VKSND quận Thanh Khê, Đà Nẵng xây dựng phong cách, tác phong người đứng đầu

02/11/2018 09:48

(kiemsat.vn)
Đồng chí Viện trưởng đã phân công nhiệm vụ công tác cụ thể theo sở trường, thế mạnh trên cơ sở đánh giá năng lực công tác của từng người, sau đó kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả công việc để khen thưởng hoặc phê bình, kiểm điểm nghiêm minh.

Bác Hồ đã từng nói:"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Trước những yêu cầu của tình hình mới, việc xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nói chung và của ngành KSND nói riêng nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, luôn xứng đáng là “hiện thân của trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc”.

Theo Bác, cán bộ lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu, là người có trọng trách trong một tập thể, vừa phải thực hành dân chủ, lắng nghe ý kiến của tập thể, đồng thời, phải quyết đoán, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và dám ra quyết định, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây cũng chính là việc thực hiện nghiêm nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.

Ảnh minh họa

Người đứng đầu phải có phong cách lãnh đạo sâu sát. Qua đó, sẽ nâng cao được tính khách quan, minh bạch, tăng cường được công tác kiểm tra, giám sát, từ  đó kiểm soát  tốt  hơn  đối  với  việc  thực  thi quyền lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân, góp phần phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Là người lãnh đạo giỏi thì phải khéo dùng người và trọng dụng nhân tài. Người xác định, việc dùng người phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Dùng người mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng.

Một yêu cầu quan trọng trong phong cách của người đứng đầu, người lãnh đạo là phải có sự thống nhất giữa tính đảng, tính nguyên tắc cao với tính năng động, sáng tạo, sự nhạy cảm với cái mới. Trong đó, nhiệt tình cách mạng là yếu tố cơ bản trong phẩm chất của người cán bộ đứng đầu, người lãnh đạo. Tuy nhiên, nhiệt tình cách mạng chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi nó được thống nhất với các tri thức khoa học và trên cơ sở khoa học. Cán bộ  lãnh đạo, người đứng đầu phải nắm chắc lý luận, có năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành cần tăng cường giáo dục, rèn luyện xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo theo tấm gương Bác Hồ. Đặc biệt phải giữ vững các nguyên tắc “xương sống” của Đảng là nguyên tắc “tập trung dân chủ” và “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo. Mỗi đơn vị cần sớm xây dựng các quy định về đạo đức công vụ,  phong  cách  làm  việc, phong cách lãnh đạo, kèm theo các yêu cầu bắt buộc, cùng chế tài cụ thể để xử lý sai phạm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng đối với việc xây dựng, thực hiện phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, phong cách lãnh đạo của người đứng đầu các cấp.

Chi bộ VKSND quận Thanh Khê, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn chặt với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; Quy định về những điều đảng viên không được làm và Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 06/11/2013 của Thành ủy Đà Nẵng về “5 xây, 3 chống”. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên trong Chi bộluôn ghi nhớ 10 chữ vàng mà Bác đã dành cho cán bộ ngành Kiểm sát đó là: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lời dạy của Bác Hồ là "kim chỉ nam", là mục đích mà người cán bộ kiểm sát phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu trong suốt cuộc đời.

Nhận thức được vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình, lãnh đạo đơn vị luôn gương mẫu trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan; xác định rõ mục tiêu công tác, lộ trình, bước đi thông qua việc xây dựng kế hoạch công tác hàng năm trên cơ sở bám sát Chỉ thị công tác của ngành.

Đồng chí Viện trưởng đã phân công nhiệm vụ công tác cụ thể theo sở trường, thế mạnh trên cơ sở đánh giá năng lực công tác của từng người, sau đó kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả để khen thưởng hoặc phê bình, kiểm điểm nghiêm minh.

Lãnh đạo đơn vị luôn sâu sát, linh hoạt trong quá trình điều hành, thường xuyên nắm bắt khối lượng, mức độ phức tạp và yêu cầu của công việc để đôn đốc cán bộ, công chức trong đơn vị thực hiện. Phát huy trí tuệ tập thể trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp, vướng mắc hoặc còn có nhiều ý kiến khác nhau trong vụ án, qua đó giúp Kiểm sát viên được phân công làm tốt công tác thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Lãnh đạo đơn vị luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Mỗi cán bộ đều không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và trước các yêu cầu của cải cách tư pháp. 

Để góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ đảng viên, Chi bộ VKSND quận Thanh Khê đã thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, tăng cường quán triệt, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên hằng năm.

Hai là, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng, Quy định 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt gắn chặt với đẩy mạnh việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác quản lý đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ của cán bô, Kiểm sát viên, kịp thời phát hiện, phê bình, uốn nắn sai phạm, khuyết điểm, xử lý nghiêm các cá nhân và đảng viên vi phạm.

Ba là, giữ vững nguyên tắc “tập trung, dân chủ” và “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về đạo đức công vụ, lề lối làm việc gắn với quy định về những điều đảng viên không được làm.

Trải qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, học tập Bác từ những điều bình dị nhất, VKSND quận Thanh Khê đã trưởng thành từ các đồng chí lãnh đạo đến mỗi Kiểm sát viên luôn ý thức được vai trò, nhiệm vụ của người cán bộ kiểm sát, thế hệ sau bước tiếp thế hệ trước luôn ghi nhớ lời Bác dạy “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, xây dựng tập thể VKSND quận Thanh Khê đoàn kết, vững mạnh.

Xem thêm>>>

VKSND huyện Cưmgar, Đắk Lắk vận dụng sự chỉ đạo của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ ngành Kiểm sát

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang