Mức án phí yêu cầu tuyên giao dịch bảo đảm vô hiệu?
Ngày đăng : 09:45, 18/06/2018
Nội dung vụ án:
Ngày 08/6/2012, Ngân hàng ĐT ký hợp đồng tín dụng cho Công ty QN vay 15.000.000.000 đồng trong thời hạn 12 tháng để bổ sung vốn điều lệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Để bảo đảm cho khoản vay, giữa Ngân hàng, Công ty QN và các bên thứ 3 đã ký kết 9 hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Các hợp đồng bảo đảm đều được ký kết và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định. Sau khi vay vốn, Công ty QN đã trả được số tiền gốc là 4.792.000.000 đồng, sau đó không trả được nợ. Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Công ty QN trả nợ cả gốc và lãi tính đến ngày 22/12/2017 (ngày xét xử sơ thẩm) số tiền 14.774.486.613 đồng. Trường hợp không trả được nợ, Ngân hàng được yêu cầu xử lý phát mại 9 tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Những người có tài sản bảo đảm không đồng ý phát mại tài sản bảo đảm, có đơn yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu, buộc Ngân hàng trả lại giấy chứng nhận QSD đất cho họ.
Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng về việc buộc Công ty QN trả nợ và phát mại tài sản bảo đảm của người thứ ba trong trường hợp Công ty QN không trả được nợ. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của 9 người có tài sản bảo đảm, buộc mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí đối với yêu cầu độc lập không được chấp nhận.
Về việc tuyên nghĩa vụ chịu án phí đối với yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu không được chấp nhận, hiện có hai quan điểm khác nhau, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, mặc dù đây là vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại, nhưng quan hệ về kinh doanh thương mại chỉ phát sinh giữa Ngân hàng và Công ty QN (cả hai bên trong quan hệ này đều là tổ chức có đăng ký kinh doanh và có mục đích lợi nhuận). Còn mối quan hệ giữa Ngân hàng và người thứ ba có tài sản bảo đảm chỉ là quan hệ dân sự vì người có tài sản bảo đảm đều là cá nhân không có đăng ký kinh doanh, việc họ cho Công ty QN mượn tài sản là quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn Ngân hàng xuất phát từ mối quan hệ gia đình, bạn bè chứ không có mục đích lợi nhuận. Tức là không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí của một vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại quy định tại Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Vì vậy, đối với yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu không được chấp nhận, người yêu cầu chỉ phải chịu mức án phí 300.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không được chấp nhận mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí là có căn cứ, đúng pháp luật.
Ảnh minh họa |
Quan điểm thứ hai cho rằng, đây là vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại. Trong vụ án này, Tòa án xác định có hai vấn đề phải giải quyết, một là yêu cầu của Ngân hàng về việc buộc Công ty QN phải trả nợ; hai là yêu cầu phát mại tài sản của người thứ ba trong trường hợp Công ty QN không trả được nợ cho Ngân hàng. Đây là hai nội dung không thể tách rời khi xem xét giải quyết vụ án này. Do đó, đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu cũng là tranh chấp về kinh doanh thương mại theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015.
Vì vậy, theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 26 và tiểu mục 1.2 mục 1 phần II Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Tòa án cần buộc 9 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không được chấp nhận mỗi người phải chịu 3.000.000 đồng án phí không có giá ngạch. Việc cấp sơ thẩm chỉ buộc 9 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không được chấp nhận mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí là không đúng quy định của pháp luật.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất.
Rất mong nhận được ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, đồng ngiệp và bạn đọc về vấn đề này./.
Xem thêm>>>
Có tính án phí trên phần nghĩa vụ trả nợ không?
Những trường hợp ngoại lệ về án phí
Có tính án phí cấp dưỡng nuôi con đối với việc hôn nhân gia đình không?