Quy định về phối hợp giữa các cơ quan trong công tác thống kê hình sự
Ngày đăng : 13:45, 30/11/2018
Theo đó, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thuộc VKSND, TAND, CAND, QĐND trong thực hiện thống kê hình sự liên ngành là các đối tượng áp dụng Thông tư liên tịch trên.
Cụ thể, về nội dung, danh mục chỉ tiêu thống kê, biểu mẫu, giải thích biểu mẫu thống kê hình sự liên ngành được Thông tư quy định như sau:
Nội dung thống kê hình sự liên ngành, bao gồm: Thống kê tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thống kê khởi tố, điều tra các vụ án hình sự; thống kê truy tố các vụ án hình sự; thống kê xét xử các vụ án hình sự; thống kê thi hành tạm giữ, tạm giam; thống kê thi hành án hình sự.
Ngoài ra, danh mục chỉ tiêu thống kê hình sự liên ngành được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
Trường hợp cần thiết, Ban Chỉ đạo thống kê hình sự liên ngành Trung ương quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê hình sự liên ngành.
Ảnh minh họa (Internet) |
Cũng theo Thông tư, trách nhiệm, thời hạn lập, đối chiếu và gửi báo cáo thống kê hình sự liên ngành được quy định như sau:
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ thống kê đối với cấp huyện, 03 ngày làm việc đối với cấp tỉnh, 05 ngày làm việc đối với Bộ Công an, các đơn vị được giao thuộc cơ quan Công an các cấp có trách nhiệm lập báo cáo thống kê quy định tại điểm a và điểm e (phần trại giam do Bộ Công an quản lý) khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch này, chủ trì đối chiếu với đơn vị có liên quan thuộc VKSND cùng cấp, cùng ký báo cáo và gửi đơn vị được giao nhiệm vụ thống kê thuộc VKSND cùng cấp.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ thống kê đối với cấp huyện, 03 ngày làm việc đối với cấp tỉnh, 04 ngày làm việc đối với cấp cao, 05 ngày làm việc đối với VKSND tối cao, các đơn vị được giao thuộc VKSND các cấp có trách nhiệm lập báo cáo thống kê quy định tại các điểm b, c, d, đ và e (trừ trường hợp thuộc trại giam) khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch này, chủ trì đối chiếu với đơn vị có liên quan thuộc cơ quan Công an, TAND cùng cấp, cùng ký báo cáo và gửi đơn vị được giao nhiệm vụ thống kê.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ thống kê đối với VKSND cấp huyện, 06 ngày làm việc đối với VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp cao, đơn vị được giao nhiệm vụ thống kê thuộc VKSND có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo thống kê hình sự liên ngành, trình lãnh đạo liên ngành ký và gửi cơ quan Công an, TAND cùng cấp và VKSND cấp trên trực tiếp.
- Trong thời hạn 08 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ thống kê, đơn vị được giao nhiệm vụ thống kê thuộc VKSND tối cao có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo thống kê hình sự liên ngành toàn quốc trình lãnh đạo VKSND tối cao ký, gửi TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
- Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định cụ thể đơn vị có trách nhiệm lập, đối chiếu báo cáo thống kê hình sự liên ngành.
Đồng thời, khi có yêu cầu cung cấp số liệu thống kê hình sự liên ngành làm báo cáo của lãnh đạo các ngành tại các kỳ họp của Quốc hội và HĐND các cấp, đơn vị được giao nhiệm vụ thống kê thuộc VKSND các cấp có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo và cung cấp cho các ngành để thống nhất số liệu báo cáo.
Trường hợp cần thiết, đơn vị được giao nhiệm vụ thống kê thuộc VKSND các cấp đối chiếu, thống nhất số liệu với đơn vị có liên quan trước khi cung cấp.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019 và thay thế Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT- VKSTC-TATC-BCA-BQP ngày 01/7/2005 của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật trong công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm”.
Xem thêm >>>
Thông tư liên tịch về phối hợp thông báo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội
Thông tư liên tịch về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng