Bàn về người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Ngày đăng : 10:49, 14/05/2018
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
BLTTHS 2015 tại Điều 56 đã ghi nhận cho họ các quyền để họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và đồng thời cũng quy định nghĩa vụ của họ để việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiến hành thuận lợi. Theo đó,
- Cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm; cơ quan, tổ chức đã báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền: Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa; được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Khoản 2).
- Nghĩa vụ của cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm; cơ quan, tổ chức đã báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố là phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc (Khoản 2).
BLTTHS 2015 tại Điều 96 đã quy định lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm là một nguồn chứng cứ, theo đó:
Người tố giác, báo tin về tội phạm trình bày những tình tiết liên quan đến việc họ tố giác, báo tin về tội phạm. Bộ luật này cũng đã quy định về quyền hạn của người có thẩm quyền trong việc triệu tập, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, như:
- Người có quyền hạn triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm: Điều tra viên (điểm d khoản 1 Điều 37 BLTTHS 2015); Kiểm sát viên (điểm g khoản 1 Điều 42 BLTTHS 2015); Cấp trưởng, cấp phó của các Cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (điểm đ khoản 2 Điều 39 BLTTHS 2015); Cấp trưởng, cấp phó của các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (điểm đ khoản 2 Điều 40 BLTTHS 2015).
- Người có quyền hạn lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm: cán bộ điều tra của các Cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (điểm c khoản 4 Điều 39 BLTTHS 2015); Cán bộ điều tra của các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (điểm c khoản 3 Điều 40 BLTTHS 2015).
Mặc dù đã ghi nhận địa vị pháp lý, quy định quyền và nghĩa vụ cho người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, nhưng BLTTHS 2015 vẫn còn một số hạn chế nhất định:
- Tại Điều 96 Bộ luật này mới chỉ quy định về lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm và quyền hạn triệu tập, lấy lời khai của họ. Bộ luật này chưa có quy định về lời khai của người kiến nghị khởi tố (cơ quan, tổ chức) và thẩm quyền triệu tập, lấy lời khai của họ. Vậy nên, khi cần triệu tập, lấy lời khai của người kiến nghị khởi tố, người có thẩm quyền sẽ gặp vướng mắc khi không biết phải căn cứ vào quy định nào và phạm vi lấy lời khai của họ ra sao?
- Bộ luật này cũng thiếu quy định về trình tự, thủ tục triệu tập, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
- Để khắc phục các hạn chế trên, chúng tôi cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần phải:
Thứ nhất, bổ sung quyền hạn triệu tập, lấy lời khai người kiến nghị khởi tố bằng việc bổ sung cụm từ “kiến nghị khởi tố” sau cụm từ “người tố giác, báo tin về tội phạm” tại các Điều 37 (điểm d khoản 1), Điều 39 (điểm đ khoản 2, điểm c khoản 4), Điều 40 (điểm đ khoản 2, điểm c khoản 3), Điều 42 (điểm g khoản 1) BLTTHS 2015. Chẳng hạn, sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 37 BLTTHS 2015 như sau:
“ Điều 37. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên
1. Điều tra viên được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a)...;
d) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố,...”
Thứ hai, Thêm cụm từ “kiến nghị khởi tố” vào Điều 96 BLTTHS 2015 như sau:
“Điều 96. Lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố trình bày những tình tiết liên quan đến việc họ tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố”
Thứ ba, bổ sung 01 điều luật quy định về trình tự, thủ tục triệu tập, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Xem thêm>>>
Bảo vệ người tố giác tội phạm và người tham gia tố tụng khác
Ai có thẩm quyền bảo vệ người tố giác tội phạm?
Người dân có thể tố giác tội phạm tại Trang thông tin điện tử Cơ quan điều tra VKSNDTC