Hà Nội xử lý nghiêm nhà xe “nhồi nhét” khách

12/02/2018 07:47

(kiemsat.vn)
Những ngày này, nhiều người đã bắt đầu đổ dồn ra các bến xe để về quê ăn Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đây cũng là “thời cơ" để xe khách tranh thủ “nhồi nhét”, chở quá số người quy định. Tình trạng này làm mất trật tự an toàn giao thông và có nguy cơ gây tai nạn rất lớn.

Ảnh minh họa (Nguồn: Tuổi  trẻ)

“Bầm dập” trên hành trình về quê ăn tết

Nhồi nhét trên xe khách luôn là nỗi ám ảnh của những người xa xứ về quê ăn Tết. Chị Nguyễn Thanh vẫn còn rùng mình khi nói đến chuyến xe về Kỳ Anh, Hà Tĩnh năm ngoái: “Chiếc xe khách 46 chỗ thì chất đến gần 90 người, cựa mình cũng không nổi. Chúng tôi la ó mà nhà xe vẫn lờ đi. Xe liên tục bắt khách giữa đường, chồng tôi còn bị đẩy xuống thùng xe ngồi. Chặng đường về quê quá gian nan, nhưng cũng đành chịu, Tết mà, mùa làm ăn nên các nhà xe tranh thủ mọi cách để thu lợi.”

Anh Lê Văn Bình quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An cho hay: “Do điều kiện kinh tế, phương tiện thích hợp nhất của gia đình tôi mỗi dịp Tết vẫn là xe khách. Năm nào về cũng bị nhồi nhét, thu thêm tiền vé nhưng không còn cách nào khác. Thương nhất là bọn trẻ, về được đến nhà cũng phát ốm.”

Phải chấp nhận những chuyến xe “ngạt thở” trong dịp Tết như anh Bình, chị Thanh không phải trường hợp cá biệt. Tâm lý muốn về quê đón tết đã khiến người dân trở thành những hành khách dễ tính và cam chịu. Nhiều người ngại vào bến bắt xe nên các phương tiện đã tăng cường đón khách dọc đường. Những năm trước, phổ biến tình trạng nhà xe thả sức nhồi khách, thậm chí ép khách ngồi cả trong thùng xe. Nhiều trường hợp xe khách bị lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt với số lượng chở quá quy định lên đến hơn 50%.

Có thể nói, việc giải quyết tình trạng nhồi nhét hàng khách là bài toán khó nhất trong đi lại dịp Tết.

Năm nay, các bến xe trên địa bàn Hà Nội đã sớm lên kế hoạch đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, trong đó có tăng chuyến và bình ổn giá vé. Tuy nhiên nhiều người vẫn băn khoăn liệu tình trạng chèn ép và chở quá khách có được giảm thiểu hay không?

Đơn cử như ở bến Mỹ Đình (Hà Nội), mỗi xe khách trước khi xuất bến đều có nhân viên kiểm soát tới kiểm tra xem nhà xe có chở quá số khách quy định hay không. Tuy nhiên, nhân viên chỉ có thể kiểm soát những xe trong bến, còn việc bắt thêm khách, nhồi nhét khách lại thường diễn ra khi xe đi trên đường. Và những vi phạm này chỉ bị xử lý khi lực lượng CSGT phát hiện.

Hà Nội  sẽ mạnh tay với xe khách vi phạm

Để đảm bảo đủ tàu xe phục vụ việc đi lại của người dân, thành phố Hà Nội huy động thêm 1.780 lượt xe tăng cường cho thời gian cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, sở GTVT thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tập trung tối đa lực lượng nhân viên, thanh tra giao thông, tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng các nhà xe tăng giá vé và nhồi nhét hành khách; Phối hợp chặt chẽ giữa bến xe và lực lượng CSGT, thanh tra giao thông để kiểm soát tình trạng này. Công tác giám sát được thực hiện ở bến bãi và trong suốt lộ trình.

Theo Tiền phong đưa tin, tại cuộc kiểm tra hoạt động bến xe khách Hà Nội chiều 8/2, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết sẽ có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Công an đề nghị sử dụng số đường dây nóng bằng số di động để người dân có thể chủ động thông tin về xe khách vi phạm bằng cả hình thức nhắn tin nếu không thể gọi trên xe.

 “Khi phát hiện các xe khách chở quá số người quy định, tất cả trường hợp đều bị xử lý lập biên bản, còn trường hợp quá tải chúng tôi sẽ đưa về, cho sang xe, tạm giữ xe và bằng lái để làm công tác răn đe với nhà xe vi phạm, bảo an toàn giao thông cho bà con.” - một cán bộ cảnh sát giao thông phụ trách chốt Pháp Vân - Giải Phóng cho biết.

Nhà xe nào vi phạm, ngoài việc bị xử phạt tại chỗ theo quy định, thông tin của nhà xe sẽ được gửi ngay về bến xe để tiến hành xử phạt thêm lần nữa. Nhà xe đó có thể sẽ bị bến xe đình tài từ 3 - 15 ngày. Như vậy, nhà xe phải chịu xử phạt kép.

Anh Phạm Văn Sáu, một lái xe ở bến Mỹ Đình chia sẻ: “Nếu bị đình tài sẽ thiệt hại rất lớn. Những nhà xe chạy đường dài như chúng tôi mà bị đình một lốt từ Mỹ Đình đi tuyến tỉnh thì vì sau khi hoạt động trở lại, xe sẽ bị mất nhiều khách quen, dẫn đến thua lỗ. Đã có nhiều nhà xe bị phạt như thế rồi. Nhìn thấy những gương đó chúng tôi bảo nhau phải chấp hành nghiêm chỉnh”.

Với các trường hợp nhà xe tái phạm nghiêm trọng hơn, bến xe sẽ có kiến nghị với Công ty cổ phần bến xe Hà Nội cắt hợp đồng hoặc nặng hơn nữa có thể kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hủy tuyến, không cho phép hoạt động tại bến nữa.

Về phía người dân, để tránh trở thành nạn nhân của vấn nạn nhồi nhét hành khách nên mua vé tại bến xe, lựa chọn nhà xe uy tín, nói không với "xe dù", "bến cóc". Khi có bất kỳ vấn đề, sự cố xảy ra trong chuyến đi, hành khách có thể ghi hình lại và cung cấp cho cơ quan chức năng để họ  xử lý nghiêm nhà xe vi phạm.

Theo quy định hiện hành, xe khách chở quá số người hoặc tăng giá vé trái quy định bị phạt như sau:

- Với trường hợp chở quá số người:

Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng trên mỗi người chở vượt quá, tổng mức tiền phạt không quá 40 triệu đồng đối với xe khách chở quá từ 02 người nếu là xe 9 chỗ; 03 người nếu là xe từ 10 chỗ đến 15 chỗ; 04 người nếu xe từ 16 chỗ đến 30 chỗ; chở quá từ 05 người trở lên nếu xe từ trên 30 chỗ. Riêng trường  hợp xe khách chạy tuyến đường trên 300km, mức phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng trên mỗi người chở vượt quá, tổng mức tiền phạt không quá 40 triệu đồng (Điều 23, Nghị định 46/2016/NĐ-CP).

- Với trường hợp tăng giá vé:

Trường hợp tăng giá vé cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đã đăng ký, nhà xe cũng sẽ phạt tiền từ 01 - 05 triệu đồng nếu tổng giá vé đến 50 triệu đồng. Nếu tổng giá vé từ 50 triệu đồng trở lên, mức phạt đối với nhà xe dao động từ 05 triệu đồng - 60 triệu đồng (Điều 13, Nghị định 109/2013/NĐ-CP).

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang