Màu áo thiên thanh - Kỳ 1: Những chiến binh âm thầm và lặng lẽ
Ngày đăng : 08:30, 07/02/2019
Thời gian thấm thoắt trôi, tôi đã trở thành cán bộ ngành Kiểm sát được 5 năm, được khoác trên mình màu áo thiên thanh – màu áo của công lý như mơ ước thủa nào. 5 năm chưa hẳn là dài nhưng giờ đây tôi đã có thể hiểu hơn về ngành; hiểu những công việc tuy khó khăn, vất vả nhưng vinh quang mà những cán bộ Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Sơn La đang phải thực thi để giữ gìn sự nghiêm minh của pháp luật, mang công lý đến cho mọi người, bình yên cho xã hội.
Môi trường Kiểm sát không những là môi trường làm việc mà còn là trường đời dạy tôi nên người. Trường đời ấy đã dạy tôi trở thành một con người trưởng thành hơn với nhiều đức tính: Nếu trước đây tôi là người ẩu thả, qua loa thì từ khi vào ngành do đặc thù công việc, tôi đã rèn luyện cho bản thân được tính thận trọng. Nếu trước tôi là con người e dè, nhút nhát thì giờ công việc đã tạo nên tôi với tính đấu tranh hơn, mạnh mẽ hơn. Ngành Kiểm sát đã tạo cho tôi từng bước để trưởng thành.
Với 5 năm công tác trong ngành, tuổi đời, tuổi ngành còn non trẻ nhưng bản thân tôi đã tự hứa sẽ mãi gắn bó với con đường mà mình đã chọn để được tự hào khoác trên mình màu áo thiên thanh - nơi công lý ngự trị.
Những chiến binh âm thầm và lặng lẽ
Lặng lẽ làm việc, mang công lý đến cho mọi người, những điều tưởng như rất bình thường đó lại làm nên hình ảnh người cán bộ Kiểm sát giản dị mà đẹp đẽ.
Những ngày đầu công tác, do chưa hiểu biết rõ về chức năng, nhiệm vụ của ngành nên một “cán bộ đeo lon trung úy” như tôi còn gặp nhiều bỡ ngỡ từ suy nghĩ đến hành động. Những thứ tôi học được ở trường khác xa với thực tế. Lúc ấy, trong suy nghĩ của tôi, cán bộ kiểm sát chỉ đơn giản như một công chức hành chính văn phòng với những công việc như: Đánh máy, soạn thảo văn bản, đóng dấu bút lục, sắp xếp hồ sơ… Chắc hẳn các bạn - những người mới bước chân vào nghề lúc đó cũng như tôi, vẫn ngây ngô không biết được sự vất vả của hoạt động thực thi pháp luật.
Trải qua những công việc tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy, tôi mới được hiểu thế nào là hồ sơ kiểm sát, hiểu trình tự, thủ tục tố tụng được pháp luật quy định. Để có hồ sơ mà tôi sắp xếp ngày hôm ấy là có bao sự nghiên cứu đêm ngày, có bao chất xám, và cả sự vất vả của Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Chữ ký của Kiểm sát viên trong các tài liệu không đơn giản là ký cho đủ thành phần, họ đã không quản giờ giấc để thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, tôi cũng hiểu được, để Cơ quan điều tra tìm ra được sự thật khách quan, đằng sau “những dấu vết” để lại tại hiện trường, Kiểm sát viên có mặt trong từng khâu công tác, bắt đầu từ khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, người Kiểm sát viên đã có mặt để giữ cho các hoạt động điều tra diễn ra đúng với trình tự, thủ tục luật định, góp phần đáng kể cho việc xử lý đúng người, đúng tội, loại bỏ oan, sai. Để có được một bản án công bằng, nghiêm minh là sự đóng góp công sức của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự.
Có lẽ chỉ những người trong ngành mới thấu hiểu được sự vất vả của những ngày làm việc thâu trưa, những bữa ăn vội vàng, giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì chiếc điện thoại gọi lên đường đi khám nghiệm. Đôi khi khối lượng công việc cùng một lúc dồn dập đến, tranh thủ cả ban đêm, ngày nghỉ đến cơ quan làm nhưng chưa bao giờ bận tâm về điều đó, bởi việc hoàn thành nhiệm vụ được giao là đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của cơ quan. Những chuyện như làm việc quá giờ, xa gia đình của cán bộ kiểm sát là điều không phải ai cũng có thể thấu hiểu và thông cảm.
Ngoài những khó khăn chung của nghề thì so với các đồng nghiệp nam giới, các nữ Kiểm sát viên cũng không tránh khỏi những vất vả, hạn chế đặc thù do giới tính mang lại. Trong đó, khó khăn lớn nhất đến từ chính cuộc sống gia đình. Một số người chồng quan niệm: Người phụ nữ có thiên chức làm vợ, làm mẹ nên công việc chính của người phụ nữ là nội trợ, chăm lo cho gia đình, chăm sóc chồng, con; thời gian còn lại mới dành cho công việc xã hội, phát triển nghề nghiệp. Trong khi công việc của các Kiểm sát viên luôn phải đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ với những công việc đặc thù như kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, phúc cung,… bất kể thời gian ngày hay đêm, trời nắng hay mưa gió, cứ có việc là phải lên đường làm nhiệm vụ. Vào những lúc như vậy, áp lực đến từ chồng, con, bố mẹ, họ hàng là vô cùng lớn, đòi hỏi các nữ Kiểm sát viên phải thực sự có tình yêu, niềm đam mê với nghề và trí thông minh mới có thể thu xếp hài hòa giữa công việc chuyên môn và cuộc sống gia đình.
Lĩnh vực pháp luật là một lĩnh vực khô khan, đặc biệt là trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự. Khi mà các nữ Kiểm sát viên phải tiếp xúc với nhiều đối tượng giang hồ phức tạp, đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm trong các vụ án hóc búa, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm… các nữ Kiểm sát viên khi làm nhiệm vụ luôn phải cố gắng tránh biểu hiện cảm xúc ra bên ngoài, tự quyết liệt hơn với chính bản thân, tự tin, bản lĩnh, biết cách biến những điểm yếu về giới tính thành những điểm mạnh để vận dụng vào công việc một cách khéo léo, hiệu quả. Mặc dù đã có sự phát triển về số lượng và chất lượng nhưng phụ nữ Việt Nam nói chung và các nữ Kiểm sát viên nói riêng vẫn phải tiếp tục vượt qua rất nhiều khó khăn đặc thù trong nghề nghiệp. Tuy nhiên, cùng với chính sách bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm sâu sắc của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh, các nữ Kiểm sát viên Sơn La luôn học tập, hoàn thiện bản thân và cống hiến hết mình cho sự phát triển của ngành Kiểm sát nói riêng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Người cán bộ Kiểm sát tận tụy với công việc
“Chị là một ngọn lửa tâm huyết với nghề, tận tụy với việc”, đó là lời nhận xét ngắn ngọn, chân tình mà bất kỳ ai khi được tiếp xúc, làm việc với đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Sơn La - Sa Thị Hoa đều có chung cảm nhận.
Kể cho tôi nghe về hành trình 32 năm gắn bó với nghề, chị Hoa tâm sự: Sau khi tốt nghiệp ra trường, chị được phân công về công tác tại thành phố. Tuy nhiên, với nhiệt huyết của tuổi trẻ và mong muốn được đến những nơi khó khăn để cống hiến chị đã viết đơn xin lên huyện miền núi Mường La để công tác: “Khi đó, mọi người không khỏi ngạc nhiên và còn cười chị”.
Những ngày đầu công tác, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng chị vẫn không tránh khỏi nỗi sợ trong lần đầu chị đi khám nghiệm tử thi, đó là một vụ án giết người, phải đi bộ 27 km mới đến được hiện trường vì đây là vùng rừng giáp ranh với tỉnh Yên Bái. Lúc khám nghiệm, tử thi đã chết được một khoảng thời gian nên bốc mùi, đang trong quá trình phân hủy. Khi được hỏi về cách vượt qua nỗi sợ, chị cười hiền trả lời: “Nỗi sợ đó không được phép tồn tại vì kết quả của hoạt động khám nghiệm hiện trường sẽ giúp Cơ quan điều tra quyết định: Hiện trường có sự kiện phạm tội xảy ra không?”
Có những sự vụ để lại những ký ức không thể quên, đó không chỉ là những vụ tai nạn thương tâm, những vụ giết người oan trái mà còn là nỗi đau mà người ở lại phải gánh chịu trong suốt cuộc đời, mà người ngoài cuộc chỉ chứng kiến thôi đã thấy đau lòng. Vụ án xảy ra ngày 7/8/1996 là vụ án để lại trong chị sự xót xa: Do xích mích riêng của hai vợ chồng mà họ không hòa giải được, người chồng đã giết chết vợ rồi thắt cổ tự tử, để lại hai đứa con mới 6 tuổi và 3 tuổi. Hình ảnh hai đứa trẻ phải chịu mồ côi cả cha lẫn mẹ, đứng run rẩy sợ hãi nhìn cha mẹ chúng giữa căn nhà lụp xụp trong một ngày trời mưa tầm tã là một nỗi ám ảnh không nguôi.
Với cương vị là Bí thư Đảng bộ, chị đã cùng Đảng bộ làm tốt công tác quản lý đảng viên, xây dựng Đảng bộ VKSND tỉnh Sơn La là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh nhiều năm. Cá nhân chị luôn gương mẫu, thực hiện tốt nhiệm vụ người đảng viên và được Tỉnh ủy Sơn La tặng Giấy khen “Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm liên tục.
Thực hiện theo lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng và Khiêm tốn”, gắn với việc thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” chị luôn tâm huyết xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành kiểm sát tận tụy, có chuyên môn vững vàng phục vụ nhân dân và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, chị đã đề ra nhiều chủ trương giúp cán bộ, công chức có điều kiện rèn luyện nâng cao trình độ. Chị như ngọn lửa thắp sáng niềm tin trong tôi, tiếp sức cho tôi tiếp tục thực hiện mơ ước, hoài bão của mình là góp một phần công sức nhỏ bé của mình xây dựng ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Sa Thị Hoa, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Sơn La tại Hội nghị sơ kết 3 năm tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm
Với tác phong làm việc cụ thể, thận trọng, tỉ mỉ, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, làm việc miệt mài với tinh thần "hết việc", "không phải hết giờ". Chị luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu đầu tầu với mọi công việc, không chủ quan, qua loa đại khái, không đùn đẩy trách nhiệm mà sẵn sàng chia sẻ công việc cùng tập thể. Chị đã nỗ lực học hỏi, trau dồi nghiệp vụ, chủ động nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật những văn bản pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực công tác, tích lũy kinh nghiệm xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, nghiên cứu các sáng kiến cải tiến phương pháp làm việc nhằm đảm bảo giải quyết công việc nhanh, có hiệu quả, tiết kiệm thời gian, kịp thời hướng dẫn phòng nghiệp vụ và VKSND cấp huyện áp dụng pháp luật đúng trong khi chờ hướng dẫn của cấp trên đồng thời tự đào tạo, bồi dưỡng kinh nghiệm cho cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp.
Ngoài công tác quản lý, chỉ đạo điều hành chị còn thực hiện nhiệm vụ của Kiểm sát viên như trực tiếp nghiên cứu các vụ án, kiểm sát bản án, quyết định giải quyết của Tòa án phát hiện nhiều vi phạm, thực hiện nhiều chỉ tiêu kháng nghị, đem lại thành tích chung cho tập thể. Chị luôn tận dụng thời gian nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, duyệt án cùng các đồng chí Kiểm sát viên, có quan điểm giải quyết vụ án đúng căn cứ pháp luật. Chị thường trăn trở trước những vụ án khó; những bản án, quyết định giải quyết các vụ án hình sự, vụ, việc dân sự của Tòa án không đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự ...
Ẩn đằng sau vẻ ngoài nghiêm nghị là một trái tim nhân ái, tận tụy với công việc, gương mẫu trong đạo đức lối sống. Với chúng tôi - những đồng nghiệp non trẻ, chị là “người chị” luôn quan tâm, chỉ bảo điều hay, lẽ phải; truyền đạt những kiến thức chuyên môn, những kinh nghiệm mà chị đã tích lũy được trong quá trình công tác.
Với tôi, chị là đồng nghiệp tin cậy, người thầy đáng kính và là tấm gương sáng để tôi noi theo. Tôi còn nhớ lúc mới được thuyên chuyển công tác, trong tôi là những cảm xúc hồi hộp, lo lắng đan xen bởi vì môi trường làm việc thay đổi. Lần đầu tiên gặp chị tôi thầm nghĩ chị là Phó Viện trưởng “khó gần”. Lần thứ hai, chị mang cho tôi một tập Tạp chí kiểm sát và bảo: “Em giúp chị tìm ra những bài viết có những kiến thức lý luận và thực tiễn trong các khâu công tác của ngành Kiểm sát nhân dân”. Khi được nhận “nhiệm vụ” tôi thầm thắc mắc trong lòng: “Tại sao Lãnh đạo viện lại giao cho mình một công việc nhàm chán đến vậy?”. Đằng sau công việc “nhàm chán” đó, tôi mới hiểu được những kiến thức lý luận được áp dụng vào thực tiễn là một khoảng cách, là cả một quá trình mà bắt buộc phải tự học hỏi, tự quan sát và tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân thì mới có thể đáp ứng được công việc được giao. Chính sự chỉ bảo ban đầu của chị, mà tôi đã hoàn thành tốt công việc được giao sau này: Tham mưu cho Lãnh đạo Viện xây dựng thành công Chuyên đề “Nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi tranh tụng của Kiểm sát viên trong việc giải quyết các vụ án hành chính” và Chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử đụng đất” tập huấn cho VKSND hai cấp...
Xem thêm >>>
"Viên gạch hồng" của Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Hồ, Vĩnh Long