Trao đổi bài viết: “Mức án phí yêu cầu tuyên giao dịch bảo đảm vô hiệu?”

Ngày đăng : 08:53, 19/06/2018

(Kiemsat.vn) - Các tác giả cùng đồng tình với quan điểm thứ nhất, cho rằng: Tòa tuyên đương sự có yêu cầu độc lập không được chấp nhận mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí là có căn cứ, đúng pháp luật.

Nội dung vụ án:

Ngày 08/6/2012, Ngân hàng ĐT ký hợp đồng tín dụng cho Công ty QN vay 15.000.000.000  đồng trong thời hạn 12 tháng để bổ sung vốn điều lệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Để bảo đảm cho khoản vay, giữa Ngân hàng, Công ty QN và các bên thứ 3 đã ký kết 9 hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Các hợp đồng bảo đảm đều được ký kết và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định. Sau khi vay vốn, Công ty QN đã trả được số tiền gốc là 4.792.000.000 đồng, sau đó không trả được nợ. Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Công ty QN trả nợ cả gốc và lãi tính đến ngày 22/12/2017 (ngày xét xử sơ thẩm) số tiền 14.774.486.613 đồng. Trường hợp không trả được nợ, Ngân hàng được yêu cầu xử lý phát mại 9 tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Những người có tài sản bảo đảm không đồng ý phát mại tài sản bảo đảm, có đơn yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu, buộc Ngân hàng trả lại giấy chứng nhận QSD đất cho họ.

Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng về việc buộc Công ty QN trả nợ và phát mại tài sản bảo đảm của người thứ ba trong trường hợp Công ty QN không trả được nợ. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của 9 người có tài sản bảo đảm, buộc mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí đối với yêu cầu độc lập không được chấp nhận.

Ảnh minh họa

* Tác giả Dương Tấn Thanh, TAND TX Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

Đối chiếu quy định của pháp luật và thực tiễn xét xử, tôi đồng tình quan điểm thứ nhất, bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất trong việc xem xét mối quan hệ tranh chấp giữa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập với nguyên đơn trong vụ án là tranh chấp về dân sự mà cụ thể là tranh chấp về hợp đồng thế chấp tài sản. Bản chất của tranh chấp về hợp đồng thế chấp tài sản là tranh chấp về dân sự, không phải là tranh chấp về kinh doanh thương mại. Cho nên không thể cho rằng Tòa án thụ lý vụ án kinh doanh thương mại thì tất cả án phí mà đương sự phải chịu trong vụ án đó phải là án phí kinh doanh thương mại. Tôi xin dẫn chứng một ví dụ khác để nói rõ hơn về vấn đề này. Đó là một vụ án hôn nhân và gia đình (ly hôn) giữa anh A và chị B. Trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông C có đơn yêu cầu độc lập yêu cầu anh A, chị B trả tiền vay còn nợ là 50.000.000 đồng. Giả thiết rằng yêu cầu của ông C không được Tòa án chấp nhận thì ông C phải chịu án phí dân sự có giá ngạch là 2.500.000 đồng. Qua ví dụ này cho thấy trong một vụ án đương sự có thể chịu nhiều loại án phí khác nhau.

Thứ hai, do yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận nên họ (mỗi người) phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch. Vì theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án (Nghị quyết số 326) thì “vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể”. Đối chiếu Danh mục án phí, lệ phí Tòa án kèm theo Nghị quyết số 326 thì án phí tranh chấp về dân sự không có giá ngạch là 300.000 đồng. Tòa án tuyên buộc mỗi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không được chấp nhận phải chịu 300.000 đồng án phí là đúng.

* Tác giả Lê Thanh Bình, VKSND huyện Phù Mỹ, Bình Định

Theo tôi, Tòa án không chấp nhận yêu cầu độc lập của 9 người có tài sản bảo đảm, buộc mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự không giá ngạch là có căn cứ.

Bởi vì, tài sản của 9 hợp đồng dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho hợp đồng kinh tế khi Ngân hàng ĐT ký hợp đồng tín dụng cho Công ty QN vay 15.000.000.000  đồng trong thời hạn 12 tháng để bổ sung vốn điều lệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, có đơn yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu, buộc Ngân hàng trả lại giấy chứng nhận QSD đất cho họ, nên khi có tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa Ngân hàng ĐT với Công ty QN thì đây là vụ án kinh doanh thương mại nên Công ty QN phải chịu án phí theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 26 và tiểu mục 1.2 mục 1 phần II Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (gọi tắt là NQ 326), Tòa án buộc Công ty QN chịu án phí 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

Riêng đối với 9 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng bảo đảm tài sản vô hiệu là quan hệ dân sự trong vụ án kinh doanh thương mại vì hợp đồng bảo đảm tài sản là quyền sử dụng đất này của bên thứ ba đã thỏa thuận giá trị bảo đảm thi hành phần nghĩa vụ dân sự với bên thứ nhất (Ngân hàng ĐT) và bên thứ hai (Công ty QN), phần tài sản này có giá trị nhiều hơn tài sản Ngân hàng ĐT cho Công ty QN vay nhưng khi phát sinh tranh chấp giữa Ngân hàng và Công ty thì 9 người (bên thứ ba) có yêu cầu độc lập chỉ muốn lấy lại tài sản mà trước đây mình chấp nhận dùng để bảo đảm cho Công ty để thực hiện nghĩa vụ trả nợ nếu Công ty QN mất khả năng thanh toán tiền vay gốc và lãi cho Ngân hàng. 9 người này chỉ yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà không yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu hoặc giải quyết phần giá trị của tài sản đã dùng để bảo đảm. Vì vậy, nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu của họ tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì họ lấy lại phần tài sản bảo đảm đó và không phải chịu án phí.

Ở đây, Tòa án không chấp nhận yêu cầu của họ, không tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì tài sản đó được đem ra thi hành đúng như cam kết bảo đảm. Do đó, đối với 9 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng bảo đảm tài sản vô hiệu nhưng không được Tòa án chấp nhận nên căn cứ Điểm a Khoản 3 Điều 27 và tiểu mục 1.2 mục 1 phần II NQ 326 buộc mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí không có giá ngạch.

Xem thêm>>>

Mức án phí yêu cầu tuyên giao dịch bảo đảm vô hiệu?

Những trường hợp ngoại lệ về án phí

Có tính án phí trên phần nghĩa vụ trả nợ không?

Dương Tấn Hanh - Lê Thanh Bình