Hà Nội: Nhức mắt xe dù, bến cóc

18/04/2018 08:06

(kiemsat.vn)
Mặc dù “xe dù, bến cóc” nội đô gây bức xúc trong suốt nhiều năm qua, thế nhưng việc khắc phục vấn nạn này vẫn chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Nghênh ngang đón, trả khách

Thời gian qua lại nóng lên tình trạng xe dù, bến cóc công khai tại Hà Nội. Trên các tuyến phố gần các khu vực bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm... nơi có mật độ phương tiện dày đặc, dễ dàng bắt gặp cảnh tượng hàng loạt xe vô tư đón trả khách, hàng hóa cả vào giờ cao điểm. Không ít nhà xe cứ ra khỏi bến là thành… xe dù.

Xe khách ngang nhiên bắt khách trên đường Giải Phóng (Ảnh: Người lao động)

Cảnh tượng này gây bức xúc cho nhiều người dân. Bà Đào T. (đường Giải Phóng) cho biết: Ngày nào tôi cũng chứng kiến xe bắt khách dọc đường, có xe khách tạt cả vào đầu xe máy để đón khách rất nguy hiểm. Xe máy vì tránh ô tô khách mà đâm cả vào người khác”.

Ở bến xe Nước Ngầm, nhiều xe không đi theo hành trình mà quay vào đường Trần Thủ Độ (phía sau bến xe) để lấy thêm khách. Khu vực dọc đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) cũng có tình trạng tương tự. Trong khi các lái xe cố tình “rà rê” trên đường thì phụ xe đứng luôn tại cửa “ra rả” mời chào. Hành khách cũng sẵn sàng len giữa những dòng xe bất chấp nguy hiểm.

Đường Lê Trọng Tấn, phường La Khê, quận Hà Đông cũng là một tụ điểm nhộn nhịp đón khách của nhiều nhà xe gây ảnh hưởng đến giao thông nghiêm trọng. Theo người dân ở đây, tình trạng này diễn ra tấp nập cả ngày không khác gì một bến cóc nhỏ. Xe đi Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên,... ngang nhiên dừng bắt khách.

Xe dù giống như “tử thần”, tùy tiện sử dụng phương tiện và tài xế không đạt chuẩn, đua nhau phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành khách... Khi phát hiện có người muốn đón xe lập tức thắng gấp, xi-nhan để tấp vào lề. Đã có rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do xe dù gây ra.

Lách luật, xe “trá hình” hoạt động nhan nhản

Người dân Thủ đô không còn xa lạ với những chiếc xe giường nằm hằng ngày vẫn diễu qua mọi con phố. Hầu hết những chiếc xe này đều được cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” do Sở GTVT Hà Nội cấp nhưng thực tế lại đang chạy như xe khách tuyến cố định. Các nhà xe tận dụng tối đa văn phòng, đại lý bán vé để lập “bến cóc” đón trả khách. Tinh vi hơn, nhiều nhà xe tiến hành việc bán vé, xác nhận đặt chỗ ngay tại văn phòng giao dịch. Sau đó in sẵn những mẫu hợp đồng kèm theo danh sách hành khách "chui" để đối phó khi bị kiểm tra.

Như thông tin Tạp chí GTVT phản ánh, sau 17h trên các tuyến phố Giải Phóng (quận Hoàng Mai); Trần Đại Nghĩa, Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), … luôn xuất hiện những chiếc xe giường nằm 2 tầng dừng đỗ đón khách ngay tại văn phòng bán vé.

Một chiếc xe "trá hình" đi Sa Pa dừng ngay tại biển cấm xếp khách trên phố Trần Quang Khải (Ảnh: GTVT)

Phố cổ trở thành điểm nóng về xe “trá hình”. Với lượng khách đông, nhiều hãng như: Queen Cafe, Sa Pa Morning, Sapa Express, The Sinh Cafe, Cát Bà Morning... sử dụng xe giường nằm loại trên 40 chỗ len lỏi vào tận trung tâm Phố cổ để đón khách. 

Đặc biệt, tại “bến cóc” 28 Trần Nhật Duật, mỗi ngày có khoảng 50 chuyến xuất “bến” và cập “bến”, sự nhộn nhịp, đông đúc của địa điểm này không thua kém gì bến xe chính quy.

Việc xe dù, xe hợp đồng trá hình len lỏi hoạt động khắp các ngõ ngách Hà Nội là một hình thức trốn thuế và cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp vận tải khác. So với các xe khách đăng ký chạy tuyến cố định trong bến, các xe khách trá hình trốn được 10% thuế VAT, không cần đóng phí bến bãi, thuế thu nhập, bảo hiểm cho hành khách và bớt rất nhiều chi phí khác (chi phí duy trì chất lượng phương tiện, đào tạo nâng cao tay nghề và đóng các loại bảo hiểm cho lái xe, phụ xe...). Bởi vậy, xe khách trá hình thu lời bất chính rất cao. Trong khi đó, hiện nay việc đăng ký hoạt động của hai loại xe này quá dễ dàng, quản lý lỏng lẻo, có thể vào đón khách ở mọi nơi chứ không như xe khách tuyến cố định.

Theo một chuyên gia giao thông, chính Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có nhiều “kẽ hở” đã tạo cơ hội cho các đơn vị tổ chức xe khách trá hình kinh doanh trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách. Nhiều đơn vị tổ chức xe khách trá hình không chỉ trực tiếp gom khách lẻ mà còn lách luật thành lập mới (hoặc liên kết) với các trung tâm du lịch hoặc công ty để đứng ra gom khách, thậm chí dùng “cò xe” lôi kéo, thu gom khách lẻ tại bến xe rồi đứng ra ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh xe hợp đồng, để chở khách đi tuyến cố định nhằm trốn thuế, phí bến bãi. Việc xử lý xe khách trá hình dưới dạng thức xe limousine, xe vip do đó cực kỳ khó khăn. Khi kiểm tra thì Hợp đồng vận chuyển đầy đủ, hành khách và nhà xe bất hợp tác.

Nạn “xe dù, bến cóc” không chỉ làm thất thu rất lớn ngân sách, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực vận tải, mà còn gây mất trật tự an ninh, ách tắc giao thông trong nội đô, làm xấu bộ mặt phố phường và đặc biệt là tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Hiện trạng này kéo dài cho thấy sự thờ ơ, vô trách nhiệm của nhiều cán bộ thuộc lực lượng thanh tra, quản lý vận tải và chính quyền cấp phường, cấp quận.

Cần mạnh tay xóa sổ “xe dù, bến cóc”

Có một thực tế là năm nào Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng có công văn, công điện chỉ đạo mở các đợt cao điểm xử lý “xe dù, bến cóc”. Nhưng việc xử lý vấn nạn này như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Theo thông tin của báo GTVT, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội kiến nghị, đối với các nhà xe vi phạm cần phải tiến hành thanh tra toàn diện, đặc biệt cần phối hợp với ngành thuế để thanh tra liên ngành, làm rõ hành vi trốn thuế của các hãng xe dù; quy trách nhiệm cụ thể và xử lý nghiêm cán bộ phụ trách lĩnh vực nếu để xảy ra vi phạm kéo dài trên địa bàn để tránh tình trạng bao che, “bảo kê” cho “xe dù, bến cóc” hoạt động. Đồng thời, Bộ GTVT cần sớm sửa đổi, khắc phục những "kẻ hở" của Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Atgt.vn)

Cần tăng cường sự phối hợp giữa công an, thanh tra giao thông và Ban quản lý bến, kể cả ký hợp đồng trách nhiệm, nhằm giám sát thường xuyên, xử lý mạnh tình trạng “xe dù bến cóc”. Các bến xe cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các phương tiện chạy tuyến cố định vào bến đón khách; nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục ra vào bến, tiết giảm phí bến, cải tiến, nâng cấp chất lượng quản lý và các dịch vụ, tiện nghi trong khu vực bến xe để thu hút xe và hành khách vào bến.

Lực lượng chức năng phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra; sử dụng dữ liệu được trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý vi phạm, trong đó, chú trọng xử lý hành vi kinh doanh vận tải hành khách không đúng quy định, hoạt động sai hành trình tuyến đã đăng ký, dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định. Đồng thời, phải công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân thông báo những vi phạm, đặc biệt là vi phạm quy định về đón, trả khách của lái xe thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải.

Ngoài việc đẩy mạnh thanh tra kiểm soát, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết tăng nặng mức phạt. Mức phạt 4 triệu cho 1 xe chạy trá hình được cho là quá thấp, chưa “thấm tháp” gì với nguồn thu của “xe dù”. Quy định hiện hành là xe vi phạm nặng thì thu hồi phù hiệu 1-3 tháng, khoảng thời gian dao động lớn này rất dễ sinh ra tiêu cực và không đủ sức răn đe. Do đó, cần quy định rõ nếu xe nào vi phạm thì thu hồi phù hiệu 3 tháng. Trường hợp đã bị thu hồi phù hiệu mà xe vẫn hoạt động thì không cấp phù hiệu vĩnh viễn. Nhà xe đang có xe bị thu hồi phù hiệu sẽ không được cấp phù hiệu cho xe mua thêm, có như vậy mới không dám vi phạm.

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô với nhiều điểm cải cách. Một điểm mới đáng chú ý khác là dự thảo Nghị định bổ sung nhiều điều kiện mới để siết chặt điều kiện kinh doanh xe hợp đồng, xe du lịch. Theo đó, quy định hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Hợp đồng vận tải được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Một chuyến xe, chỉ được ký kết một hợp đồng.

Dự thảo nghị định lần này cũng bổ sung quy định khá chặt chẽ là đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh và quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có địa chỉ nơi khởi hành và địa chỉ nơi kết thúc trùng nhau (trừ những vị trí do UBND cấp tỉnh công bố).

Đối với loại hình này, Điều 7, Điều 8 cũng xây dựng các quy định để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và xe du lịch nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế tình trạng “xe dù, bến cóc” đang diễn biến phức tạp như: Sửa đổi quy định đối với xe từ 8 chỗ trở lên thay vì 10 chỗ trở lên như Nghị định 86 trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo thông qua email hoặc phần mềm các thông tin liên quan đến chuyến đi; bổ sung quy định không được tổ chức gom khách lẻ.

Xem thêm bài viết >>>

Từ 01/12, không được dùng gầm cầu đường bộ làm bãi đỗ xe, kinh doanh

Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí trạm Cai Lậy​​​​​​

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang