VKSND tỉnh Vĩnh Phúc: Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên

28/09/2018 08:43

(kiemsat.vn)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa có đức, vừa có tài. Theo Người: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ

Bác khẳng định đạo đức của người cách mạng cần thiết như nguồn của sông, gốc của cây. Muốn lãnh đạo được nhân dân thì bên cạnh tài trí, người cách mạng phải có đạo đức.

Theo Bác, đạo đức chính là “gốc” của người cán bộ cách mạng. Nếu gốc ấy vững, thì người cán bộ dễ dàng phát huy tài trí, tự làm sáng đẹp bản thân và trở thành người có ích. Nếu gốc ấy không vững, thì người cán bộ dễ dàng ngả nghiêng, sa ngã, “lòng dạ không còn trong sáng nữa”, và khi đó, họ sẽ tự làm xấu chính mình và làm hại đến công việc chung của Đảng, Nhà nước.

Suốt cả cuộc đời mình, Người đã rất nhiều lần căn dặn, nhắc nhở chúng ta những điều thiết tha, tâm huyết: cán bộ và đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân; phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.

Một buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ phòng 9, 10, 11.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những phẩm chất đạo đức mà cán bộ, công chức cần phải có, bao gồm:

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bác nhấn mạnh: “Trời có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Đất có bốn phương: Đông, tây, nam, bắc. Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Đối với người cán bộ, nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì chẳng những không thực hiện được vai trò, trách nhiệm của mình mà còn làm hại đến nhân dân.

Tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Bác chỉ rõ: Bất cứ công việc nào được tổ chức giao cho người cán bộ cũng là cần thiết đối với cách mạng. Vì vậy, “khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”.

Chấp hành nghiêm kỷ luật và có tinh thần sáng tạo trong thực hiện công vụ. Theo Người, kỷ luật là sức mạnh của tổ chức. Vì vậy, mỗi cán bộ, nhân viên khi thực hiện công vụ cần phải gương mẫu về đạo đức, tự giác tuân thủ kỷ luật của cơ quan, giữ vững nền nếp công tác. Tuân thủ tốt kỷ luật sẽ tránh được những cám dỗ, bệnh quan liêu, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân.

Làm người cán bộ, đảng viên phải có tinh thần ham học hỏi, phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái, nghiên cứu sáng tạo trong công việc. Cán bộ phụ trách phải theo đường lối chung nhưng đồng thời phải suy nghĩ tìm tòi, có những sáng kiến riêng của mình theo tinh thần “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, như thế công việc mới linh hoạt, thông suốt, sức mạnh của tổ chức mới được nâng lên.

Có ý chí rèn luyện, cầu tiến bộ, luôn phấn đấu trong công việc, không ngại khó khăn gian khổ. Bác Hồ của chúng ta là tấm gương tiêu biểu nhất cho tinh thần tự rèn luyện, học tập không ngừng của người cán bộ cách mạng. Càng khó khăn, thử thách bao nhiêu thì người cán bộ càng phải nêu cao ý chí tự rèn luyện, vượt khó bấy nhiêu.

Bác chỉ rõ “xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng ngày càng tiến... Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái”. “Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ”.

Có tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong thực hiện công việc. Người dạy, mọi người cần đoàn kết thân mật, hợp tác chặt chẽ như tay với chân thì công việc mới hoàn thành được. Thực hiện tinh thần thân ái, hợp tác theo Bác không phải là bao che khuyết điểm cho đồng chí, đồng nghiệp mà để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và đấu tranh, ngăn chặn những hành vi sai trái trong thi hành công vụ và trong cuộc sống.

Giải pháp nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, kiểm sát viên ngành Kiểm sát Vĩnh Phúc

Ngành Kiểm sát nhân dân với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, mọi tội phạm xảy ra phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời, có căn cứ, đúng pháp luật. Từ tính chất đặc thù của hoạt động tư pháp luôn đòi hỏi cán bộ Kiểm sát phải nêu cao đạo đức công vụ, có bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để không bỏ lọt tội phạm và không làm oan cho người vô tội. Bởi mỗi một vụ việc oan, sai đều để lại hậu quả và những tác động tiêu cực đối với xã hội. Những vụ án oan gây chấn động dư luận trong thời gian qua, điển hình là vụ Nguyễn Thanh Chấn, vụ Hàn Đức Long… là những minh chứng rõ ràng và sinh động nhất về hậu quả của những việc làm oan sai trong hoạt động tư pháp.

 

VKSND tối cao họp báo công bố quyết định kháng nghị tái thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn và TAND cấp cao tại Hà Nội xin lỗi công khai việc xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. (Ảnh minh họa cho bài viết)

Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Ban cán sự, Đảng ủy VKSND tỉnh và Chi ủy các Chi bộ trực thuộc luôn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trong ngành; không ngừng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, đặc biệt là Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử hàng nghìn vụ án hình sự bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật; đã kiểm sát việc giải quyết hàng chục nghìn vụ việc dân sự, hành chính, ban hành hàng trăm văn bản kiến nghị, kháng nghị bảo đảm cho việc giải quyết của các cơ quan tư pháp có căn cứ, đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong các quan hệ dân sự, hành chính, từng bước tạo được niềm tin của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung, của ngành Kiểm sát nói riêng.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành thì việc rèn luyện nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là việc làm hết sức ý nghĩa và cần thiết, đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên và liên tục, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Với cá nhân tôi, là Đảng ủy viên, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng phòng nghiệp vụ, trong những năm qua đã không ngừng phấn đấu, học tập và rèn luyện theo tư tưởng đạo đức của Bác gắn với việc tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng và lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất, lãnh đạo chi bộ và phòng nghiệp vụ được giao phụ trách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Trong công tác xây dựng đảng, do đặc thù là chi bộ ghép của ba phòng nghiệp vụ, gồm: Phòng kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự (Phòng 9), Phòng kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính (Phòng 10) và Phòng kiểm sát thi hành án dân sự (Phòng 11). Mỗi phòng nghiệp vụ có tính đặc thù riêng nên để duy trì thời gian và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tôi đã cùng đồng chí Bí thư chi bộ sâu sát nắm bắt công việc của từng phòng nghiệp vụ để bố trí thời gian sinh hoạt phù hợp, bảo đảm số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt từ 95% trở lên; phối với chặt chẽ với lãnh đạo các phòng nghiệp vụ nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc và yêu cầu công tác chỉ đạo trong thời gian tiếp theo đưa vào nội dung sinh hoạt thường kỳ để chi bộ thảo luận, ra nghị quyết về việc lãnh đạo công tác chuyên môn sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng phòng nghiệp vụ.

Đặc biệt, trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ có công tác kiểm sát giải quyết án hành chính do tôi trực tiếp phụ trách là loại án người dân khởi kiện cơ quan hành chính và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính, nhiều phiên đối thoại, phiên tòa có sự tham gia trực tiếp của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện nên đòi hỏi phải thận trọng trong xử lý các tình huống phát sinh, đồng thời phải luôn khách quan, công bằng, bảo đảm tính có căn cứ trong giải quyết vụ kiện, không vì bên bị kiện là cơ quan nhà nước mà giải quyết thiên vị cho họ.

Với trách nhiệm và cương vị công tác của bản thân ở chi bộ cũng như phòng nghiệp vụ được giao phụ trách, tôi luôn sâu sát với công việc, chỉ đạo cán bộ, đảng viên trong đơn vị nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, các văn bản liên quan, làm rõ nguyên nhân phát sinh vụ kiện để đề xuất quan điểm giải quyết có căn cứ, đúng pháp luật. Những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng để VKSND tỉnh nhiều năm liên tục được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc; Đảng bộ VKSND tỉnh được Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ năm 2016 cho VKSND tỉnh Vĩnh Phúc

Phát huy truyền thống của Ngành qua chặng đường 58 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là những thành tích xuất sắc đã đạt được từ khi tái lập tỉnh đến nay, trong thời gian tới, cán bộ, kiểm sát viên ngành Kiểm sát Vĩnh Phúc nguyện quyết tâm phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn những phẩm chất đạo đức công vụ của người cán bộ, đảng viên theo tư tưởng đạo đức của Bác, coi đây là giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của toàn ngành. Cụ thể:

Nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt cuộc vận động của ngành về xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nhiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với việc thực hiện lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận tụy và tận lực với công việc được giao. Không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất, hợp tác trong tập thể cơ quan, đơn vị; có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, dìu dắt, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nêu gương bản thân về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thượng tôn pháp luật; thể hiện tính chuẩn mực, nghiêm minh, công bằng của pháp luật trong công tác cũng như trong sinh hoạt thường ngày.

Vinh dự và tự hào là một Kiểm sát viên của ngành Kiểm sát nhân dân, tôi càng ý thức sâu sắc và luôn tự nhủ bản thân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và học tập, phấn đấu vượt mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực trao đổi với đồng chí, đồng nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ cũng như về đạo đức công vụ theo tư tưởng của Bác để mọi người cùng hiểu, học tập và làm theo Bác, qua đó góp sức cùng tập thể đơn vị thực hiện ngày càng tốt hơn những lời dạy của Người./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang