Bộ Giáo dục và Đào tạo: Gấp rút chấn chỉnh đạo đức nhà giáo toàn ngành
Ngày đăng : 08:49, 07/12/2018
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có chỉ đạo “nóng” trước tình trạng bạo hành học sinh (Ảnh: TTXVN) |
Ngày 06/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 5553/BGD ĐT- NGCBQLGD chỉ đạo đôn đốc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian vừa qua, ở một số địa phương để xảy ra các vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội.
Trước tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 về việc tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT về đạo đức nhà giáo; các quy tắc ứng xử, quy chế làm việc của cơ quan đơn vị.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm, cần phải nhận thức về những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức vừa qua là bài học sâu sắc đối với ngành để mỗi giáo viên, mỗi nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm, từ đó có ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.
Các đơn vị phải thành lập các đoàn công tác, kiểm tra các cơ sở giáo dục về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT, các quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo.
Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp quản lý, huy động các lực lượng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo hành thể chất, tinh thần học sinh.
Cần có biện pháp để thường xuyên nắm bắt thông tin tại các cơ sở giáo dục để chủ động xử lí, giải quyết ngay khi sự việc xảy ra. Đồng thời, các Sở tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; tăng cường kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, kết thúc học kỳ I, các Sở giáo dục và đào tạo phải báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT cũng như các quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục) trước ngày 20/01/2019.
Liên tiếp các vụ việc bạo hành thể chất, tinh thần học sinh xảy ra thời gian qua khiến dư luận bất bình.
Mới đây nhất là sự việc xảy ra ngay giữa Thủ đô, vào ngày 03/12 tại lớp 2A5 Trường tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội). Trong giờ hướng dẫn học, giáo viên chủ nhiệm lớp đã yêu cầu bạn ngồi bên cạnh tát một học sinh 50 cái vì em này nói chuyện riêng. Khi bị bạn tát đến cái thứ 20, học sinh bị phạt đã không chịu nổi và khóc lớn, lúc ấy cô giáo mới yêu cầu dừng lại.
Ngày hôm sau, em học sinh bị phạt đã không thể tới trường do mặt bị sưng tím và hoảng sợ. Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xác minh báo cáo sự việc nói trên.
Trước đó, ngày 19/11 một học sinh lớp 6 ở trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) vì nói tục đã cũng bị các bạn trong lớp, theo lệnh của cô chủ nhiệm, tát 230 cái vào mặt. Riêng cô này tham gia tát 1 cái. Hậu quả, em học sinh phải nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, ngất xỉu, 2 má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt.
Lý do của sự trừng phạt khủng khiếp này được cô giáo giải thích là vì "áp lực thi đua của trường", vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II.
Cũng ngay trong tháng 11, giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THCS Vân Đình (Ứng Hoà, Hà Nội) đã bị phụ huynh tố cáo đã đánh vào mặt hai học sinh lớp 8 và đuổi học sinh ra khỏi lớp.
Tư duy giáo dục bằng roi vọt, xâm hại thể xác và tinh thần của học sinh chừng nào vẫn tồn tại phổ biến trong các trường học thì dù có nỗ lực đổi mới giáo dục đến đâu cũng là vô nghĩa. Những sự bạo lực ấy không chỉ làm tổn hại thể xác và tinh thần các con, mà cũng hủy hoại những thành quả tốt đẹp của giáo dục. Muốn cải cách giáo dục, trước hết, phải chấm dứt ngay lập tức những hành vi phản cảm, phản giáo dục này.
Xem thêm>>>
Bạo lực học đường: Cần lập đầu mối tiếp nhận, tố giác hành vi xâm hại trẻ em
Hà Nội: Các cơ sở giáo dục phải thiết lập “đường dây nóng” về bạo lực học đường