Phạt đến 15 triệu đồng với hành vi sửa điểm bài thi, 10 triệu đồng nếu ép học sinh học thêm
Ngày đăng : 10:16, 01/10/2018
Học sinh đang học thêm tại cơ sở dạy thêm quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Báo Giáo dục) |
Mục 06 của Dự thảo quy định các hình thức xử phạt về sai phạm trong thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Theo đó, phạt tiền từ 02 triệu đến 05 triệu đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi. Từ 03 triệu đồng đến 06 triệu đồng nếu thông tin sai sự thật về kỳ thi, từ 10 triệu đến 12 triệu đồng đối với hành vi làm mất bài thi.
Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy chế thi theo các mức phạt sau đây:
Từ 01 triệu đến 02 triệu đồng nếu mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi; Từ 02 triệu đến 03 triệu nếu làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài. Từ 03 triệu đến 05 triệu đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác.
Bên cạnh đó, hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định hoặc nhập điểm vào máy vi tính không đúng với điểm thực tế của bài thi bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng; đánh tráo bài thi hoặc lấy bài của thí sinh này giao cho thí sinh khác phạt từ 15 triệu đến 20 triệu, phạt từ 20 triệu đến 25 triệu đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định hoặc chấm thi không đúng hướng dẫn.
Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ về vi phạm quy định trong tổ chức dạy thêm. Cụ thể, phạt từ 02 đến 03 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất; phạt tiền từ 02 đến 04 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm.
Phạt từ 03 đến 05 triệu đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Phạt tiền từ 04 đến 06 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Phạt tiền từ 06 đến 08 triệu đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa.
Phạt tiền từ 08 đến 10 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn. Đáng chú ý, hành vi ép buộc học sinh học thêm bị phạt từ 8 triệu đến 10 triệu đồng. Tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu.
Ngoài ra, khi vi phạm các điều khoản trên, người dạy phải trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép; dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn, khi chưa được cấp phép; ép buộc học sinh học thêm; Buộc giải thể cơ sở dạy thêm đối với hành vi tổ chức dạy thêm khi chưa được cấp phép.
Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, việc xây dựng Nghị định này nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành; tạo cơ sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục trên toàn quốc. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Dự thảo sẽ lấy ý kiến đóng góp hết ngày 25/11.
Xem toàn văn Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục tại đây.
Xem thêm>>>
Từ ngày 04/9/2018: Áp dụng 5 tiêu chuẩn đối với Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông
Phải công khai mức thu học phí và lộ trình thu học phí tại các cơ sở ngoài công lập