Hòa giải ở cơ sở có gì đặc biệt so với các loại hình hòa giải khác

05/04/2018 09:12

(kiemsat.vn)
Ở nước ta hiện nay có những hình thức hòa giải khác nhau như: Hòa giải trong tố tụng dân sự của Tòa án, hòa giải trong tố tụng trọng tài, hòa giải tranh chấp lao động, hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn...

Hòa giải trong tố tụng dân sự của Tòa án là thủ tục trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động, trừ những trường hợp pháp luật quy định không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Trường hợp các đương sự thống nhất thỏa thuận với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó, thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Hòa giải tranh chấp lao động được Hội đồng trọng tài lao động hoặc hòa giải viên lao động của cơ quan lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (hòa giải viên lao động) tiến hành khi có tranh chấp về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác, về thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước tập thể và trong quá trình học nghề giữa người lao động với người sử dụng lao động. Thẩm quyền và trình tự hòa giải tranh chấp lao động được quy định tại Bộ luật Lao động.Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài, các bên tranh chấp có thể thương lượng, tự hòa giải hoặc đề nghị trọng tài giúp các bên hòa giải. Trọng tài cũng có thể chủ động tự mình tiến hành hòa giải các bên. Nếu các bên thông qua hòa giải giải quyết được tranh chấp thì có thể yêu cầu trọng tài viên xác nhận sự thỏa thuận đó bằng văn bản, lập biên bản hòa giải thành và công nhận sự thỏa thuận của các bên. Văn bản này có giá trị như quyết định trọng tài - có hiệu lực thi hành, không bị kháng cáo.

Hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Đây là việc hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp đối với các tranh chấp về đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định việc hòa giải tranh chấp đất đai như sau: “1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. 2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai...”.

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Hòa giải ở cơ sở: Khác với các loại hình hòa giải trên, hòa giải ở cơ sở trước hết xuất phát từ đặc điểm lịch sử, truyền thống, tâm lý dân tộc. Trong quan hệ làng xã, người dân quen sống với các mối quan hệ xóm làng, huyết thống ràng buộc nhau một cách chặt chẽ, do đó họ rất coi trọng tình làng, nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”. 

Nếu có xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp về quyền lợi, nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, hàng xóm láng giềng thì họ chủ trương “đóng cửa bảo nhau”, “chín bỏ làm mười”, xóa bỏ bất đồng, mâu thuẫn, xây dựng cộng đồng hòa thuận, yên vui, hạnh phúc. Vì vậy, hòa giải được xem là phương án tối ưu để giải quyết xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ… Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định: “Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này”.

Như vậy, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật nhằm giữ gìn đoàn kết và tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, củng cố phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. 

Các tin khác >>>

Tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện VKSND tối cao Việt Nam – Lào

Kế hoạch luân chuyển, điều động công chức lãnh đạo ngành KSND năm 2018

Tập huấn công tác thanh tra ngành KSND năm 2018

TAND tối cao hướng dẫn xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành

(Kiemsat.vn) - Ngày 20/3/2018, TAND tối cao ban hành Công văn số 55/TANDTC-PC hướng dẫn các tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành.
(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang