Đào tạo tại chỗ: Bài 2 - Các phương pháp thực hiện

Ngày đăng : 08:00, 01/01/2019

(Kiemsat.vn) - Đối với các VKSND cấp huyện thì công tác đào tạo tại chỗ phải được coi như là một nhiệm vụ trọng tâm, công việc hàng ngày bên cạnh các nhiệm vụ khác.

Việc đào tạo tại chỗ phải diễn ra liên tục, có chiều sâu, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tránh phô trương, hình thức và được thực hiện đối với tất cả CBCC của đơn vị trên tất cả các tiêu chí bao gồm bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, tác phong, lối sống, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp và đề cao kỷ cương, kỷ luật trong công tác. Có làm tốt được như vậy thì mới đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ và chứng minh được hiệu quả của hình thức đào tạo này so với các hình thức đào tạo khác trong công cuộc xây dựng đội ngũ CBCC ngành Kiểm sát nhân dân theo đúng tinh thần của chiến lược cải cách tư pháp. 

Bài 1 - Sự cần thiết của công tác đào tạo tại chỗ

Bài 2 - Các phương pháp thực hiện

Để thực hiện tốt công tác đào tạo tại chỗ đối với KTV, CV giúp việc cho KSV tại VKSND cấp huyện, theo tác giả Thiều Văn Thịnh, VKSND tỉnh Cao Bằng cần thực hiện như sau:

Kèm cặp tại chỗ - Đào tạo trên công việc

Đây là cách thức tổ chức đơn giản nhất là trong quá trình thực hiện công tác đào tạo tại chỗ cho các KTV, CV. Theo đó từng KTV, CV sẽ được hướng dẫn bởi một hoặc nhiều KSV trong bộ phận. Việc kèm cặp tại chỗ được thực hiện theo hai cách, đó là:

- Kèm cặp bởi Lãnh đạo đơn vị hoặc phụ trách bộ phận;

- Kèm cặp bởi KSV mà KTV, CV được phân công giúp việc.

Khi tiến hành phương pháp đào tạo tại chỗ, Lãnh đạo, KSV được phân công kèm cặp phải xây dựng được kế hoạch về việc kèm cặp đối với KTV hoặc CV. Trong đó kế hoạch phải nêu bật được mục tiêu, thời gian, phương pháp và tính hiệu quả.

Thông qua kế hoạch thì KSV triển khai thực hiện quy trình đào tạo như sau:

+ Giải thích sơ bộ cho KTV, CV về nội dung, phạm vi thực hiện công việc được giao.

+ Thao tác mẫu cách thức thực hiện công việc được giao (có thể tiến hành bằng cách hướng dẫn các thao tác nghiệp vụ trực tiếp đối với những CV mới, chưa được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát để cho những người này làm quen với công việc của ngành).

+ Để KTV, CV thực hiện các phần công việc theo mức độ khó tăng dần dựa trên khả năng, sở trường và thời gian được tiếp xúc công việc theo sự hướng dẫn, kèm cặp của KSV như: Viết các Lệnh, quyết định; giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng; Vào các sổ thụ lý; xây dựng hồ sơ kiểm sát theo từng giai đoạn; giúp KSV ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác trong tố tụng; xây dựng các dự thảo báo cáo đề xuất, dự thảo cáo trạng, luận tội, bài phát biểu của KSV tại phiên tòa…

+ Kiểm tra kết quả thực hiện công việc, hướng dẫn giải thích cho KTV, CV cách thức để thực hiện công việc tốt hơn.

+ Đối với các KTV, CV đã được thực hiện các thao tác nghiệp vụ nhiều lần dưới sự hướng dẫn trực tiếp của KSV đạt hiệu quả cao thì KSV có thể mạnh dạn trong việc giao khoán công việc trong một thời hạn nhất định tùy mức độ khó của công việc và yêu cầu của khâu công tác để mỗi KTV, CV tiến hành thực hiện công việc trên cơ sở những kinh nghiệm, kiến thức đã học hỏi được từ chính những công việc được phân công trước đây. Sau khi hoàn thành công việc, KSV sẽ kiểm tra kết quả thực hiện và có sự nhận xét, đánh giá trực tiếp về những ưu điểm, hạn chế của KTV, CV trong quá trình thực hiện công việc.

Lưu ý: Khi thực hiện phương pháp này cần chú ý một số vấn đề

Thứ nhất, công việc phân công cho KTV, CV thực hiện phải bám sát các khâu công tác của bộ phận theo kế hoạch công tác của ngành, đơn vị; tuân thủ các quy định của pháp luật.

Thứ hai, việc phân công công việc phải dựa trên năng lực, sở trường và các yếu tố khác để đề xuất KTV, CV phù hợp. Không thực hiện phân công tràn lan hoặc tập trung cho một người hoặc mang tính cào bằng, bình quân.

Thứ ba, phương pháp thực hiện phải đảm bảo bí mật về hồ sơ, thông tin theo quy định của ngành và quy định của pháp luật.

Thứ tư, KSV được phân công kèm cặp phải cáo báo cáo định kỳ với Lãnh đạo đơn vị về kết quả thực hiện của KTV, CV và những mục tiêu đã đạt được.

Thứ năm, đối với các KTV, CV phải luôn thể hiện tính chủ động, ham học hỏi. Đối với những vấn đề khó, chưa hiểu, nhiều quan điểm thì phải mạnh dạn đề xuất hoặc có phản biện đối với KSV để nhận được sự hướng dẫn. Tránh để xảy ra tình trạng không biết cách giải quyết, xử lý nhưng cũng không có ý kiến phản hồi đối với KSV về vấn đề đó. Khi thực hiện phương pháp này cả hai phải phải thường xuyên có sự tương tác qua lại lẫn nhau để đạt được hiệu quả cao nhất.

Thứ sáu, Lãnh đạo, KSV phải có những chia sẻ, động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với KTV, CV khi họ thực hiện tốt công việc được giao, từ đó tạo động lực phấn đấu cho chính mỗi KTV, CV trong thực hiện các nhiệm vụ được phân công tiếp theo.

Luân chuyển công việc

Đây là phương pháp đào tạo tại chỗ giúp cho người được đào tạo có những kiến thức và kinh nghiệm ở những lĩnh vực khác nhau. Những kinh nghiệm và kiến thức thu được trong quá trình đào tạo này sẽ giúp cho họ có khả năng thực hiện tốt những công việc khác nhau trong tương lai khi được phân công, điều động.

Luân chuyển công việc còn giúp các KTV, CV hiểu được cách thức phối hợp thực hiện công việc của các bộ phận nghiệp vụ khác, làm gia tăng sự hiểu biết và xây dựng văn hóa tổ chức, không chỉ vậy, luân chuyển công việc còn là cách thức tốt giúp nhằm tránh đơn điệu của công việc. Đối với mỗi công tác kiểm sát lại có đặc thù, khối lượng công việc và hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh khác nhau nên mỗi KTV, CV cần được tiếp xúc, thực hiện cũng như trang bị lượng kiến thức tổng quát để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Phương pháp này được thực hiện thông qua hai cách:

- Luân chuyển liên tục công việc trong bộ phận hình sự đối với từng KTV, CV để từng cá nhân có cơ hội tiếp xúc, làm quen với công việc mới, qua đó trau dồi nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ. Với cách này sẽ làm gia tăng sự hưng phấn cho KTV, CV trong việc thực hiện công việc đồng thời tăng thêm sự hiểu biết cho họ về vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát đối với từng khâu công tác nghiệp vụ.

- Luân chuyển KTV, CV giữa các bộ phận khác nhau trong đơn vị để họ có sự làm quen về một khâu công tác mới, đó cũng là sự chuẩn bị tốt nhất về kỹ năng, kiến thức phục vụ cho việc tham gia kỳ thi tuyển chọn KSV và cũng tạo nền móng về tri thức, kỹ năng nghiệp vụ cho chính mỗi KTV, CV sau này có thể được phân công nhiệm vụ mà không tạo ra tâm lý e ngại, hoang mang, trốn tránh.

Thảo luận tập thể, tham gia các lớp đào tạo kỹ năng nghiệp vụ ngắn hạn, các chương trình tìm hiểu kiến thức và các hình thức đào tạo tại chỗ khác

Đây là các hình thức đào tạo tại chỗ trực quan sinh động nhất, tạo sự hứng thú cho những người tham gia. Thông qua các hình thức đào tạo này các KTV, CV sẽ nâng cao nhận thức về việc tiếp cận, phương pháp giải quyết một vấn đề để đạt hiệu quả cao nhất với có sự tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến trực tiếp của nhiều người về cùng một vấn đề từ đó sẽ phát huy được trí tuệ tập thể để giải quyết những mâu thuẫn, khắc phục hạn chế trong tư duy, nhận thức trong quá trình áp dụng pháp luật, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đối với phương pháp này có thể được thực hiện thông qua các cách sau đây:

- Thảo luận tập thể (thảo luận nhóm): Đây là hình thức nên được áp dụng thường xuyên đối với đơn vị/bộ phận có số lượng người ít (khoảng 4-5 người) để thảo luận, cho ý kiến về một vấn đề khó khăn, vướng mắc hoặc có nhiều quan điểm. Ví dụ như vấn đề định tội danh; hướng giải quyết; áp dụng thủ tục tố tụng; phương pháp làm việc…Hình thức này có thể tiến hành giữa cả bộ phận với nhau hoặc giữa KSV với KTV, CV hoặc giữa các KTV, CV với nhau.

- Tham gia các lớp đào tạo kỹ năng nghiệp vụ ngắn hạn: thời gian qua ngành Kiểm sát đang thực hiện việc mở các lớp tập huấn về nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, KSV thông qua hình thức truyền hình trực tuyến đến Viện kiểm sát các cấp hoặc các phiên tòa rút kinh nghiệm toàn quốc... Đây là nguồn thông tin cực kỳ hữu ích cho các KTV, CV trong việc tự học tập, tự nghiên cứu và tiếp thu những kinh nghiệm quý báu từ những chuyên gia, KSV có kinh nghiệm trong thực tiễn công tác.

- Tham gia các chương trình tìm hiểu kiến thức pháp luật (các chương trình được sân khấu hóa - gameshow): Các chương trình tìm hiểu kiến thức do các cấp ngành Kiểm sát tổ chức là sân chơi bổ ích cho các KTV, CV trong việc thể hiện năng lực bản thân, sở trường công tác cũng như học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp từ những đồng nghiệp đến từ những đội chơi khác. Thông qua chương trình cũng giúp rèn luyện bản lĩnh của những KTV, CV khi đứng trước đám đông, khả năng làm chủ sân khấu, khả năng nói, hùng biện, khả năng tranh luận sẽ được rèn rũa để những KSV tương lai tự tin khi thực hiện chức năng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa hình sự.

- Các hình thức đào tạo tại chỗ khác: Ngoài những hình thức đào tạo tại chỗ nêu trên, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh của mỗi đơn vị, lãnh đạo, KSV sẽ lựa chọn những hình thức đào tạo phù hợp để phát huy những phẩm chất nổi bật, khả năng vượt trội trong từng KTV, CV như: Tự nghiên cứu các thông báo rút kinh nghiệm của ngành Kiểm sát; đưa ra những vấn đề mới phát sinh được dư luận xã hội quan tâm để trao đổi, thảo luận…

Ưu, nhược điểm của phương pháp đào tạo tại chỗ

Ưu điểm:

- Đơn giản, dễ tổ chức, có thể đào tạo được nhiều người cùng một lúc.

- Ít tốn kém. Trong quá trình đào tạo tại chỗ đồng thời tạo ra kết quả trong công việc, giúp giảm áp lực cho các KSV trong việc giải quyết công việc. Đơn vị không cần các phương tiện chuyên biệt như phòng ốc, đội ngũ giảng dạy mà chỉ cần tận dụng điều kiện về cơ sở vật chất hiện có của đơn vị nhưng vẫn có thể thực hiện tốt phương pháp này.

- Các vấn đề đào tạo sát với thực tiễn công tác của Ngành.

- KTV, CV có thể phản hồi nhanh chóng về hiệu quả của phương pháp đào tạo này. Từ đó có sự đánh giá, so sánh với các phương pháp đào tạo khác để tìm ra được những phương pháp đào tạo phù hợp nhất đối với năng lực từng người, đặc thù công việc của đơn vị.

- Giúp cho mỗi KTV, CV được đào tạo toàn diện về kỹ năng nghiệp vụ, tránh được tình trạng trì trệ, dễ dàng thích nghi với các công việc khác nhau khi được phân công, điều động.

- Giúp cho mỗi KTV, CV tự kiểm tra, phát hiện các điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và có kế hoạch trau dồi, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ phù hợp .

- Tăng tích lũy kinh nghiệm và giảm sự nhàm chán đối với công việc.

2.2 Nhược điểm:

- Cách thức thực hiện đào tạo mới có thể gây xáo trộn và bất ổn tâm lý.

- Việc phân công công việc không khoa học, hợp lý có thể làm cho KTV, CV không hiểu đầy đủ về vị trí, vai trò của ngành kiểm sát và công việc được phân công.

- Người hướng dẫn trực tiếp là các KSV thường không có kiến thức sư phạm nên hướng dẫn không bài bản, khoa học nên KTV, CV đôi lúc khó hiểu, khó tiếp thu.

- Nếu hoạt động đào tạo tại chỗ không được áp dụng một cách khoa học, đúng quy trình thì KTV, CV có thể học cả những thói quen không tốt của KSV trong việc thực hiện các khâu công tác nghiệp vụ.

- Một số KSV chưa nhận thức đúng vai trò của phương pháp đào tạo này hoặc do áp lực công việc nên thường không nhiệt tình hướng dẫn đối với KTV, CV.

Còn nữa

P.V