờ “ném đá”, khiến người khác bị tổn thương. Nếu không, những câu chuyện đau lòng trên sẽ còn tái diễn.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang