Mới: Giáo viên mầm non phải sử dụng được 01 ngoại ngữ
Ngày đăng : 08:45, 21/12/2018
Ảnh minh họa (Nguồn: internet) |
Thông tư yêu cầu giáo viên mầm non phải sử dụng được một ngoại ngữ, trong đó ưu tiên tiếng Anh (hoặc tiếng dân tộc đối với vùng dân tộc thiểu số). Tiêu chuẩn cụ thể như sau:
- Mức đạt: Sử dụng được các từ ngữ, câu đơn giản trong giao tiếp bằng một ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh); hoặc giao tiếp thông thường bằng tiếng dân tộc đối với vùng dân tộc thiểu số;
- Mức khá: Trao đổi thông tin đơn giản bằng một ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) với nội dung liên quan đến hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; hoặc giao tiếp thành thạo bằng tiếng dân tộc đối với vùng dân tộc thiểu số;
- Mức tốt: Viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc bằng một ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) trong hoạt động chuyên môn về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; hoặc sử dụng thành thạo tiếng dân tộc đối với vùng dân tộc thiểu số.
Quy định nói trên áp dụng đối với tất cả giáo viên mầm non làm việc tại các nhà trẻ, nhóm trẻ, trường, lớp mẫu giáo, trường mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ học kỳ II năm học 2018-2019, và thay thế cho Quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non ngày 22/1/2008.
Xem chi tiết Thông tư 26/2018/TT-BGDĐT tại đây.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, yêu cầu giáo viên mầm non phải sử dụng được 01 ngoại ngữ là cần thiết.
Báo Giáo dục và thời đại thông tin, theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành hiện có 294.655 giáo viên mầm non.
Số giáo viên mầm non có trình độ đào tạo đạt Chuẩn trở lên chiếm 98,7%, trong đó 65,1% số giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên. Còn một bộ phận nhỏ, chiếm 33,6% giáo viên mầm non ở trình độ trung cấp sư phạm. "Nếu bộ phận này được đào tạo bài bản chắc chắn đáp ứng ở mức khá yêu cầu về năng lực ngoại ngữ theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, nếu đào tạo chưa bài bản, trong giai đoạn tới họ cần tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực ngoại ngữ , đáp ứng yêu cầu theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non mới”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định.
Theo lộ trình, trong giai đoạn sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo triển khai cho trẻ Mầm non làm quen với tiếng Anh, chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào học tiếng Anh ở phổ thông.
Việc giáo viên mầm non có năng lực tiếng Anh càng thành thạo thì càng hỗ trợ tích cực cho việc làm quen với ngoại ngữ của trẻ Mầm non trong cơ sở giáo dục mầm non, giúp cơ sở giáo dục mầm non và toàn ngành nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Xem thêm>>>
Họp Ủy ban thường vụ Quốc hội về Luật Giáo dục (sửa đổi): Đặc biệt quan tâm tới cấp mầm non
Ưu tiên tuyển vào biên chế giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học mới