Màu áo thiên thanh giữa màu xanh biên giới

28/04/2018 17:00

(kiemsat.vn)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực phấn đấu của đồng bào các dân tộc, mọi mặt đời sống của nhân dân hai xã Thanh Bình (huyện Mường Khương) và Liêm Phú (huyện Văn Bàn) đang ngày càng đổi mới. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở đây, không thể không nhắc tới sự hỗ trợ hết sức hiệu quả của những người cán bộ VKSND tỉnh Lào Cai.

Màu xanh Kiểm sát hoà cùng nhân dân

Đồng chí Dương Hùng Yên, Viện trưởng VKSND tỉnh Lào Cai Chia sẻ với chúng tôi, trong Giai đoạn 1 (2011 – 2015) của phong trào thi đua chung tay xây dựng Nông thôn mới, VKSND tỉnh được Ban chỉ đạo của Tỉnh phân công giúp 2 xã Thanh Bình (huyện Mường Khương) và Liêm Phú (huyện Văn Bàn) xây dựng nông thôn mới. Xác định đây là một nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng, tập thể Lãnh đạo VKSND tỉnh Lào Cai đã lên kế hoạch hoạt động cho từng năm và cho từng hoạt động cụ thể. Đồng chí Viện trưởng trực tiếp phụ trách xã Thanh Bình; đồng chí Nguyễn Trung Thao, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh phụ trách xã Liêm Phú. Viện kiểm sát tỉnh đã thành lập tổ giúp việc gồm 7 đồng chí trong đó có 2 đồng chí là Viện trưởng VKSND huyện Mường Khương và huyện Văn Bàn, tổ trưởng là một cán bộ nhiều kinh nghiệm xây dựng Nông thôn mới – đồng chí Giàng Seo Thống, nguyên Viện trưởng VKSND huyện SaPa.

tieu_hoc_thanh_binh_2

Trường tiểu học Thanh Bình 2 được xây nên có sự góp sức rất lớn của Viện kiểm sát

Hai đồng chí Lãnh đạo Viện trực tiếp về hai xã nắm tình hình, lên kế hoạch giúp đỡ hai xã một cách chi tiết. Thanh Bình lúc đó mới trồng chè được vài năm, chưa thực sự mạnh về tài chính, yếu về đường giao thông, Viện kiểm sát đã huy động cán bộ đóng góp mua 2 máy trộn bê tông, dân đóng góp thêm mỗi khẩu 180,000 đồng mua vật liệu, các cán bộ Kiểm sát về cùng dân làm từng mét đường qua núi cao. Nước không có, cán bộ Kiểm sát cùng nhân dân lấy xe máy chở từng can nước lên đỉnh núi trộn bê tông làm đường.

dong_chi_duong_viet_dung_muong_khuong

Đồng chí Dương Việt Dũng, Phó Viện trưởng VKSND Mường Khương tuyên truyền pháp luật tại hộ ông Lù Văn Vinh, thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình

Công ty Đông Hải là Công ty thi công tuyến đường liên xã có máy móc, thiết bị, đồng chí Viện trưởng VKSND huyện Mường Khương trực tiếp đến liên hệ, đề nghị hỗ trợ 5 ngày công, máy móc san gạt một quả đồi để xây lên Trường tiểu học Thanh Bình 2 khang trang, sạch đẹp. Ở Liêm Phú, cán bộ Kiểm sát cùng dân vào rừng giúp trồng cây công nghiệp, làm hệ thống thuỷ lợi cùng dân.

mau_xanh_kiem_sat_voi_nhan_dan

Màu xanh Kiểm sát hòa cùng màu áo các dân tộc anh em xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn

Kết thúc Giai đoạn 1 (2011 – 2015) của phong trào thi đua chung tay xây dựng Nông thôn mới, trung bình mỗi năm 2 xã đều đạt tốc độ tăng 2 tiêu chí/năm và hiện tại có ít nhất 3 tiêu chí tiệm cận mức đạt. Thanh Bình đã cam kết đạt đủ 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới ngay trong năm 2018, Liêm Phú sẽ hoàn thành năm 2020. Hai xã cách nhau gần 150km nhưng dưới sự hỗ trợ của những người Kiểm sát đã kết nghĩa, thường xuyên qua lại tham quan, học tập mô hình sản xuất của nhau. Thanh Bình học Liêm Phú làm thuỷ điện nhỏ, làm ao cá, Liêm Phú học Thanh Bình trồng cây công nghiệp, cánh đồng một giống.

thuy_dien_nho_liemphu_van_ban

Một nhà máy thuỷ điện công suất 5,6 Mw như này mang lại cho Văn Bàn 30 tỷ đồng/ năm

5 năm chưa phải đã dài nhưng có thể nói, vai trò của những người Kiểm sát trong phong trào thi đua chung tay xây dựng Nông thôn mới là hết sức rõ nét, thực chất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực phấn đấu hết mình của đồng bào các dân tộc huyện Mường Khương, Văn Bàn, sự hỗ trợ của những người Kiểm sát, mọi mặt đời sống của nhân dân hai xã Thanh Bình và Liêm Phú đang ngày càng đổi mới. Nhìn những ngọn núi Sín Páo Chải xanh mướt màu chè phía xa, chúng tôi tin rằng những người Kiểm sát sẽ không những thành công trong lĩnh vực công tác của mình mà còn có thể giúp nhân dân địa phương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Toàn huyện Mường Khương có diện tích hơn 55 nghìn ha nhưng diện tích đất nông nghiệp chỉ chưa tới 10 nghìn ha, còn lại là đồi núi, đất không thể khai thác. Có 16 xã nhưng có tới 13 xã (trong đó có xã Thanh Bình) nằm trong diện đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 giai đoạn 2 của Chính phủ. Trước đây, huyện phải thường xuyên tổ chức phát gạo cứu đói cho nhân dân xã lúc giáp hạt.Toàn huyện Văn Bàn rộng 1422 km², gồm 23 xã thì có 19 xã (trong đó có xã Liêm Phú) nằm trong diện đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 giai đoạn 2 của Chính phủ. Có tới 90% diện tích là đồi núi cao (độ cao từ 700 – 1500m, độ dốc trung bình từ 25 – 35 độ, có nơi trên 50 độ), còn lại 10% là địa hình thung lũng bồn địa ở độ cao từ 400 – 700m. Dân số toàn huyện khoảng 85,000 dân với 11 dân tộc anh em trong đó dân tộc Tày khoảng 64% dân số. Mật độ dân cư trung bình khỏang 60 người/km2

Những triệu phú 9X làm giàu trên quê hương Lào Cai

10 năm trước đây, người Dao ở Sín Páo Chải, xã Thanh Bình huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai chỉ biết trồng cây ngô, lúa, sắn. Cuộc sống bữa đói, bữa no, cái nghèo quẩn quanh khiến cuộc sống bế tắc. Thanh niên chỉ biết đi săn con dúi, con hoẵng, uống rượu cho qua ngày. Nhưng rồi tất cả đã thay đổi khi Đảng và Nhà nước đầu tư cho người dân trồng chè. Đất Sín Páo Chải trồng cây ngô, cây ngô chậm lớn, trồng cây lúa cây lúa còi cọc nhưng trồng cây chè, nó lớn nhanh như thổi.

nui_sin_pao_chai_xanh_mau_xanh

Những ngọn núi ở Sín Páo Chải mênh mông màu xanh mượt mà của chè

Chúng tôi đứng trên sườn núi Sín Páo Chải gió lồng lộng, bao quanh chúng tôi là những nương chè bát ngát. Những thân chè vâm váp, những lá chè căng tròn sức sống, một màu xanh miên man trải dài đến ngút tầm mắt. Nhà nào ít cũng có dăm ba ha chè, nhà nhiều, đông người làm thì có cả chục ha. Người ta tranh thủ bất kỳ lúc nào có thể, thậm chí đốt đèn phát hoang, đào đá núi lổn nhổn để lấy thêm đất trồng chè. Chợ trung tâm xã Thanh Bình mới 9 giờ đã vắng hoe. Người ta đi chợ sớm, không ai rượu chè như xưa mà chỉ mua thực phẩm rồi nhanh chóng trở về đi hái chè. Cả bản vắng lặng tiếng người, chỉ có tiếng gà vịt kêu, nhà nhà đóng cửa. Người dân lúc nào cũng lên núi chăm sóc chè, hái chè, trẻ con đi học cả.

trieu_phu_9x_ly_quang_vinh

Triệu phú 9X Lý Quang Vinh tự hào giới thiệu với khách về cây chè quê hương

Hái chè không khó, già, trẻ trai, gái, ai cũng đều có thể hái chè. Ai nhanh tay thì hái có ngày được 80kg , chậm thì hái chậm, một ngày trung bình một hộ dân thu hoạch khoảng 5 đến 6 tạ lá chè tươi. Riêng xã Thanh Bình đã có 2 Trạm thu mua của Nông trường chè Thanh Bình hoạt động từ 17 giờ đến 19 giờ hàng ngày. Lúc nào cũng có nhân viên ký sổ bán, giá thu mua hôm nay là 6,000 đ/kg. Người dân bản 43/46 hộ có chè trưởng thành đang thu hoạch, 03 hộ chè còn non sắp đến độ thu hoạch. Một không khí khẩn trương, gấp gáp, say sưa làm giàu bao phủ khắp nơi trong thôn.

Lý Quang Vinh, Trưởng bản Sín Páo Chải, chàng trai sinh năm 1991 nhà có 7 người nhưng cũng làm được tới 5 ha chè. Vinh phấn khởi cho biết: “Một ha chè sau khi trừ tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm bón cũng vẫn mang về một năm khoảng 80 triệu đồng. Dân bản tôi không tiêu xài hoang phí, cứ được Nông trường thanh toán tiền chè là đi gửi ngân hàng. Tích luỹ đủ tiền là xây nhà, là mua máy cày, tăng thêm phương tiện cơ giới để sản xuất”. Vinh không nói kỹ nhưng ở đây, người dân sau 10 năm trồng chè, nhà ai cũng có vài trăm triệu tiền vốn dắt lưng. Một con số nằm mơ đối với ngay cả người dân đồng bằng chứ không phải trên vùng cao heo hút địa đầu tổ quốc này.

trieu_phu_9x_nuoi_ca_chep

Triệu phú 9X Nông Văn Hà thu nhập 700 triệu/ năm với ao cá chép tại xã Liêm Phú, Văn Bàn

Mười năm trôi qua như một giấc mơ tại xã Thanh Bình này, những ngọn núi xanh màu chè đã mang lại ấm no cho những người dân nơi đây. Cây chè đã thay đổi cả cuộc sống, cả nền sản xuất, cả văn hoá, cả nếp sống bao đời nay của người dân xã Thanh Bình.

Khi Đảng viên là những người đi trước

Nếu gặp Lồ Phủ Dìn, Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Bình ngoài đường, không ai có thể đoán được chức vụ của ông. Một gương mặt rắn rỏi, cương nghị, đôi bàn tay xù xì, gân guốc như một người nông dân chính hiệu. Với một giọng nói lơ lớ tiếng Kinh, ông đã dành cho tôi trọn một buổi sáng nói chuyện về cây chè, cây ớt của Thanh Bình.

bi_thu_lo_phu_nin

Ông Lồ Phủ Dìn, Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Bình có thể hái 60kg chè/ ngày

Ông Lồ Phủ Dìn, nhớ lại những ngày đầu tiên vận động nhân dân trồng chè, mọi chuyện đều quá khó khăn. “Dân không ai tin trồng chè, họ chỉ biết trồng ngô, cán bộ mời bà con nói chuyện, bà con ngồi nghe hết giờ rồi đi về. Mai lại đi trồng ngô”. Bế tắc, tưởng chừng như không thể có lối thoát nhưng Đảng uỷ, UBND xã quyết tâm làm và phải làm tốt. Đảng uỷ ra Nghị quyết, trước hết, toàn bộ Đảng viên, cán bộ Đảng uỷ, Uỷ ban phải gương mẫu đi đầu.

Ông Lồ Phủ Dìn cầm cuốc tiến lên đầu tiên phá huỷ nương ngô mà gia đình ông đã truyền đời cả trăm năm. Nhát cuốc dũng cảm đó không chỉ là nhát cuốc phá đi cây ngô mà còn là nhát cuốc phá tan một nền nông nghiệp lạc hậu, nguyên thuỷ, nguyên nhân đói nghèo hàng trăm năm trên mảnh đất này. Lũ trẻ đói rách xơ xác bên nồi mèn mén nguội ngắt, mẹ ông, vợ ông chỉ dám trốn trong bếp, rơi nước mắt nhìn trộm ông phá nương ngô.

Phá xong nương ngô nhà mình, Đảng viên, cán bộ xã toả về các thôn, thịt lợn, mời dân bản đến uống rượu, ăn thịt, nói rõ quyết tâm phải làm chè. Dân rụt rè nghe, rụt rè xem, vài hộ liều làm theo. Ai tán thành, đồng chí Bí thư tự mình dẫn dân quân xã, dẫn cán bộ đến hạ ngô, đào rãnh trồng chè giúp. Mỗi ha chè mới, nhà nước hỗ trợ 20 triệu bằng giống, bằng thuốc bảo vệ thực vật, nông trường chè Thanh Bình cử cán bộ kỹ thuật về ăn ngủ ở bản, hướng dẫn dân. Dân tin cán bộ, tin Đảng, tin kỹ thuật, cuối cùng ồ ạt đi phá nương, trồng chè …

Bí thư Lồ Phủ Dìn cũng có vài hecta chè, cứ hết giờ, ông lại bỏ cặp, bút, đeo gùi lên núi hái chè. “Tôi một ngày có thể hái được 60kg chè, nhanh nhất trong đội ngũ cán bộ đấy”, Bí thư nói trong tiếng cười lồng lộng.

bi_thu_pham_toan_thang_van_ban

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ Văn Bàn, Phạm Toàn Thắng cùng cán bộ Kiểm sát
trong một chuyến đi thực tế tại xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn.

“Cả xã Thanh Bình hiên nay có 345 hecta chè đang thu hoạch, hàng chục ha khác đã được đánh luống, chờ giống chè mới về. Chỉ riêng năm ngoái, cả xã đã bán cho Nông trường chè Thanh Bình gần 1000 tấn chè tươi, thu về gần 6 tỷ đồng. Nghị quyết Đảng uỷ đặt mục tiêu trong năm 2017 sẽ tiến hành thực hiện cánh đồng “một giống”, chỉ trồng duy nhất cây chè san sản lượng cao. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tiến hành quy hoạch tại thôn Nậm Rúp khu vực trồng ớt, khu vực trồng lúa Séng Cù đặc sản”.

Nhân dân xã Thanh Bình bây giờ nghe Bí thư Lồ Phủ Dìn tuyệt đối, Đảng uỷ bảo đi trồng ớt là dân trồng ớt, học trồng lúa đặc sản Séng Cù là đi học. Người Bí thư Đảng uỷ luôn xung phong đi đầu, có niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào Chính phủ này đang vững vàng chèo lái đưa con thuyền Thanh Bình vượt dần khỏi khái niệm xã lạc hậu, nghèo đói.

Bí thư Huyện uỷ huyện Văn Bàn, đồng chí Phạm Toàn Thắng: “Đảng uỷ phụ trách các cơ quan khối nội chính, Huyện uỷ đã phân công VKSND huyện Văn Bàn phụ trách xã Liêm Phú, giao nhiệm vụ ổn định toàn diện về chính trị, xã hội và phát triển kinh tế. Trong công tác xây dựng Nông thôn mới thì Tỉnh uỷ cũng phân công VKSND tỉnh Lào Cai hỗ trợ xã Liêm Phú xây dựng nông thôn mới nên cũng có nhiều thuận lợi. Văn Bàn là huyện vùng sâu vùng xa, người dân có sự hạn chế về dân trí và hiểu biết pháp luật, nhưng riêng ở Liêm Phú thì chỉ sau khi VKSND huyện về địa bàn thì tình hình an ninh trật tự xã hội đã ổn định và ổn định ở mức bền vững, đạt tiêu chí thứ 19 trong 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Huyện uỷ, UBND Huyện đánh giá cao vai trò của VKSND huyện cả về lĩnh vực công tác chuyên môn và đóng góp tích cực vào các hoạt động địa phương”.

Sơn Tùng

lên đầu trang