Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chưa có giải pháp căn cơ phòng ngừa sốt đất ở 03 Đặc khu kinh tế

04/06/2018 20:51

(kiemsat.vn)
Chiều 04/6, sau phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải, tiếp tục đến Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn với phong cách thẳng thắn, không ngại nói thẳng, nói thật.

Sạt lở bờ sông, sự cố thiên tai nghiêm trọng

ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An). Ảnh QH

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An) về vấn đề sói, lở bờ sông, bờ biển thời gian qua diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra 3 nguyên nhân về vấn đề này. Nguyên nhân thứ nhất, lượng cát và phù sa cho đến nay cho thấy có thể khoảng 60% bị giữ lại ở nước thượng nguồn qua các hồ đập thủy điện. “Chúng ta đang đấu tranh để làm sao giải quyết được khâu đưa phù sa về xuống dưới hạ nguồn, tuy nhiên đây là vấn đề không đơn giản” ông Hà chia sẻ. Nguyên nhân thứ hai, thời gian qua, vấn đề quản lý khai thác cát lỏng lẻo, cát tặc lộng hành,  và việc cát tặc đang lộng hành này gây ra vấn đề sói lở. Nguyên nhân thứ ba, có thể do chúng ta đầu tư chưa đúng về quy hoạch thủy lợi, chưa áp dụng các mô hình chống sạt lở trên thế giới, (ví dụ như Hà Lan) là nguyên nhân sạt lở.

Giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đưa ra ba giải pháp. Giải pháp thứ nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ sớm ban hành nghị định về quản lý, kiểm soát khai thác cát bờ sông, tiếp cận trên vấn đề lưu vực và xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt Ủy ban nhân dân các cấp và tập trung ở địa bàn chính là Ủy ban nhân dân và cho đến cấp quận, huyện và đến phường, xã chịu trách nhiệm.

Giải pháp thứ hai, theo Bộ trưởng phải có một quy hoạch tổng thể khi xem xét để đánh giá mối quan hệ giữa các công trình và đặc biệt khai thác thì tác động thế nào đến dòng chảy và sạt lở. Điều này trong nghị định sẽ ban hành.

Cuối cùng, sẽ khoanh những khu vực cấm, hiện nay chúng ta biết ở đồng bằng sông Cửu Long do tập quán nên nhà cửa xây dựng ngay bên bờ sông, mà theo Luật Tài nguyên nước thì có hành lang bảo vệ hai bên bờ sông, hành lang an toàn. Vì vậy, nếu chúng ta xây dựng như vậy thì vô hình trung cấu trúc của hai bên bờ sông rất mềm yếu và hai là có những quy luật dòng chảy, bên lở, bên bồi, quy luật này là bình thường, nên giải pháp khoanh vùng cấm là giải pháp quan trọng. Chúng tôi cố gắng đánh giá được những khu vực đó để có di dân, có kế hoạch tránh xa những vùng có khả năng xảy ra sự cố.

Phương án phòng ngừa sự cố từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc

ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long). Ảnh QH

Đại biểu Phạm Tất Thắng đề cập tới việc Trung Quốc xây dựng 3 nhà máy điện hạt nhân khá gần biên giới Việt Nam, từ 50 km đến 200 km. Theo đó, giả sử các nhà máy này có vấn đề trong hoạt động thì nguy cơ ô nhiễm phóng xạ với Việt Nam rất lớn. Bộ Tài nguyên có giải pháp gì ứng phó với nguy cơ đó?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết tình trạng có các nhà máy sản xuất điện hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới là điều chúng tôi đã biết rõ. Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý về an toàn hạt nhân xây dựng các trạm để luôn theo dõi chính xác được.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước chính thức làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để thường xuyên có những đoàn thanh tra quốc tế kiểm soát các quy chuẩn an toàn các hoạt động ở đây. Không chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường mà bản thân thành phố Hà Nội vừa rồi cũng đã đưa ra một kế hoạch rất cụ thể về việc phòng, tránh ô nhiễm hạt nhân khi nó xảy ra. Tư lệnh ngành Môi trường cũng cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với vấn đề này, vì các nhà máy điện hạt nhân không chỉ được sự quan tâm của chúng ta mà cộng đồng thế giới, tổ chức hạt nhân thế giới cũng có trách nhiệm kiểm soát. “Thực tế nhiều nay cũng nhiều nước, ngay biên giới Pháp, Đức cũng như vậy, tôi cho rằng với những công nghệ hiện đại và phối hợp quốc tế để giám sát, kiểm soát cũng như chúng ta có trách nhiệm với người dân trong vấn đề thường xuyên theo dõi”, ông Hà chia sẻ.

Chưa có giải pháp căn cơ phòng ngừa sốt đất ở ba Đặc khu kinh tế

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội). Ảnh QH

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về vấn đề thị trường đất đai ở các địa phương Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đang hết sức sôi động và diễn biến phức tạp, gây bức xúc lớn cho xã hội. Tôi hỏi Bộ trưởng có biết việc này không và đã làm gì để lập lại trật tự này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà công nhận ở đây có vấn đề là tầm nhìn của chúng ta, tức là quy luật khi đầu tư vào hoặc có những kỳ vọng đầu tư hoặc tương lai phát triển và đặc biệt đầu tư hạ tầng... thì đương nhiên quy luật sẽ đổ xô vào đấy, nhất là thị trường về đất đai. "Chúng ta biết quy luật này nhưng ngoài việc ban hành biện pháp hành chính thì chưa có giải pháp căn cơ ngăn ngừa", ông Hà nói. Nhắc lại câu chuyện sốt đất tại Long Thành (Đồng Nai) cách đây 5 năm, ông Hà nêu, chính quyền địa phương thời điểm đó ban hành chỉ thị hành chính ngăn chặn hoạt động chuyển nhượng đất nhưng thực tế giao dịch ngầm vẫn diễn ra.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Với 3 địa phương sắp thành đặc khu, theo ông Hà, sốt đất chủ yếu nghiêm trọng ở việc chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp... trái phép. Tương tự như ở Long Thành, những giao dịch tại 3 địa phương trên được tiến hành ngầm, trái pháp luật, trong khi năng lực quản lý chưa theo kịp thời.

Trong thời gian nửa buổi chiều, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời 18 đại biểu Quốc hội chất vấn và 8 ý kiến tranh luận. Ngày mai, 05/6, Bộ trưởng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn với 47 đại biểu đã đăng ký chờ chất vấn.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang