Đề ra yêu cầu điều tra và thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên
Ngày đăng : 11:58, 22/12/2018
Nội dung Điều 11 của Thông tư này hướng dẫn:
1. Về yêu cầu điều tra
Thời điểm ban hành yêu cầu điều tra: ngay từ khi nhận được quyết định khởi tố vụ án hình sự và trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên phải kịp thời trao đổi với Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án về những vấn đề cần điều tra.
Mục đích của việc ban hành yêu cầu điều tra nhằm: bảo đảm để Điều tra viên, Cán bộ điều tra kịp thời thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu của vụ án.
Về hình thức của yêu cầu điều tra: có 2 hình thức
Thứ nhất, bằng lời nói: Kiểm sát viên có thể đề ra yêu cầu điều tra bằng lời nói trong quá trình trực tiếp kiểm sát các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, nhận biết giọng nói. Yêu cầu bằng lời nói thường được thực hiện ngay.
Thứ hai, bằng văn bản: Đối với các hoạt động điều tra khác, Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu điều tra bằng văn bản, nêu rõ ràng, cụ thể những vấn đề cần điều tra, chứng cứ, tài liệu cần thu thập.
Về hình thức, văn bản yêu cầu điều tra phải thực hiện đúng quy định theo Mẫu số 83/HS ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của VKSND tối cao về Mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố.
Về nội dung, yêu cầu điều tra bằng văn bản phải chỉ rõ căn cứ Quyết định khởi tố vụ án hình sự số…; Quyết định khởi tố bị can số ... đối với người hoặc pháp nhân thương mại bị khởi tố về tội gì?; Nêu rõ lý do yêu cầu điều tra; văn bản phải đảm bảo tính pháp lý có đủ số, dấu, chữ ký của Kiểm sát viên.
Phần nội dung yêu cầu phải ghi rõ yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra tiến hành điều tra, xác minh làm rõ những nội dung gì (1, 2, 3…)? Mặt khác, phải ghi rõ tên cơ quan có thẩm quyền điều tra có trách nhiệm thực hiện yêu cầu trên và yêu cầu tiến hành điều tra theo quy định của BLTTHS. Văn bản yêu cầu điều tra phải được Kiểm sát viên đưa vào hồ sơ vụ án. Một vụ án, Kiểm sát viên có thể ban hành nhiều yêu cầu điều tra.
Ảnh: Trang tin VKSND Tp Đà Nẵng |
2. Trách nhiệm thực hiện yêu cầu điều tra
Theo quy định tại khoản 1 Điều 167 BLTTHS năm 2015 thì cơ quan có thẩm quyền điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của VKS trong giai đoạn điều tra. Người có thẩm quyền tiến hành điều tra, tiến hành một số hoạt động điều tra là Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án có trách nhiệm phải thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên.
Nhận được yêu cầu điều tra nếu chưa rõ yêu cầu hoặc thấy cần thiết, Điều tra viên, Cán bộ điều tra có thể trao đổi với Kiểm sát viên để làm rõ những nội dung của yêu cầu điều tra.
Để tránh tình trạng đùn đẩy, chậm chễ do không nhất trí về nội dung yêu cầu điều tra, trường hợp có nội dung yêu cầu điều tra mà Điều tra viên, Cán bộ điều tra không nhất trí, thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát để thống nhất về nội dung yêu cầu điều tra.
Đối với trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát hoặc đã tiến hành các hoạt động điều tra nhưng do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát thì Cơ quan điều tra phải nêu rõ lý do trong Bản kết luận điều tra.
Xem thêm>>>
Cơ quan điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát
Cơ quan điều tra VKSND tối cao ký Quy chế phối hợp công tác với 11 đơn vị trực thuộc VKSND tối cao