Kiểm sát việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc – những vấn đề cần lưu ý

12/06/2017 05:23

(kiemsat.vn)
– Bài viết là những vấn đề rút ra từ thực tiễn công tác kiểm sát việc áp dụng biện pháp đưa người đi cai nghiện bắt buộc tại quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng.

Hải Châu là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của thành phố Đà Nẵng. Chính vì vậy, tình hình an ninh chính trị của quận cũng có những diễn biến phức tạp. Trong thời gian qua, người nghiện ma túy ở địa bàn quận Hải Châu tuy nhiều nhưng do tinh thần phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan chức năng nên công tác đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của thành phố Đà Nẵng là Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06 đã đạt được những kết quả nhất định.

Ảnh có tính minh họa (nguồn internet)

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, các cơ quan chức năng trên địa bàn quận Hải Châu đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, đồng thời Chính phủ ban hành Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Nghị định số 221); Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân ra đời đã quy định rõ trách nhiệm, vai trò cụ thể của từng cơ quan. Trong đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện; Tòa án là cơ quan ra quyết định đưa đối tượng cai nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc lập hồ sơ cũng như việc ra quyết định của Tòa án.

Thành phố Đà Nẵng bắt đầu áp dụng và triển khai thực hiện lập hồ sơ đề nghị áp dụng đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ tháng 9/2014. Để công tác này đạt hiệu quả cao, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 06/09/2014 về quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn Đà Nẵng.

Từ tháng 9/2014 đến nay, địa bàn quận Hải Châu đã xem xét và ra quyết định đưa 191 người nghiện vào trung tâm giáo dục dạy nghề 05-06 thành phố Đà Nẵng để cai nghiện ma túy. Để đạt được kết quả đó ngoài sự nỗ lực của các đơn vị: Công an, UBND các phường, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Tòa án, Viện kiểm sát… thì còn có sự đồng thuận, ủng hộ cao của quần chúng nhân dân, đặc biệt là gia đình của những người nghiện ma túy.

Tuy nhiên, do khâu công tác này còn mới nên trong quá trình thực hiện, nhiều đơn vị còn để xảy ra những thiếu sót trong khâu lập hồ sơ cũng như thẩm định hồ sơ sau:

– Đề nghị đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi đối tượng chưa đủ tuổi. Theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “1. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định…”.

– Đề nghị đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện khi đối tượng đang điều trị bệnh tâm thần. Theo quy định tại khoản 15 Điều 2 của Luật Xử lý vi phạm hành chính “Người không có năng lực trách nhiệm hành chính” là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.

– Thiếu sót trong việc xác định thẩm quyền lập hồ sơ cai nghiện. Theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Trường hợp người nghiện ma túy vi phạm do cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 96 của Luật này thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đó…”.

Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:

– Quá trình lập hồ sơ đưa người bị đề nghị vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc phải qua nhiều thủ tục, nhiều cơ quan như: Công an, Trạm y tế, UBND phường, UBND quận (Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, Phòng Tư pháp quận) mà thời gian lập hồ sơ cũng như giải quyết việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo Quy chế số 28 của UBND thành phố Đà Nẵng lại ngắn.

– Khái niệm người nghiện ma túy: Theo quy định tại khoản 17 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này”. Nhiều trường hợp họ được đưa vào trung tâm để cắt cơn giải độc nhưng bản thân họ lại không bị lệ thuộc vào thuốc. Do đó, chúng ta cần phải xác định rõ đối tượng có thật sự nghiện ma túy, có phụ thuộc vào ma túy để cai nghiện tại Trung tâm điều trị cắt cơn hay không. Vấn đề này cần phải quan tâm vì nếu đối tượng sử dụng lần đầu do không có nơi cư trú ổn định, chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bị đưa đi kiểm tra thì dương tính với ma túy vẫn thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 221 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

– Về trường hợp đối tượng nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định: Theo quy định khoản 1 Điều 2 Nghị định số 221 ngày 30/12/2013 của Chính phủ thì “Nơi cư trú ổn định là nơi người vi phạm thường trú hoặc tạm trú, nhưng phải là nơi người hiện đang thường xuyên sinh sống”. Mặt khác, Điều 15 Nghị định số 221 quy định cụ thể việc tổ chức đưa người đi cai nghiện ma túy vào cơ sở bắt buộc phải đáp ứng đủ 2 điều kiện: Thứ nhất, lập thành biên bản; thứ hai, thực hiện trước sự chứng kiến của đại diện UBND cấp xã và tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, bản hoặc tương đương nơi người phải chấp nhận quyết định cư trú. Quy định này đã bỏ quên trường hợp người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Theo quy định thì khi đối tượng thường xuyên không sinh sống tại nơi đối tượng thường trú hoặc tạm trú mới xem là không có nơi cư trú ổn định. Trường hợp đối tượng thường xuyên sinh sống tại nơi thường trú (hoặc tạm trú) nhưng do đối tượng đi chơi, đi du lịch đến tỉnh khác với thời gian ngắn. Đối tượng bị kẻ xấu lợi dụng cho sử dụng ma túy nên dương tính với ma túy thì có được xem là không có nơi cư trú ổn định để đưa đối tượng lên Trung tâm quản lý trước khi xét họp hay không?

– Trường hợp đối tượng nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định: Sau khi Thẩm phán công bố quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì theo quy định của Pháp lệnh: Quyết định áp dụng có hiệu lực sau 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án công bố quyết định (đối với người bị đề nghị vắng mặt thì kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án) nếu trong thời hạn 03 ngày đó không có khiếu nại của người bị đề nghị hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát. Vấn đề đặt ra là trong thời gian 03 ngày làm việc đó, người bị đề nghị sẽ do ai quản lý và nếu họ bỏ trốn thì giải quyết như thế nào? Có cần phối hợp với lực lượng Công an hay không?

Từ thực tiễn đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng biện pháp đưa người đi cai nghiện bắt buộc như sau:

Một là, đề nghị tất cả các hồ sơ đều phải có chứng minh nhân dân, giấy khai sinh để tránh trường hợp đối tượng chưa đủ tuổi bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Hai là, cần bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ xét nghiệm ma túy ở địa phương về điều trị cắt cơn nghiện ma túy cho các đối tượng.

Ba là, cần phải quy định rõ đối với trường hợp người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì trong thời gian chờ lập hồ sơ, xem xét và quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người nghiện ma túy sẽ được quản lý ở đâu? Xác minh làm rõ các trường hợp đối tượng không có nơi cư trú.

Bốn là, định kỳ tổ chức họp liên ngành giữa các đơn vị: Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội, Viện kiểm sát, Tòa án để cùng bàn bạc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

(Trích bài “Những vấn đề rút ra qua công tác kiểm sát việc áp dụng biện pháp đưa người đi cai nghiện bắt buộc trên địa bàn quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng” của tác giả  Nguyễn Thị Tuyết Hồng – Viện trưởng VKSND quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, TCKS số: 21/2016)

Rườm rà thủ tục đưa người nghiện đi cai

(Kiemsat.vn) - Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, ngày 24/6/2016, VKSND huyện Thủy Nguyên phối hợp với Trung tâm giáo dục lao động - xã hội Hải Phòng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang