Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

27/02/2017 02:30

(kiemsat.vn)
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó có “Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ”.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng bổ sung quy định trường hợp sau khi đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án quyết định trả lại đơn khởi kiện hoặc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khi đương sự rút đơn khởi kiện hoặc Hội đồng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm ra quyết định về việc đình chỉ giải quyết vụ án thì phải đồng thời quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trường hợp đã có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì việc giải quyết yêu cầu hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Chánh án của Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phân công một Thẩm phán giải quyết; đồng thời, bổ sung quy định căn cứ hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; bổ sung quy định rõ thủ tục, thẩm quyền giải quyết yêu cầu áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa để tránh những sai sót, vướng mắc trong thực tiễn.

Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp: Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu; Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng.

Việc bồi thường thiệt hại trong các trường hợp nêu trên được thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (khoản 2 và khoản 3 Điều 113).

(Trích bài viết: “Những điểm mới cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015” của TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi, Tạp chí Kiểm sát số 5/2016).

Bài 4: Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự

Kỳ sau (bài 6): Thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang