Vũ khí sát thương thẩm lậu vào Việt Nam một cách công khai
Tôi ngược lên Lào Cai với mong muốn “mục sở thị” những gì mà cánh dân chơi vẫn thường rỉ tai nhau: Nơi này, tồn tại đâu đó một cung đường để tuồn những mặt hàng cấm từ bên kia biên giới vào trong nước tiêu thụ…
Những đường mòn, lối mở
Bình “nhẻm” – bạn tôi – sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, từng là công chức trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cho đến khi quyết định nhảy ra làm ngoài. Đón tiếp tôi bên bờ sông Nậm Thi trong tiết cuối năm rét mướt, khi nghe đề xuất của “khách phương xa”, Bình không quá ngạc nhiên, nói: “Nếu không buôn bán, phần đa những người lên đây đều sang Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) chơi hoặc săn “hàng lạ”. Khéo thì tự “lận” được hàng về, còn không thì nhờ dịch vụ…”.
Theo lời Bình, dù Lào Cai có tới 200km biên giới giáp Trung Quốc, nhưng trên thực tế, các hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra chủ yếu ở khu vực 2 bên “cánh gà” các cửa khẩu lớn như Lào Cai, Kim Thành (TP. Lào Cai) hoặc Bản Vược (H.Bát Xát)… Lý do được giải thích là bởi dù sẽ dễ bị phát hiện hơn nơi thâm sâu, nhưng thuận tiện giao thông, giảm được giá thành vận chuyển. “Ở khu vực này, vào mùa cạn, sông Hồng hẹp lại khá nhiều và đặc biệt là lòng sông Nậm Thi chỉ còn chưa đầy 3m, nước xâm xấp đầu gối, rất “lý tưởng” cho việc mang vác” – cậu bạn giải thích.
Sau khi thực hiện một vài cuộc điện thoại để nghe ngóng, Bình “nhẻm” quyết định, chúng tôi sẽ sang Hà Khẩu theo đường chính ngạch, qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, với lệ phí làm giấy thông hành 300.000 đồng/người. Bình cho biết, cánh buôn lậu hay chọn đi đò, giá khoảng 150.000 đồng/người, muốn mang gì cũng được. Rồi cậu bạn lái xe đưa tôi mục kích những bến đò chui nằm rải rác dọc sông Hồng hay sông Nậm Thi, loanh quanh khu vực cửa khẩu.
Tại một bến đò có tên Gốc Nhót, đường xuống bến thậm chí đã được tạo thành bậc và kè đá chắc chắn, một lán dã chiến được dựng lên ven sông, người đứng ngồi lổn nhổn, một vài bọc hàng hóa đã được nai nịt kỹ, chỉ chờ đò tới là xuất phát sang bên kia bên giới. Bình “nhẻm” có vẻ đã quá quen cảnh tượng này, cậu húng hắng ra chiều dò hỏi. Lập tức một người nhận là chủ hàng xuất hiện, cười giả lả: “Có tí đồ mỹ nghệ, mà cửa chính kiên quyết không cho đi, kêu là hàng quý hiếm, nên đi đường này”.
Còn tại một bến tự phát khác cũng trên sông Hồng, 3-4 chiếc đò loại nhỏ màu đỏ sậm, gắn động cơ đã chờ sẵn ở mép nước. Thấy sự xuất hiện của chúng tôi, một toán người xúm xít chạy lại, tư vấn: “Nếu xác định đi dài ngày thì sang, còn không thì nên làm giấy thông hành”. Khi tôi đặt vấn đề vẫn muốn sang, một người phụ nữ trạc 40 tuổi, nói: “500.000 đồng/người. Chờ xẩm tối thì xuất phát”.
Trên đường ra cửa khẩu, Bình “nhẻm”, với vốn hiểu biết, nói rằng những chuyến đò như vậy chủ yếu phục vụ các đối tượng buôn người hoặc mang theo hàng lậu, hàng cấm hay những thứ “bẩn thỉu” khác. Việc qua lại nhộn nhịp nhất là vào ban đêm, khoảng 2h sáng trở ra, bởi khi ấy lực lượng biên phòng đổi ca, chợ đầu mối Trung Quốc chuẩn bị họp, “lộm nhộm” nên dễ qua lại. Chỉ cần hàng sang đến bến Việt Nam, là có cả một đội ngũ phu phen chờ sẵn chất lên ôtô, cứ đầy xe là lại xuôi về mạn trung tâm thành phố.
Bà Trịnh Ngọc Ánh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lào Cai xác nhận, dù đã giảm, nhưng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực chợ Cốc Lếu vẫn còn tình trạng các chủ hàng vì hám lợi mà bán các loại vũ khí sát thương cho người có nhu cầu. “Bày bán công khai thì không bao giờ có, nhưng nếu hỏi thì một số chủ hàng vẫn bán. Và họ cũng không bao giờ giao hàng tại chợ mà có thể giao hàng ở chỗ khác, ví dụ như khách đang nghỉ ở khách sạn nào thì người ta mang đến tận nơi. Phần lớn số vũ khí sát thương được “tuồn” vào trong nước là thông qua phương pháp “xách tay” bởi lực lượng cư dân biên giới” – bà Ánh nói thêm.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, trong năm 2016, đơn vị này đã phát hiện và thu giữ ít nhất 3 vụ tuồn lậu vào Việt Nam số lượng lớn “súng đồ chơi” xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó: Ngày 25.1 là 910 khẩu, ngày 22.2 là 50 khẩu và ngày 21.7 là 250 khẩu. Điều đáng nói, cả 3 lô hàng trên đều được cho là không xác định được chủ sở hữu nên đã bị tiêu hủy theo luật định.
“Thẩm lậu”
Cửa khẩu Lào Cai có 3 cửa chính dành cho khách đi bộ, cho ôtô và xe thồ. Cửa dành cho người đi bộ kiểm tra kỹ lưỡng hơn cả. 2 cửa còn lại chủ yếu kiểm tra bằng cảm quan. Từ cửa khẩu này, muốn sang Hà Khẩu phải đi qua một cây cầu ngắn bắc ngang sông Nậm Thi. Sự nhốn nháo có lẽ là thứ đặc trưng nhất tại đây, với những chuyến xe thồ cồng kềnh lũ lượt từ phía Trung Quốc về. Sau khi qua biên giới, những chiếc xe đạp đã được chế lại cho phù hợp với việc vận chuyển, lại lũ lượt kéo sang nước bạn chờ “ăn” những đợt hàng mới. Bình “nhẻm” sành sỏi lý giải: “Nói đúng ra nó là thẩm lậu một cách công khai, lợi dụng chính sách ưu đãi cư dân biên giới mỗi người được mua miễn thuế không quá 2 triệu đồng tiền hàng/ngày. Các chủ buôn đã gom chứng minh thư rồi thuê cư dân địa phương xé nhỏ hàng để vận chuyển, mỗi chuyến trả tiền công từ 30.000 đến 50.000 đồng. Sau đó, hàng sẽ được các chủ buôn lậu tập kết ở nội địa và vận chuyển về xuôi tiêu thụ”.
Phía chợ Hà Khẩu, cuối năm hàng hóa bày bán nhiều, nhưng không quá đông đúc. Chợ Việt Nam ở đây là một khu nhà 3 tầng, rộng hàng nghìn mét vuông. Mỗi gian hàng khoảng chừng 9 – 10m², sản phẩm bày bán thì đầy đủ chủng loại. Do vắng vẻ, nên các quầy bán đồ kích dục, vũ khí vốn từng được xem là sôi động nhất, cũng lâm cảnh chợ chiều. Vì thế nhác thấy chúng tôi, lập tức những tiếng mời chào vồn vã cất lên. Một người bán hàng nói tiếng Việt nhanh nhảu ra giá khẩu K54 bao công vận chuyển về trong nước. “Anh xem hàng ưng thì đặt cọc một ít, sau đó cho địa chỉ bên Việt Nam, chiều sẽ có người chủ động liên lạc giao hàng”.
Khi nghe chê đắt, anh ta lôi ra một khẩu giống K54 nhưng bắn đạn bi bằng hơi nén, có vẻ là loại M1911 mà tôi đã từng tận thấy tại Hà Nội, ra mức giá thấp hơn khá nhiều giá ở Hà Nội. Người này thầm thì: “Tầm 5-6 mét, bắn ai là “thủng lỗ” luôn”. Ngoài các loại súng ống, gian hàng cũng quảng cáo là có đủ các mặt hàng “nóng”, “lạnh” khác như đao kiếm, roi điện, dùi cui điện…
Từ chợ Hà Khẩu, chúng tôi lên xe bus để đến một khu chợ của người Việt được gọi là chợ Việt Nam mới, cách chừng 3 km. Tại đây, việc buôn bán các mặt hàng cấm, hàng người lớn cũng diễn tương đối công khai. Để thuận tiện, các chủ hàng thậm chí còn in sẵn cả ca-ta-lô các mặt hàng có thể đáp ứng cho khách lựa chọn. Tôi chỉ tay vào mẫu súng giống K54, chủ hàng chạy vào kho đưa ra 2 màu để lựa chọn, ra giá mua tại quầy và giá bao vận chuyển. Để tăng thêm độ “choáng ngợp” cho khách, người bán còn đổ ra sàn cả đống đao, kiếm, giáo, mác… trông tinh xảo và đều sắc lẹm…
Ở một gian hàng khác, người bán lưu các mẫu vũ khí trong điện thoại. Khách có nhu cầu, anh ta bật máy lên đồng thời nói rõ ưu nhược của từng loại. Trong thời gian chúng tôi xem xét, anh ta không ngừng quảng cáo về một chiếc dùi cui điện có bề ngoài giống hệt chiếc đèn pin, nhưng kích hoạt lên có thể phóng ra các tia điện xanh lét và tiếng nổ lách tách… Khi tôi đặt câu hỏi mang về kiểu gì, chủ hàng đáp: “Cứ để vào balo đeo lên vai và về nước tầm chiều tà, đảm bảo sẽ không ai kiểm tra vì lúc này người buôn bán về nước rất nhiều. Còn nếu sợ thì bọn này thuê đò mang về, rất dễ”.
Do việc mua hàng cấm tại Trung Quốc và vận chuyển về Việt Nam xem chừng khá đơn giản, do đó, tôi không quá ngạc nhiên khi Bình “nhẻm” nói rằng, ngay tại chợ đầu mối Cốc Lếu (TP. Lào Cai), cũng có thể dễ dàng tìm mua các loại hàng này. Lang thang trong khu vực bán hàng lưu niệm khu A, tôi nhận được cái nháy mắt đầy ngụ ý kèm lời mời của một phụ nữ chừng 40 tuổi: “Mua gì chơi không em?”. Tôi ậm ờ nói, rằng cần cái gì bắn được. Chỉ chờ có thế, người phụ nữ lập tức mở điện thoại, lướt lướt những tấm hình về các loại vũ khí chị ta có thể đáp ứng. Tôi hỏi: “Mang về Hà Nội kiểu gì, nhỡ bị bắt thì sao?”, thì chị đáp: “Nếu thích có người giao hàng tận nhà”. Bình “nhẻm” khẳng định, chuyện đưa các lô hàng vũ khí về Việt Nam được tổ chức như một đường dây, quy mô lớn nhỏ đều có cả. Mỗi nơi mỗi giá, tuỳ vào từng khách để chủ hàng ra giá.
Ngay trong lúc PV Báo Lao Động thực hiện loạt phóng sự này, thì khoảng 16h ngày 4.1, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) và Đội Quản lý thị trường số 11 đã phát hiện 3 thùng hàng với 108 khẩu súng đồ chơi bằng kim loại nhãn hiệu Airsoft gun bắn đạn bi, có ghi xuất xứ từ Trung Quốc tại một Cty chuyển phát nhanh. Đại diện công ty chuyển phát nhanh này không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan. Số hàng này đều là hàng ký gửi, được chuyển từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhưng chưa có người đến nhận.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại tá Vũ Minh Phương – Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết: Loại súng đồ chơi này vì tính sát thương cao nên từ lâu bị liệt danh mục mặt hàng cấm nhập khẩu, sản xuất, mua bán, lưu hành, sử dụng. Hiện, cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.
Theo Lao động điện tử
-
1VKSND TP Hà Tĩnh phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
-
2VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
3Quảng Nam: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai
-
4VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
5VKSND quận Liên Chiểu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án ma túy
-
6VKSND huyện Vân Canh ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn
-
7VKSND TP. Hải Dương kiểm sát việc tiêu hủy pháo nổ trong vụ án hình sự
-
8Những trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
-
9VKSND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hội An về vấn đề liên quan đến người nước ngoài thuê xe tự lái vi phạm pháp luật Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.