VKSND tỉnh Hòa Bình: Đổi mới công tác nhận xét, đánh giá, phân loại công chức

Ngày đăng : 16:33, 05/11/2018

(Kiemsat.vn) - Năm 2018, nhằm đánh giá đúng thực việc nhận xét, đánh giá cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ, VKSND tỉnh Hòa Bình đã xây dựng chuyên đề "Đổi mới công tác nhận xét, đánh giá cán bộ VKSND hai cấp tỉnh Hòa Bình".

Thực hiện Quyết định số 24/QĐ-VKS ngày 25/01/2018 Viện trưởng VKSND tỉnh Hòa Bình về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện chuyên đề “Đổi mới công tác nhận xét, đánh giá cán bộ VKSND hai cấp tỉnh Hòa Bình”; nhằm đánh giá đúng thực chất việc triển khai thực hiện, vừa qua VKSND tỉnh đã thành lập Tổ công tác tiến hành khảo sát việc triển khai thực hiện đổi mới công tác nhận xét đánh giá cán bộ, việc ký và thực hiện cam kết về mức độ hoàn thành công việc được giao năm 2018, tại 07 đơn vị (03 phòng nghiệp vụ và 4 VKSND cấp huyện) trực thuộc VKSND tỉnh.

Đoàn khảo sát làm việc tại VKSND huyện Mai Châu - Ảnh Bùi Văn Hải

Qua khảo sát, cho thấy nhận thức của đại đa số cán bộ, công chức trong ngành Kiểm sát tỉnh Hòa Bình, nhất là người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới công tác nhận xét, đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực; đã quán triệt nghiêm túc quan điểm, mục tiêu và chủ trương đột phá của Lãnh đạo VKSND tỉnh, của Ban chỉ đạo về công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, gắn với việc thực hiện tốt phong trào "5 không, 3 tốt" của ngành Kiểm sát tỉnh Hòa Bình.

Các đơn vị được khảo sát đã kịp thời xây dựng Chuyên đề đổi mới công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, đồng thời triển khai thực hiện theo đúng Hướng dẫn số 144/HD-VKS ngày 22/3/2018 của VKSND tỉnh về việc ký cam kết đối với trong đơn vị mình. 

Việc ký cam kết hoàn thành công việc đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên cũng như của Thủ trưởng các đơn vị về trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị , khơi dậy tính chủ động, chịu trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, tạo sự lan tỏa đến từng cán bộ, Kiểm sát viên. 

Người đứng đầu các đơn vị đã công khai nội dung cam kết của mình đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị để cùng tham gia giám sát, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, tuân thủ đúng nguyên tắc thủ trưởng chế, trách nhiệm cá nhân phụ trách trong chỉ đạo thực hiện các nội dung cam kết; đã có sự đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát, quyết liệt hơn, hiệu quả công tác được nâng lên. 

Nhìn chung, việc nhận xét, đánh giá và phân loại công chức đã được người đứng đầu các đơn vị tiến hành hàng tháng, trong đó chú trọng về phương pháp, cách thức khi tiến hành đánh giá, phân loại đối với công chức, viên chức. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực ban đầu cho thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót cần phải được chấn chỉnh khắc phục rút kinh nghiệm chung, cụ thể:

Qua khảo sát cho thấy vẫn còn có những đơn vị chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ cũng việc ký cam kết hoàn thành công việc; chưa xem đó là tiền đề quan trọng để đánh giá đúng thực chất về chất lượng cán bộ. Do đó, việc triển khai còn nhiều lúng túng, có mặt còn hời hợt, hình thức; chưa đề ra được biện pháp, giải pháp cụ thể tích cực để thực hiện. Đó là chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sao chép máy móc nên cam kết cả những nội dung không thuộc trách nhiệm của mình. Có đơn vị có sự biến động về nhân lực, nhưng lại chưa kịp thời yêu cầu các CB, KSV mới chuyển đến ký cam kết bổ sung hoàn thành công việc.

Kết quả việc tổ chức ký cam kết, tổ chức đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng tháng ở các đơn vị được khảo sát không đồng đều, có đơn vị chưa đạt hiệu quả như cam kết đề ra đầu năm. Vẫn còn tình trạng người đứng đầu chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa thật sự “bắt tay vào làm” cùng với công chức, người lao động trong đơn vị. Do đó việc thực hiện các chỉ tiêu công tác về nghiệp vụ ở một vài đơn vị được khảo sát trong các tháng đầu năm 2018 chưa có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực so với cùng kỳ năm 2017.

Có đơn vị chưa có kế hoạch chi tiết để theo dõi tiến độ giải quyết công việc được giao của cán bộ, Kiểm sát viên theo tuần, theo tháng dẫn tới vướng mắc, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, đánh giá không sát và không phân loại đúng thực trạng của từng người; hàng tháng có đơn vị tuy có đánh giá đối với công chức, viên chức trong đơn vị, nhưng lại chưa "phân loại". Có đơn vị 100% công chức, viên chức trong 6 tháng đầu năm 2018 đều đạt mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nên chưa tạo ra áp lực cần thiết đối với công chức có ý thức, trách nhiệm, năng lực còn hạn chế và chưa khích lệ những cán bộ, công chức tận tụy, năng lực, trách nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Ở một số đơn vị, cán bộ, công chức tự nhận hoàn thành nhiệm vụ ở mức nào thì đều được Lãnh đạo ở đơn vị quyết định theo mức đó, chưa có việc "nâng lên, hạ xuống".

Có đơn vị thực hiện theo cách để từng cá nhân trong đơn vị tự đánh giá vào mẫu phiếu, Trưởng phòng đánh giá, phân loại sau đó gửi kết quả cho Phòng 15; đơn vị không tiến hành họp để cán bộ tự đánh giá và để đồng nghiệp góp ý lẫn nhau; lãnh đạo đơn vị không có kiểm đếm khối lượng công việc trong phiếu mà chỉ theo dõi, đánh giá chung chung thông qua sổ công tác theo dõi, ghi chép của cá nhân lãnh đạo đơn vị. 

Viện trưởng VKSND huyện Lạc Thủy Nguyễn Hữu Thạch báo cáo kết quả đánh giá và phân loại công chức với đoàn khảo sát - Ảnh Hoàng Trung

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra một số nguyên nhân chính của tồn tại như sau:

Một, một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, còn thiếu kiên quyết, ngại đưa ra chính kiến nhận xét, đánh giá của mình đối với cấp dưới, còn nể nang, ngại va chạm, sợ mất lòng hoặc chưa sâu sát, nắm không chắc khối lượng cũng như tiến độ công việc của từng bộ phận, từng cán bộ nên khi đánh giá phân loại còn thiếu thực chất, chưa khách quan. Mặt khác, tinh thần phê bình và tự phê bình của nhiều cán bộ, công chức chưa cao, chưa mạnh dạn nhận xét, góp ý kiến đối với đồng nghiệp. Cá biệt còn một số ít CB, KSV chưa thật sự chú trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ, quan tâm nhiều hơn đến việc tạo mối "quan hệ" mật thiết nhằm tranh thủ thiện cảm từ các đồng nghiệp. 

Hai, bệnh thành tích vẫn còn tồn tại trong một số đơn vị, xuất phát từ tâm lý nếu đánh giá đúng cán bộ mà không đạt kết quả xếp loại cao thì sẽ làm ảnh hưởng đến tập thể, uy tín của lãnh đạo; phương pháp, quy trình đánh giá của người đứng đầu chưa khoa học, còn qua loa, chiếu lệ.

Ba, do đây là việc vừa khó lại vừa mới, chưa có tiền lệ, thực hiện theo phương châm “làm trước, điều chỉnh sau”, “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, nên gặp nhiều vướng mắc, trở ngại trong quá trình tiến hành triển khai thực hiện; chưa có hướng dẫn cụ thể từ cấp trên… nên khi thực hiện còn nhiều lúng túng.

Để đưa công tác đổi mới nhận xét, đánh giá đi vào thực chất, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng được yêu cầu thực tế đòi hỏi hiện nay, cần tiếp tục làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Đối với Ban chỉ đạo

Tiếp tục tiến hành kiểm tra việc tổ chức triển khai và thực hiện việc đổi mới công tác nhận xét, đánh giá và phân loại công chức, đối với một số đơn vị phòng và VKSND cấp huyện còn lại. Hoàn thành việc xây dựng Chuyên đề đổi mới công tác nhận xét, đánh giá cán bộ của VKSND hai cấp tỉnh Hòa Bình.

Tiếp tục tăng cường việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc đổi mới công tác nhận xét, đánh giá và phân loại công chức, viên chức, đảm bảo thực chất, khách quan, công bằng.

Trên cơ sở các khó khăn, vướng mắc và ý kiến đề xuất của các đơn vị, nghiên cứu để chủ động tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo viện tỉnh hoàn thiện các biểu mẫu, quy trình, thể chế… trong quá trình thực hiện chuyên đề đổi mới.

2. Đối với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc

Cần nhận thức đúng đắn và nghiêm túc về trách nhiệm cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới công tác nhận xét, đánh giá phân loại công chức, người lao động.

Thủ trưởng các đơn vị phải nắm vững căn cứ, nắm chắc tiêu chuẩn đánh giá. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm yêu cầu cán bộ, công chức xây dựng Chương trình, kế hoạch các nhiệm vụ chính sẽ thực hiện; tiến hành phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, coi đó là cơ sở quan trọng trong việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại công chức của đơn vị mình; phải xác định rõ trách nhiệm trong đánh giá, phân loại công chức với tinh thần thẳng thắn, tự phê bình và phê bình cao; cần khắc phục cách đánh giá hình thức, giản đơn, qua loa, chiếu lệ; chỉ nêu ưu điểm, thành tích, né tránh khuyết điểm; thực hiện công khai kết quả phân loại đối với CB, công chức.

Lãnh đạo các đơn vị tiếp tục phát huy những ưu điểm, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được nêu trên để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác nhận xét, đánh giá và phân loại công chức, người lao động.

Sử dụng linh hoạt các phương pháp nhận xét, đánh giá, phân loại công chức phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể ở từng đơn vị, phản ánh đúng thực chất, có hiệu quả, đảm bảo việc đánh giá cán bộ phải thực chất, công tâm, vô tư, khách quan.

Cần có thái độ mạnh mẽ, quyết liệt nếu phát hiện có công chức nào không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực thì cần chủ động báo cáo Lãnh đạo viện tỉnh và Phòng TCCB (P15) để có phương án thay thế, bố trí công việc khác phù hợp.

3. Đối với công chức, người lao động

Trên cơ sở nhiệm vụ được lãnh đạo phân công từ đầu năm, các công chức, viên chức cần chủ động xây dựng Chương trình công việc cần hoàn thành trong tuần, tháng, quý, sáu tháng, đồng thời dự kiến khối lượng công việc mới phát sinh, đề ra tiến độ và biện pháp hoàn thành.

Nâng cao tinh thần phê bình và tự phê bình của mỗi cá nhân; cần thẳng thắn nhìn nhận vào khuyết điểm, hạn chế của bản thân từ đó có phương pháp, kế hoạch khắc phục những hạn chế của mình./.

Xem thêm >>>

Hướng dẫn chuyển xếp lương công chức, viên chức khi thay đổi công việc

Ngành Kiểm sát nhân dân: Tiếp tục thực hiện bồi dưỡng công chức, viên chức trước khi bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý
 

Nguyễn Thị Kim Dung/ VKSND tỉnh Hoà Bình