Hồ Gươm ô nhiễm nặng
17/02/2017 05:37
Theo Công ty thoát nước Hà Nội thì Hồ Gươm đã 'mất khả năng tự làm sạch, ô nhiễm trầm trọng'. Hiện hàng ngày có công nhân thu gom rác trên mặt Hồ Gươm, chủ yếu là lá cây, xác cá chết.
Trong một hội thảo vừa diễn ra, ông Võ Tiến Hùng (Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho hay, hồ Hoàn Kiếm đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng; cá và động thực vật chưa được bảo vệ đúng mức khiến chất hữu cơ vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất ô nhiễm. Theo lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội, lớp đất sét đáy hồ rất dày nên trong Hồ không có quan hệ thủy lực với các tầng chứa nước ngầm và sông Hồng. Hơn nữa, lớp bùn lắng ngày càng dày, chứa nhiều kim loại nặng và khí độc, gây ảnh hưởng môi trường sống của sinh vật. Nghiên cứu thực vật phù du ở Hồ Gươm, Công ty thoát nước Hà Nội đưa ra nhận định mật độ có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng oxy hòa tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau, ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều động thực vật trong hồ. “Nước trong hồ có màu xanh lục, mật độ tảo lớn, chất lượng nước hồ ngày càng suy giảm, cặn lơ lửng trong hồ cao” ông Võ Tiến Hùng nói. Hàng ngày công nhân thu gom rác trên mặt Hồ, nhiều nhất là lá cây, xác cá chết. Rác thải cần được thu dọn ở Hồ Gươm còn có vỏ bánh kẹo, vỏ hộp sữa, túi ni lông… Quanh Hồ có hệ thống cống thu gom nước mưa trên mặt đường, bố trí tập trung dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng. Những chiếc cống này cũng là nơi chứa nhiều rác thải. Vị trí miệng xả nước ra hệ thống cống ngoài thành phố tại Hàng Khay-Đinh Tiên Hoàng, giữ chức năng điều hòa lượng nước tràn hồ khi mưa lớn. Kết quả khảo sát của Công ty thoát nước Hà Nội cho thấy nước trong Hồ Gươm có độ PH ở mức từ 9,05-9,46. Cặn lơ lửng trong Hồ cao hơn tiêu chuẩn cho phép ở cả 5 vị trí quan trắc. Hồ đang trong tình trạng ô nhiễm hữu cơ; chiều dày đáy bùn cao nhất là 1,64 m và nơi ít bùn nhất cao 0,47 m. Lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ gấp gần 2 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học công nghệ môi trường và Viện sinh thái tài nguyên sinh vật cho thấy mật độ động vật đáy hồ thấp và có xu hướng giảm. Lớp đất sét dưới Hồ dày lên, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của những sinh vật dưới hồ do chứa nhiều kim loại nặng và khí độc. Công ty thoát nước Hà Nội đã đề xuất tiến hành nạo vét hồ Hoàn Kiếm. Dự kiến, tổng khối lượng cần nạo vét tại hồ là 57.400 m3, tổng thời gian thi công nạo vét và vận chuyển là 69 ngày. Công ty thoát nước Hà Nội cũng đề xuất sử dụng chế phẩm Redoxy-3C trong việc xử lý, duy trì chất lượng nước Hồ Gươm. Chế phẩm này đã được dùng để làm sạch hồ Tây, hồ Hoàng Cầu cùng nhiều hồ khác trong nội thành khi hiện tượng cá chết xảy ra hàng loạt vào năm ngoái. Ngọc Thành/VNEX
Bài viết chưa có bình luận nào.