Thẩm quyền của Chủ tịch UBND hành chính đặc khu: Còn nhiều ý kiến trái chiều

23/05/2018 14:01

(kiemsat.vn)
Sáng 23/5, Quốc hội dành cả chương trình làm việc để đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Điểm đáng lưu ý trong Dự án Luật này là Chủ tịch UBND hành chính đặc khu có thẩm quyền lớn trong tất cả các lĩnh vực quản lý.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Ảnh: Quốc hội 

Theo Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có quy định thẩm quyền của Chủ tịch UBND hành chính đặc khu có thẩm quyền tương đương nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh. Tuy nhiên, chi tiết các điểm, khoản, Điều 69 dự thảo Luật lại cho Chủ tịch UBND hành chính đặc khu có thẩm quyền lớn trong lĩnh vực tổ chức, bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật và xây dựng chính quyền như ban hành văn bản quy phạm pháp luật bằng hình thức quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền; đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thuộc bộ máy giúp việc của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đặc khu và Trưởng Khu hành chính; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập của đặc khu; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của đặc khu.

Trong lĩnh vực kinh tế, Chủ tịch UBND hành chính đặc khu có tới 11 thẩm quyền trong đó có những thẩm quyền rất lớn, chưa từng có tiền lệ như Quyết định đầu tư dự án đầu tư công nhóm A, nhóm B đã được Hội đồng nhân dân đặc khu quyết định chủ trương đầu tư; quyết định đầu tư dự án đầu tư công nhóm C đã được Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định chủ trương đầu tư; hay như thẩm quyền quyết định từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, ký kết đến khâu cuối là thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại đặc khu đối với dự án mà theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ dự án quan trọng quốc gia và dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ... 

Trong các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền, Chủ tịch UBND hành chính đặc khu cũng có những quyền hạn lớn như quyết định lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư, dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị trên địa bàn đặc khu, trừ trường hợp lựa chọn chủ đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá dự án có sử dụng đất; có thẩm quyền cho thuê đất lên đến 70 năm; ban hành bảng giá và hệ số điều chỉnh giá đất tại đặc khu… 

Về vấn đề này, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Đại biểu Nguyễn Thị Lưu Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội của Hà Nội lo lắng về nguồn lực tài chính thực hiện lên tới 1 triệu 500 ngàn tỷ nên cần có 1 phương án tài chính hợp lý, Nhà nước bỏ ra bao nhiêu, nhà đầu tư bao nhiêu, địa phương bao nhiêu? Với các dự án đầu tư công nhưng theo Dự án, một cá nhân có quyền quyết định tất cả như vậy, liệu sẽ xảy ra thất thoát cho đầu tư công. Đại biểu Lưu Mai cũng băn khoăn về việc lựa chọn nhà thầu, Chủ tịch có toàn quyền từ lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư, nên chăng cần giữ vững những nguyên tắc cơ bản của Luật đấu thầu tại đặc khu? 

Đại biểu Võ Đình Tín, đoàn đại biểu Đắk Nông. Ảnh Quốc hội 

Đại biểu Võ Đình Tín, đoàn đại biểu Đắk Nông thì băn khoăn về việc trao cho Chủ tịch UBND đặc khu quyết định một số điều thuộc thẩm quyền của tập thể như ban hành văn bản quy phạm pháp luật, như vậy là xung đột với Luật ban hành văn bản 2015.

Theo ý kiến đại biểu Nguyễn Văn Thân đoàn đại biểu Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lại cho rằng sự phân quyền lớn như vậy cho Chủ tịch UBND hành chính đặc khu là cần thiết. Ông cho biết, nếu chúng ta cứ băn khoăn, không mạnh dạn giao quyền cho Chủ tịch như vậy thì lại quay về vòng luẩn quẩn của một Chủ tịch UBND cấp huyện và không thể biến thành một đặc khu hành chính đúng nghĩa. Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, 3 vị trí quan trọng này tại 3 đặc khu, Chính phủ sẽ có những nhân sự phù hợp, đủ tiêu chuẩn để lãnh đạo. 

Đại biểu Nguyễn Văn Thân đoàn đại biểu Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Trên cơ sở các ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã lý giải cụ thể: Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại đặc khu, được phân quyền mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế với nhiều thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt, đồng thời phát huy quyền tự chủ và làm rõ trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND đặc khu. Uỷ ban thường vụ Quốc cũng đề nghị việc phân quyền mạnh này phải bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng và phù hợp với quy định của Hiến pháp; bảo đảm tinh gọn đầu mối, phân cấp, phân quyền mạnh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của chính quyền đặc khu, đáp ứng yêu cầu xây dựng thể chế hành chính thuận lợi, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa sự lạm quyền./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang