Ở chung cư, làm gì để trộm không "ghé thăm"

10/05/2018 08:50

(kiemsat.vn)
Tình trạng trộm cắp tại các chung cư đã bắt đầu xuất hiện, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Nhiều chung cư thường xuyên xảy ra hàng loạt vụ trộm cắp khiến cư dân lo lắng. Đặc biệt, tại những chung cư cũ, không có bảo vệ, không được trang bị các thiết bị camera, chống trộm khiến việc đột nhập của kẻ gian càng dễ dàng hơn.

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Thợ lắp rèm cửa "kiêm nghề" trộm cắp tại khu chung cư

Báo anninh.thudo đưa tin, ngày 08/5/2018, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Mai Xuân Hải (sinh năm 1989, trú ở xã Hà Lai, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) 12 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Bị hại trong vụ án là hàng chục hộ gia đình sống tại Khu chung cư SUDICO Mỹ Đình – Sông Đà, Hà Nội.

Theo cáo trạng của VKS truy tố cùng diễn biến phiên tòa cho thấy, Mai Xuân Hải vốn làm nghề lắp đặt rèm cửa và giàn phơi thông minh. Tháng 7/2016, đối tượng được thuê đến lắp đặt rèm cửa cho các căn hộ chung cư, tại Khu đô thị SUDICO Mỹ Đình – Sông Đà, thuộc phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Nhiều lần lắp đặt rèm cửa ở khu chung cư này, Hải nhận thấy hệ thống cửa sổ rất sơ sài và lợi dụng khoảng thời gian các hộ gia đình tại đây vắng nhà để ra tay trộm cắp tài sản.

Ngày 17/7/2016, đối tượng đến đây và dùng tuốc nơ vít tháo rỡ cửa sổ chui vào bên trong và lấy cắp được 1 chiếc máy tính xách tay, trị giá 5 triệu đồng. Đúng 3 ngày sau, đối tượng quay lại căn hộ này lần nữa và trộm cắp được thêm 20 triệu đồng cùng chiếc máy ảnh đắt tiền. Vẫn “chiêu thức” quen thuộc, ngày 3/10/2016, Hải tiếp tục đến khu chung cư SUDICO Mỹ Đình – Sông Đà và tháo cửa sổ chui vào phòng 1006-CT6. Đối tượng này nhanh chóng lấy được chiếc điện thoại Iphone 6, chiếc đồng hồ đeo tay cùng nhiều giấy tờ cá nhân của gia chủ. Khoảng 5 ngày sau, gã thợ chuyên lắp rèm cửa “quen mui” tiếp tục đột nhập căn hộ 704-CT1 của gia đình Nguyễn Thanh Sơn. Chui vào bên trong, đối tượng lục lọi tài sản và lấy cắp được 3 chỉ vàng; 49,5 triệu đồng trong lợn đất và 15.000 đồng tiền Đài Loan (Trung Quốc).

Theo kết quả điều tra, chỉ với thủ đoạn tháo các ốc vít cửa sổ của các căn hộ tại khu chung cư SUDICO Mỹ Đình – Sông Đà, từ tháng 7 đến cuối tháng 11/2016, Hải đã 13 đột nhập trộm cắp tài sản của 12 hộ gia đình với tổng giá trị tài sản hơn 660 triệu đồng.

Bảo vệ chung cư "trộm" nhẫn kim cương, đồng hồ xịn

Báo vietnam.net đưa tin, ngày 24/4/2018, Công an quận 2 (TP.HCM) đang tạm giữ hình sự Lê Tấn Phát (SN 1992, ngụ tại quận 9, là bảo vệ của Công ty bảo vệ VNTL được phân công bảo vệ tầng trệt chung cư Estella) để điều tra về hành vi “Trộm cắp tài sản”. Tại cơ quan Công an, Phát khai khoảng 1 tháng trước, chủ căn hộ dọn về căn hộ chung cư Estella sống, Phát có phụ giúp khiêng đồ lên. Trong lúc người giúp việc bấm mã số vào căn hộ, Phát nhìn thấy và ghi nhớ mã số.

Tang vật vụ trộm (ảnh: nguồn internet)

Chiều ngày 23/4, phát hiện chủ căn hộ đi vắng, Phát đã lên căn hộ vờ bấm chuông. Sau đó, bấm mã số căn hộ vào bên trong lục lọi trộm tài sản rồi xuống dưới làm việc bình thường. Phát đem bán chiếc đồng hồ đeo tay trộm được 179 triệu đồng; đem 200 đô Singapore đổi được 3,4 triệu đồng. Khi biết công an đang trích xuất camera truy xét, Phát đã đến công an đầu thú.

Có nên “ra tay” với kẻ trộm

Một số cư dân cho rằng, trong trường hợp đó thì mình nên chủ động tấn công lại kẻ trộm vì chúng là “khách không mời” trong căn nhà. Một số khác lại chọn cách thỏa hiệp, để trộm lấy đồ miễn sao an toàn bản thân. 

Trong trường hợp phát hiện trộm đã vào nhà thì cần phải bình tĩnh xử lý. Trước hết, cần quan sát xem trộm đi mấy người, có cầm vũ khí hay không. Để đảm bảo an toàn thì nên đưa mọi người trong gia đình vào một phòng đóng kín cửa sau đó điện thoại báo bảo vệ, công an. 

Trường hợp yếu thế hơn kẻ trộm, đừng la lối hoặc kháng cự. Đa số trộm khi bị bắt thường khai rằng chúng chỉ muốn tài sản chứ không phải mạng người, nhưng khi thấy sự an toàn của mình bị đe doạ, chúng sẽ rút dao... 

Việc trộm đột nhập vào nhà, trong trường hợp nhà có nhiều người khoẻ mạnh, có gậy gộc... thì dễ rồi. Nhưng không có nghĩa chủ nhà được quyền tấn công đánh đập. Dù có là kẻ trộm (có hành vi vi phạm pháp luật) thì vẫn được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ. 

Pháp luật cho phép sử dụng biện pháp phòng vệ để ngăn chặn hành vi nguy hiểm. Tuy nhiên, những biện pháp phòng vệ phải là cần thiết và tương ứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vì, ranh giới giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng rất mong manh.

Nếu hành vi phòng vệ bị xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật… Vì vậy, phải cẩn trọng, nên kiềm chế cảm xúc của mình đừng để qua cơn nóng giận lại vô tình vi phạm pháp luật, dẫn đến hậu quả đau lòng.

Làm gì để kẻ trộm ‘hết cách sinh nhai’

Sỡ dĩ trộm vào chung cư một cách dễ dàng có phần nguyên nhân từ phía chủ nhà. Do tâm lý nghĩ rằng ở chung cư có bảo vệ, camera nên đã an toàn mà không để ý đến cửa ngỏ, đôi khi lơ là cảnh giác. 

“Phòng hơn chống”, cư dân phải thường xuyên đóng cửa ra vào cẩn thận, nên trang bị các thiết bị chống trộm như camera, chuông báo động, đặc biệt trong điện thoại phải có sẵn số liên hệ của bảo vệ chung cư, công an khu vực để gọi khi có sự cố. 

Nếu chỉ có người già và trẻ em ở nhà, khi có người lạ đến gõ cửa thì không nên mở. Trước lúc đi ngủ, nên xem lại khóa cửa, kiểm tra cẩn thận các ngóc ngách trong nhà đề phòng trộm vào lúc nào mình không biết. 

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Kết giao với hàng xóm: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, câu tục ngữ này cũng rất đúng trong câu chuyện phòng chống trộm. Khi mới dọn về chung cư, ai cũng là người xa lạ nhưng hãy kết bạn với những gia đình xung quanh để họ biết ai là chủ của căn hộ, có bao nhiêu người ở trong nhà để hàng xóm nhớ được hết mặt mọi người càng tốt. Hàng xóm cũng nên biết bạn có những người khách thế nào và họ có thể giúp đỡ trông hộ nhà mỗi khi gia đình bạn đi về quê, đi du lịch.

Thay ổ khóa cũ: Nếu căn hộ bạn vừa chuyển tới là của một người đã ở trước đó thì sau khi nhận căn hộ bạn nên vứt bỏ những ổ khóa cũ, thay bằng những ổ khóa mới vì có thể chủ nhà trước đó đang giữ chìa khóa và chỉ đợi gia đình bạn vắng nhà rồi... hành động.

Lắp lưới an toàn ở cửa sổ và ban công: Tại nhiều chung cư hiện nay, ban công và cửa sổ thường để thoáng, không có thanh chắn hoặc lắp kính. Ngoài ra, thói quen của nhiều gia đình khi ngủ là mở cửa sổ đón gió tự nhiên. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi để trộm đột nhập. Bởi vậy, việc lắp lưới an toàn là một trong những biện pháp giúp chống trộm, bảo đảm an toàn cho căn hộ.

, hạn chế việc lên facebook, zalo chia sẻ những chuyến du lịch dài ngày của cả gia đình. Trộm bây giờ... cũng có thể là người quen biết, là người dùng mạng xã hội.

Xem thêm >>>

Khi trộm đột nhập có được chống trả?

Chiếc áo quên tại hiện trường “tố” kẻ nhiều lần trộm cắp

Tháng “củ mật” cảnh giác nạn trộm cắp, cướp giật

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang