Trao đổi về xác định đồng phạm Tội đánh bạc

Ngày đăng : 10:47, 07/05/2018

(Kiemsat.vn) - Trao đổi bài: "Vướng mắc trong xác định đồng phạm tội đánh bạc” của Ths. Vũ Thị Hiền, VKSND tỉnh Nghệ An; tác giả cho rằng hành vi của Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn T cấu thành hai tội “Tổ chức đánh bạc” và “Gá bạc”; Tống Hoàng V không đồng phạm về tội đánh bạc.

Ảnh minh họa

Tình huống thứ nhất:

Nguyễn Văn A gọi các con bạc đến tầng 2 hiệu cầm đồ của gia đình mình để đánh bạc, A bố trí Hoàng Văn M canh gác và báo động khi bị phát hiện, bố trí Nguyễn Văn T  phục vụ tại xới bạc. Trong số 6 đối tượng đánh bạc tại nhà riêng của A, có Vi Thị Q đến làm xáo (cho vay tiền đánh bạc) mà không trực tiếp tham gia đánh bạc. Trong quá trình các đối tượng đánh bạc thì Nguyễn Văn A đưa 20 triệu cho Nguyễn Văn T (phục vụ tại xới bạc) và bảo với T khi các con bạc cần thì cho vay, cuối buổi lấy lãi suất 5%, T đã cho các con bạc vay 10.000.000 đồng. Số tiền thu được tại chiếu bạc vào thời điểm công an bắt quả tang là 48.000.000 đồng.

Hành vi của Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn T cấu thành hai tội “Tổ chức đánh bạc”“Gá bạc” theo quy định tại khoản 1 các Điều 321, 322 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, Nguyễn Văn A gọi các con bạc đến tầng 2 hiệu cầm đồ của gia đình mình để đánh bạc, A bố trí Hoàng Văn M canh gác và báo động khi bị phát hiện, bố trí Nguyễn Văn T  phục vụ tại xới bạc. Do đó, hành vi này của A và T phạm tội “Tổ chức đánh bạc”.

Đồng thời, trong quá trình các đối tượng đánh bạc thì Nguyễn Văn A đưa 20 triệu cho Nguyễn Văn T (phục vụ tại xới bạc) và bảo với T khi các con bạc cần thì cho vay, cuối buổi lấy lãi suất 5%, T đã cho các con bạc vay 10.000.000 đồng. Mục đích của A gọi các con bạc đến để đánh bạc là nhằm cho vay để lấy lãi (tiền). Hành vi này của A phạm vào tội “Gá bạc” theo quy định tại khoản 1 các Điều 321, 322 BLHS năm 2015. T đồng tình với ý chí của A nên T cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

Hành vi của Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn T không cấu thành tội đánh bạc theo quy định tại khoản 1 các Điều 321 năm 2015. Bởi lẽ, mục đích của A  và T không phải là tham gia đánh bạc được thua bằng tiền. Vì vậy, A và T không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội đánh bạc với vai trò đồng phạm với nhau.             

Tình huống thứ hai:

Tại nhà riêng Hoàng Văn B có Nguyễn Văn N; Bùi Thanh T; Lê Tuấn A cùng tham gia đánh bạc. Tống Hoàng V ngồi xem các đối tượng đánh bạc, quá trình đánh bạc, khi cần, các đối tượng sai V phục vụ nước, thuốc. Mỗi ván người thắng bạc tự trích ra 50.000 đồng để đưa cho V. Khi bị công an phát hiện, bắt quả tang, tại chiếu bạc thu giữ được 8.000.000 đồng, thu giữ trong người Tống Hoàng V 400.000 đồng, V. khai nhận đã được các đối tượng đánh bạc thưởng cho sau  mỗi ván thắng bạc. 

Hành vi của Tống Hoàng V không đồng phạm về tội đánh bạc. Bởi lẽ,  Khoản 1, Điều 321 quy định người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 thì mới xử lý về tội đánh bạc. Ở đây, Tống Hoàng V chỉ ngồi xem các đối tượng đánh bạc, quá trình đánh bạc, khi cần, các đối tượng sai V phục vụ nước, thuốc; mỗi ván người thắng bạc tự trích ra 50.000 đồng để đưa cho V. Hành vi này của V không tạo điều kiện về tinh thần cũng như vật chất cho các đối tượng đánh bạc, không nhằm để việc đánh bạc được diễn ra thuận lợi hơn. Mặt khác, V không có ý thức tạo điều kiện thuận lợi cho các con bạc đánh bạc. Việc các đối tượng đánh bạc cho V tiền sau mỗi ván thắng bạc là do họ tự nguyện, V không đòi hỏi. Mục đích của V không phải vì động cơ vụ lợi trong quá trình phục vụ tại xới bạc. Do đó, V không phạm tội đánh bạc với vai trò đồng phạm.

Xem thêm>>>

Vướng mắc trong xác định đồng phạm tội “ Đánh bạc”

Những điểm mới của Tội đánh bạc, Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

Nguyễn Thanh Toàn – VKSND huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang