Vì đâu ly hôn ngày càng tăng?
Ngày đăng : 10:31, 27/04/2018
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng khi cả hai người đang còn sống, do cả hai bên vợ chồng thuận tình và được Tòa án công nhận bằng quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc chỉ do một bên yêu cầu, được Tòa án đưa ra xét xử và phán quyết bằng một bản án cho ly hôn. Đây là hiện tượng xã hội bất bình thường nhưng cần thiết để đảm bảo quyền tự do trong hôn nhân và củng cố hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Tuy nhiên, việc ly hôn có thể làm ảnh hưởng tới cuộc sống của những người thân, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm sinh lý của những đứa trẻ.
Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, năm 2016 thụ lý 330 vụ án ly hôn; năm 2017 con số này là 398 vụ, tăng 68 vụ = 20,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Phân tích về độ tuổi trong các vụ ly hôn thì thấy: Trong số án “Ly hôn” năm 2017, có hơn 40% các cặp vợ chồng ở dưới độ tuổi 30 (trong đó số các cặp vợ chồng từ 22 tuổi trở xuống chiếm khoảng 3%); khoảng 36% ở độ tuổi 30 - 40, phần lớn trong số đó (chiếm tới khoảng 90%) là có con nhỏ - đây là đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất khi bố và mẹ ly hôn; các cặp vợ chồng ly hôn trong độ tuổi từ 40-50 chiếm khoảng 15%; còn lại là các cặp vợ chồng có độ tuổi khá lớn (trên 50 tuổi) chiếm khoảng 9%, họ đều có con đã thành niên, thậm chí đã là ông, bà.
Có thể nói, ly hôn là sự lựa chọn của hai người, nhưng hệ quả của nó có tác động đến tâm sinh lý của những đứa trẻ; để lại gánh nặng cho xã hội nếu như con cái của họ bị bỏ rơi, không được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục chu đáo; chúng sẽ thiếu đi sự chăm sóc, tình cảm của người cha hoặc người mẹ, thậm chí cả hai. Từ đó, sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển nhân cách, dễ sa ngã vào những tệ nạn xã hội... Đây cũng là một trong những lý do mà trong những năm gần đây tình trạng tội phạm tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân từ đâu đến?
Qua nghiên cứu trực tiếp các hồ sơ án ly hôn thì thấy: Nguyên nhân phần lớn và sâu xa dẫn tới tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt với các cặp vợ chồng trẻ là do họ thiếu kỹ năng sống. Họ bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, họ quá đề cao cái tôi của bản thân, ít quan tâm đến bạn đời, khiến phần lớn các cặp vợ chồng trẻ nảy sinh mâu thuẫn ngay từ những tháng đầu, năm đầu của cuộc hôn nhân. Trong khi đó, nhận thức về cuộc sống gia đình, ý nghĩa của hôn nhân và tình yêu còn hời hợt đã khiến họ không đủ bản lĩnh và kỹ năng giải quyết, vượt qua các mâu thuẫn. Chiếm một phần trong số các cặp ly hôn là do họ kết hôn ngoài ý muốn khi những hiểu biết về kiến thức giới tính có phần hạn chế.
Nguyên nhân thứ hai là do kinh tế khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh con sớm khiến vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, không đồng thuận để xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái. Phần lớn trong các Quyết định công nhận thuận tình ly hôn thể hiện các cặp vợ chồng đến xin ly hôn không có tài sản chung.
Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như: Tư tưởng lạc hậu, người vợ không sinh được con trai nên người chồng ngoại tình hoặc ly hôn để lấy vợ mới với mục đích có con “nối dõi tông đường”; vấn đề về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; vợ chồng bất hòa, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do nhận thức về xã hội, pháp luật chưa đầy đủ, thậm chí nhiều trường hợp người chồng nghiện ngập ma túy, cờ bạc, rượu chè… dẫn đến người vợ không chịu được phải ly hôn. Nhiều vụ án được Tòa án đưa ra xét xử là do người chồng đang trong thời gian thụ án. Có những vụ ly hôn, người vợ là nguyên đơn nhưng phải viết đơn đề nghị Tòa bảo vệ mình khi tham dự phiên tòa vì thường xuyên bị người chồng đe dọa, đánh đập do thường xuyên dùng ma tuý “đá” (một loại ma túy tổng hợp); vấn đề bạo lực gia đình xảy ra cũng xuất phát phần lớn từ người chồng dùng ma túy tổng hợp bị ảo giác, về đánh dọa vợ con.
Một số giải pháp
Một là, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam theo chủ đề nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình trong giai đoạn 5 năm và từ nay đến năm 2020 dưới nhiều hình thức.
Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục trong gia đình cũng như Nhà trường và xã hội đối với giới trẻ, trong đó đặc biệt chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách để họ nâng cao nhận thức, hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình; tập huấn các kỹ năng theo từng giới (nam, nữ riêng), cùng với đó giúp họ chuẩn bị tốt về mọi mặt trước khi bước vào cuộc sống vợ chồng, nhất là các kỹ năng sống, cách ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, khả năng kìm chế cái tôi của bản thân để tránh được việc để xảy ra ly hôn ngay từ những năm đầu chung sống.
Ba là, đẩy mạnh vai trò của Hội liên hiệp phụ nữ trong công tác hòa giải ngay từ cơ sở, giải quyết những mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh, từ đó hạn chế việc gửi đơn ra Tòa để xin ly hôn.
Bốn là, cần đưa chỉ tiêu nâng cao việc hòa giải thành trong việc giải quyết án ly hôn của ngành Tòa án, để góp phần kìm chế tình trạng ly hôn gia tăng.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật Hôn nhân và gia đình hiện hành thông qua hệ thống truyền thanh tại tổ dân, khu phố để nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam bền vững...
Xem thêm>>>
Muốn giành lại quyền nuôi con sau ly hôn phải làm thế nào?
Tài sản được chia sau ly hôn, có phải nộp thuế thu nhập cá nhân?
Thủ tục yêu cầu cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn