Sẽ tăng mức xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực đất đai
Ngày đăng : 09:24, 13/04/2018
Ảnh minh họa (Nguồn:Internet) |
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi bổ sung xử phạt đối với trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng để thống nhất với hành vi vi phạm quy định tại Điều 64 của Luật Đất đai; xác định lại mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm theo quy mô diện tích đất bị vi phạm để bảo đảm công bằng, dễ áp dụng.
Cụ thể, hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng, mức xử phạt được đề xuất như sau: Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 1 ha; phạt tiền từ trên 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 1 ha đến dưới 3 ha; phạt tiền từ trên 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 3 ha trở lên.
Hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất mức xử phạt được đề xuất như sau: Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 1 ha; phạt tiền từ trên 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 1 ha đến dưới 3 ha; phạt tiền từ trên 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 3 ha trở lên.
Hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, mức xử phạt được đề xuất như sau: Phạt tiền từ 3 - 10 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 1 ha; phạt tiền từ trên 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 1 ha đến dưới 3 ha; phạt tiền từ trên 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 3 héc ta trở lên.
Hành vi lấn, chiếm đất ở, mức xử phạt được đề xuất như sau: Phạt tiền từ 5 - 20 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 1 ha; phạt tiền từ trên 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 1 ha đến dưới 3 ha; phạt tiền từ trên 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 3 ha trở lên.
Theo dự thảo, hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.
Cùng với đó, dự thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất quy định bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả trong các trường hợp khác nhau.
Những quy định trên nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi áp dụng Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 102/2014/NĐ-CP, thực tế cho thấy chế tài xử lý hành chính trong một số trường hợp còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
Xem toàn văn dự thảo tại đây.
Xem thêm bài viết >>>
Cục Kiểm tra văn bản đề nghị lùi thực hiện quy định về sổ đỏ
Đường dây nóng 24/7 tiếp nhận thông tin về ô nhiễm môi trường