Hiểu thế nào là "con đã thành niên mà không có khả năng lao động"?

Ngày đăng : 11:26, 07/06/2018

(Kiemsat.vn) - Mặc dù đã ra đời và tồn tại gần 40 năm song vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn áp dụng trực tiếp trường hợp “con đã thành niên mà không có khả năng lao động” trong xác định người được hưởng di sản, do đó, đến nay vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

 

Bài viết này đánh giá và phân tích các khái niệm tương tự pháp luật nhằm làm rõ hơn trường hợp “con đã thành niên mà không có khả năng lao động”, trên cơ sở đó, khuyến nghị trong quá trình kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến phần di sản của những người không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

Phần di sản dành cho người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc lần đầu tiên được quy định trong Thông tư số 81/1981/TT-TANDTC ngày 24/7/1981 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế (Thông tư số 81). Theo Thông tư này, nếu bằng di chúc, người có di sản định đoạt, vì lợi ích của người khác, một phần tài sản lớn hơn giá trị của di sản trừ đi giá trị các “phần tài sản cho những người thừa kế bắt buộc” thì các phần di sản được hưởng theo di chúc sẽ bị cắt giảm theo yêu cầu của những người này. Những “người thừa kế bắt buộc” bao gồm vợ, chồng; con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, bố mẹ già và túng thiếu. Phần này được ấn định bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.

Kế thừa các quy định tại Thông tư số 81, Pháp lệnh thừa kế năm 1990 bổ sung: 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật được tính bằng cách giả định toàn bộ di sản được chia theo pháp luật (Điều 20). Pháp lệnh cũng thay cụm từ “phần tài sản cho những người thừa kế bắt buộc” thành “những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc”.

Quy định này được kế thừa tại Điều 672 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995; Điều 669 BLDS năm 2005 và Điều 664 BLDS năm 2015. Cụ thể, khoản 1 Điều 644 BLDS năm 2015 quy định:

“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động

Mục đích của quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của cha, mẹ, vợ, chồng, con của người để lại di sản trước những quyết định bất lợi đối với họ. Đây đều là những người có mối quan hệ thân thiết, gần gũi nhất với người để lại di sản. Cả trên phương diện pháp lý cũng như đạo lý đều quy định rằng: Việc chăm sóc, nuôi dưỡng những người này là bổn phận của người để lại di sản. Bổn phận ấy không chỉ được thực hiện khi người để lại di sản còn sống, mà ngay cả khi họ chết đi thì bổn phận ấy sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện bằng việc người để lại di sản để lại một phần tài sản của mình cho cha, mẹ, vợ, chồng, con cái của họ.

Nếu những người này vì một lý do nào đó mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ bổn phận của mình thì pháp luật – bằng những quy định của mình – sẽ ấn định cho những người có quan hệ gần gũi với người này luôn được hưởng một phần di sản từ khối di sản của người đó để lại. Đó chính là phần di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Phần di sản dành cho người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là một phần di sản được trích ra từ khối tài sản của người chết để lại sau khi đã thanh toán xong các nghĩa vụ về tài sản.

Mặc dù đã ra đời và tồn tại gần 40 năm song vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn áp dụng trực tiếp quy phạm “con đã thành niên mà không có khả năng lao động”, do đó, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc xác định thế nào là “con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.

Có ý kiến cho rằng, vì chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng trực tiếp quy phạm “con đã thành niên mà không có khả năng lao động” nên chúng ta có thể áp dụng tương tự pháp luật, cụ thể tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, có quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp “mất khả năng lao động” theo đó, “người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên…”. Do vậy, nếu như người thành niên, mà thường xuyên cần phải có người chăm sóc và rơi vào những trường hợp như Nghị quyết số 03/2006 đã liệt kê ở trên thì mới xác định họ “không còn khả năng lao động”.

Ý kiến khác lại cho rằng, ngoài Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, còn có một văn bản khác cũng điều chỉnh tương tự, đó chính là Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ tài chính hướng dẫn thi hành 1 số điểm của Luật thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/09/2008 của Chính Phủ quy định  chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân có quy định về khái niệm “người tàn tật không có khả năng lao động”. Cụ thể tại Mục 3.1.6 của Thông tư số 84 có khái niệm người tàn tật không có khả năng lao động để xét giảm trừ gia cảnh về thuế thu nhập như sau:

“Người tàn tật, không có khả năng lao động là người bị tàn tật, giảm thiểu chức năng không thể trực tiếp sản xuất, kinh doanh hoặc người bị khuyết tật bẩm sinh không có khả năng tự phục vụ bản thân được cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên xác nhận hoặc tự bản thân khai có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phụ thuộc đang sống xác nhận những biều hiện cụ thể về sự tàn tật của người phụ thuộc đang sống xác nhận những biểu hiện cụ thể về sự tàn tật của người phụ thuộc. Ví dụ: Xác nhận người phụ thuộc bị cụt tay, cụt chân, mù mắt, mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, bị di chứng chất độc màu da cam…

Trường hợp người phụ thuộc mắc bệnh mà không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn…) có bệnh án của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên thì chỉ cần bản sao bệnh án mà không cần phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã”.

Tuy nhiên, khái niệm này chỉ nhằm phân biệt về người tàn tật không có khả năng lao động với người tàn tật nhưng vẫn có khả năng lao động. Theo tác giả, việc viện dẫn cả hai văn bản quy phạm pháp luật nêu trên (Nghị quyết số 03 và Thông tư số 84 là chưa chính xác và không hợp lý).

Ảnh minh họa

Do vậy, trong quá trình kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến phần di sản của những người không phụ thuộc vào nội dung di chúc, Kiểm sát viên cần phải hết sức thận trọng, đánh giá toàn diện, khách quan mối quan hệ giữa người để lại di sản với người thụ hưởng; giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và chuẩn mực đạo lý của xã hội nhằm làm rõ và phân biệt trường hợp nào “con đã thành niên mà không có khả năng lao động” để đánh giá chính xác có cho hay không cho hưởng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật, làm căn cứ cho việc kiến nghị, kháng nghị các bản án, quyết định của Tòa án một cách chính xác, toàn diện, hợp lý, hợp tình./.

Xem thêm>>>

Con dâu có được thừa kế bất động sản của bố chồng?

Bạn có biết cách cho con thừa kế tài sản mà không gây tị nạnh?

Ths. Nguyễn Nam Hưng - VKSND cấp cao tại TP. HCM